
Buổi đối thoại trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở này diễn ra vào thời điểm Bộ TT-TT đang gấp rút hoàn thành kế hoạch quy hoạch - quản lý báo chí đểtrình Chính phủ trong tháng 7 tới.
Sau hơn 8 năm thi hành Luật Báo chí (sửa đổi) kể từ năm 1999, đến nay, toàn quốc đã có 702 cơ quan báo chí, trong đó riêng báo in, cả nước có 634 cơ quan báo chí với 813 ấn phẩm.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống báo in là sự phát triển rất lớn của phát thanh và truyền hình, cả về kỹ thuật và công nghệ thông tin và đặc biệt là hệ thống báo điện tử. Nếu như năm 1997, chỉ có tạp chí Quê hương điện tử thì đến nay cả nước đã có hơn 8 báo điện tử, 130 trang tin điện tử và hàng ngàn trang web cung cấp thông tin. Một số báo, trang tin điện tử có số lần truy cập mỗi ngày hàng triệu lượt người...
Thông qua các loại hình báo chí, các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng được chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân, đáp ứng nhu cầu văn hóa, nâng cao dân trí, giải trí của nhân dân, giới thiệu với các dân tộc và bạn bè trên thế giới về đất nước, con người Việt Nam. Báo chí đã tích cực giới thiệu những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham những, phê phán quan điểm sai trái, thù địch...
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành báo chí cũng đặt ra một thách thức đối với công tác quản lý báo chí của các cơ quan chức năng, khi thông tin sai sự thật vẫn tiếp tục diễn ra nhưng chậm được khắc phục, thể hiện chủ yếu ở mảng bài viết về các vụ án; thông tin xâm phạm bí mật đời tư công dân, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị; thông tin dung tục, chạy theo thị hiếu của một bộ phận ngườidân, làm giảm tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí xem nhẹ việc giải quyết khiếu nại thông tin của các cá nhân, tổ chức…
Qua cuộc đối thoại, nhiều vấn đề sẽ được “mổ xẻ” một cách cởi mở như: Những “lỗi vi phạm” nào của báo chí khiến cho cơ quan quản lý cảm thấy “đau đầu” nhất...?
Thực trạng trên đặt ra vấn đề cấp thiết phải điều chỉnh, đổi mới, không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý báo chí, để báo chí vừa phát triển mạnh mẽ, vừa không chệch "đường ray" chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích đặt ra của mình.
Quản lý báo chí như thế nào để các loại hình báo chí được điều phối và phát triển một cách hợp lý, có trật tự nhằm đáp ứng một cách hiệu quả nhất nhu cầu thông tin của quần chúng? Quản lý như thế nào để đảm bảo các cơ quan báo chí không đi chệch hướng mà vẫn đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của mình là phản ánh thông tin trung thực, chính xác?
Liệu việc quản lý báo chí thời gian tới có đặt nặng khuyến khích, tôn vinh, khích lệ báo chí làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình hay sẽ đặt nặng tính xử phạt, răn đe?...
Quản lý như thế nào để ngăn chặn tình trạng báo chí với tính chất đặc thù của mình có thể “lách luật” để trở thành phương tiện trục lợi của những phần tử xấu?
Những vấn đề này sẽ được Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn thẳng thắn giải đáp và chia sẻ cùng độc giả.
Qua cuộc đối thoại này, quý độc giả có thể đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ TT-TT về việc quy hoạch sắp xếp báo chí trong thời gian tới (2010-2020),trước sự bùng nổ của thông tin như hiện nay? Theo quy hoạch báo in đến năm 2020 thì những đơn vị nào được phép là cơ quan chủ quản của các báo và tạp chí? Một cơ quan, tổ chức, hay hiệp hội được phép xuất bản bao nhiêu ấn phẩm báo chí…?
Ngoài ra, độc giả và các nhà báo cũng có cơ hội cùng bày tỏ, chia sẻ tình cảm với Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhân ngày Báo chí cách mạng VN. Cơ hội được nghe Thứ trưởng tâm sự về “nghề” quản lý báo chí.
Buổi đối thoại sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC2 của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và trực tuyến trên các Báo điện tử VTC News (http://vtc.vn), VietNamNet, ICT News, Trang thông tin điện tử của Bộ TT-TT (http://mic.gov.vn/).
Để tham gia giao lưu với Thứ trưởng, ngay từ bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây hoặc nhắn tin theo cú pháp: CHAT gửi tới số 8330. Câu hỏi sẽ được hiện trực tiếp dưới chân màn hình trong suốt chương trình.