Hội nghị phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin và Truyền thông

(Mic.gov.vn) - Ngày 28/05/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Trần Đức Lai đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành và UBND tỉnh; các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các sở TT&TT, một số doanh nghiệp viễn thông và truyền hình cáp,… Hội nghị được diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh qua cầu truyền hình.

Trong những năm qua, sự phát triển của các ngành hạ tầng cơ sở trong đó có ngành Thông tin và Truyền thông đã được khẳng định có đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo động lực và điều kiện cho các ngành khác phát triển. Do vậy việc phát triển mạng lưới, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông được xác định cần đi trước một bước. Việc triển khai xây dựng các mạng lưới hạ tầng Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) vì thế mang tính chất sống còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa được Chính phủ giao triển khai xây dựng Chiến lược tăng tốc, sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, mục tiêu đến năm 2015 đưa Việt Nam trở thành một trong 70 nước phát triển CNTT-TT hàng đầu thế giới, tầm nhìn đến năm 2020, CNTT-TT làm nòng cốt để Việt Nam chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội trở thành nước có trình độ tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin.

Trong thời gian tới, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển hạ tầng mạng viễn thông, không ít các vấn đề nảy sinh cần có sự quan tâm, chỉ đạo và cần có hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý và tạo điều kiện nhằm tăng cường đầu tư, phát triển CNTT-TT nhanh hơn nữa. Một số vấn đề cần có biện pháp triển khai ngay bao gồm: Tận dụng được cơ sở hạ tầng dùng chung liên ngành với các công trình công cộng, điện lực, cấp thoát nước, giao thông; Ngầm hóa các mạng cáp thông tin, cáp truyền hình; Tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp viễn thông; Có cơ chế ưu tiên đối với việc đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường và hình thành các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam mạnh,...

Hội nghị đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể như: Tăng cường sự phối hợp liên Bộ, ngành và chỉ đạo UBND các địa phương đối với việc thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT-TT; Các Bộ, Ngành Trung ương phối hợp ban hành các văn bản hướng dẫn việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng các công trình xây dựng, giao thông, điện lực, cấp thoát nước, viễn thông…; Cần có quy chế rõ ràng hơn tăng cường sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của Bưu điện Trung ương phục vụ ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước;…

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng sự cần thiết phải sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông, điều đó không những thể hiện tính khoa học, an toàn mạng lưới, tiết kiệm đầu tư mà còn thể hiện văn minh đô thị. Mặc dù ích lợi từ việc dùng chung cơ sở hạ tầng là rất lớn nhưng các đại biểu đều cho rằng để thực hiện còn có vướng mắc. Tuy nhiên, các đại biểu đều kiến nghị rằng mặc dù thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng hầu hết đều là doanh nghiệp nhà nước, và đại diện vốn nhà nước, do đó việc sử dụng chung là tất yếu, tuy nhiên để làm được việc này cần luật hóa cũng như trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những văn bản điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội, tăng cường liên doanh, liên kết, đào tạo nguồn nhân lực và có qui hoạch chi tiết.

Phát biểu chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của các địa phương, doanh nghiệp cũng như đề ra những phương hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, phát triển hạ tầng có vai trò quyết định đối với mọi sự phát triển. Thời gian qua, việc phát triển hạ tầng CNTT-TT nước ta vẫn còn một số tồn tại như: Quy hoạch phát triển chưa đầy đủ; Thực hiện xã hội hóa trong phát triển cơ sở hạ tầng còn lúng túng; Việc ngầm hóa tiến hành chậm; Liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ; Việc chỉ đạo thực hiện đôi lúc chưa kịp thời,…Trong thời gian tới, Bộ trưởng chỉ đạo cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể: Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng trong phát triển hạ tầng CNTT-TT; Tăng cường liên kết thực hiện giữa các doanh nghiệp; Tích cực xã hội hóa việc phát triển cơ sở hạ tầng; Đẩy nhanh việc ngầm hóa hạ tầng CNTT-TT; Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp chuyên môn hóa phát triển cơ sở hạ tầng; Xây dựng cơ chế chính sách kích cầu đầu tư phát triển hạ tầng CNTT-TT; Ban hành kịp thời các văn bản pháp lý cần thiết để tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển cơ sở hạ tầng; Đưa ra được những quy hoạch phù hợp trong phát triển hạ tầng CNTT-TT;…Việc Bộ TT&TT đang tập trung hoàn thành xây dựng Chiến lược tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT cũng là một trong những biện pháp để đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng CNTT-TT nước ta.

Lê Mạnh

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)