Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử

(Mic.gov.vn) - Bắt đầu từ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ phải sử dụng máy tính trong quá trình làm việc. Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ trực tiếp sử dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành là thông điệp quan trọng về ứng dụng CNTT trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ tiếp tục cuộc trao đổi với GS-TSKH Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bưu chính viễn thông, Phái viên của Thủ tướng về Công nghệ thông tin (CNTT) về lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Phóng viên: Xin ông cho biết những nét cơ bản về bức tranh CNTT ở nước ta hiện nay?

Ông Đỗ Trung Tá: Đẩy mạnh phát triển CNTT là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nước ta. Trong buổi làm việc với VNPT và Viettel, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 2 đơn vị này cùng thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.

Với 70% dân số là lao động trẻ - những người giàu tiềm năng tiếp cận công nghệ mới, trong đó có CNTT, vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã có 20 triệu người thường xuyên sử dụng internet, đó cũng là tỷ lệ cao của thế giới. Chúng ta cũng đang tiến dần đến sự giao thoa giữa CNTT với truyền hình, một thế giới số song hành cùng cuộc sống của xã hội hiện đại.

Hệ thống viễn thông của chúng ta đã được xây dựng vững chắc. Chúng ta đã cấp phép dịch vụ thông tin di động 3G cho 4 doanh nghiệp viễn thông hàng đầu. Tốc độ tăng trưởng của ngành CNTT thường xuyên đạt mức 30% năm. Điều đó cho thấy Việt Nam có cơ sở thực tế trở thành nước mạnh về CNTT.

Chúng ta đã đạt mức độ giỏi trong năng lực tiếp thu công nghệ và ứng dụng nhưng thời gian tới, cần tập trung vào 4 trụ cột về CNTT. Cụ thể là: Tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng, chú ý tới an toàn, an ninh mạng; hạ tầng viễn thông phải là nơi cung cấp cơ sở dữ liệu quốc gia và các dịch vụ (như thương mại điện tử, y tế điện tử, học tập từ xa…) để phục vụ phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng…; phát triển công nghiệp CNTT với những sản phẩm quốc gia có hàm lượng chất xám cao, có tính thương mại đủ khả năng cạnh tranh (nhất là công nghiệp phần mềm); và đào tạo nguồn nhân lực cho một xã hội thông tin.

Với những lý do đó, tôi tin tưởng rằng, quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Đảng, Nhà nước chắc chắn sẽ thành công.

Phóng viên: Ông có nhận xét gì về khả năng phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam năm 2009?

Ông Đỗ Trung Tá: Năm 2009 đã xuất hiện những khó khăn chung đối với công nghiệp phần mềm thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong khó khăn lại xuất hiện những lợi thế của những nước đi sau. Tôi đã thấy một thực tế là những doanh nghiệp lớn nước ngoài thuê kỹ sư phần mềm người Việt Nam làm việc, vì chất lượng như nhau nhưng chi phí thấp hơn. Có thể coi đây vẫn là lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta cần rút ra những bài học trong chỉ đạo để phát triển công nghiệp phần mềm là: tập trung nghiên cứu để gia công, xuất khẩu phần mềm. Qua đó định vị được thế mạnh của Việt Nam và hướng tới thị trường trong nước. Trong thời điểm khó khăn này, chúng ta cần tập trung sản xuất trong nước, hỗ trợ những doanh nghiệp phần mềm trong nước tiếp tục duy trì sản xuất. Tôi có thể lạc quan nói rằng: Những khó khăn nội tại trước mắt sẽ được hóa giải và công nghiệp phần mềm của nước ta sẽ vượt được khó khăn và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phóng viên: Với tư cách là Phái viên của Thủ tướng Chính về CNTT, ông có nhận xét gì về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay và những ứng dụng của CNTT trong thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử?

Ông Đỗ Trung Tá: Tôi nhận thấy một số công chức nhà nước chưa nắm bắt được một cách thực sự hiệu quả của CNTT trong xử lý công việc hàng ngày. Điều này đòi hỏi cán bộ công chức phải thay đổi cách làm việc truyền thống để bắt nhịp với đời sống hiện đại, trong đó có việc ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều mà chúng ta có thể thay đổi thói quen đó. Tính minh bạch tối ưucủa CNTT lại chưa ăn khớp nhiều với những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp hiện nay.

Tôi hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi về nhận thức, về sự đồng thuận của hệ thống công chức Nhà nước để nhanh chóng đưa CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành trong công tác cải cách hành chính.

Tôi có thể nói điều này: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sử dụng máy tính từ lâu trong công tác chỉ đạo và điều hành. Bắt đầu từ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức yêu cầu các thành viên Chính phủ phải sử dụng máy tính trong quá trình làm việc. Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ trực tiếp sử dụng và ứng dụng CNTT vào công việc đã phát đi thông điệp quan trọng trong ứng dụng CNTT đối với giới công chức, viên chức trên toàn quốc.

Toàn dân sử dụng internet và được tiếp xúc với Chính phủ, khi đó chúng ta sẽ có một môi trường pháp lý rất rành mạch trên môi trường mạng. Với xu hướng như hiện nay, chúng ta cần tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh những hiệu quả ứng dụng của CNTT. Trình độ CNTT có thể phải trở thành tiêu chí tuyển dụng cán bộ. Mỗi người dân, dù trong hay ngoài ngành CNTT nếu tích cực đưa CNTT vào cuộc sống, tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Đó cũng là cầu nối quan trọng để Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh về CNTT cũng như đảm bảo tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)