IT cho người khuyết tật

(Mic.gov.vn) - 

Ngày 24/10/2006, Thủ tướng Chính phủ ký QĐ 239/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 – 2010. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người tàn tật; từng bước tạo điều kiện cho người tàn tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường xã hội ngày càng chăm lo tốt hơn quyền lợi của người tàn tật. Trong rất nhiều hoạt động của Đề án có việc Trợ giúp tiếp cận và sử dụng thông tin và viễn thông, bao gồm các công nghệ thông tin, viễn thông. Trang tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông xin giới thiệu bài viết đăng trên báo Thanh niên online về một mô hình đào tạo IT cho người khuyết tật đã được mang từ Mỹ về Việt Nam bởi một Việt kiều nặng lòng với quê hương.


Dạy học kết hợp với tạo việc làm

Ông Du (bìa trái) và lớp học tại TT Đào tạo IT dành cho người khuyết tậtĐó là một mô hình khép kín: đào tạo IT trong thời gian ngắn và tạo công ăn việc làm ngay cho người khuyết tật sau khi kết thúc chương trình học.

Vừa hoàn thành lễ ký kết hợp tác đào tạo với trường ĐH Văn Lang TP.HCM theo mô hình này, ông Đỗ Văn Du lại tất bật chuẩn bị bay ra Hà Nội để tiếp tục quản lý công ty phần mềm mà nhân viên cũng chính là những người khuyết tật được đào tạo ra từ mô hình mà ông đưa từ Mỹ về. Ông cho biết năm 1987, ông đã tham gia chương trình công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật ở Mỹ (vì bản thân ông đã mất một cánh tay và một chân từ năm 14 tuổi trong một tai nạn bom mìn thời chiến tranh). Những người không may chịu cảnh khuyết tật như ông đã được trao cho cơ hội học tập, làm việc với những công cụ hỗ trợ thật tốt và thực tế là khả năng đóng góp chất xám không hề kém cỏi so với những người bình thường khác. Ông mơ ước một ngày nào đó ở quê hương mình cũng sẽ vận hành một chương trình như thế.

Năm 2003, ông xây dựng đề cương thành lập Trung tâm Đào tạo IT dành cho người khuyết tật ở Việt Nam, đã được USAID (Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ) đánh giá rất cao và đồng ý tài trợ. Và tới năm 2007, trung tâm ra đời, hợp tác với trường Trung học bán công Kỹ thuật tin học Hà Nội (ESTIH) đào tạo được 75 lập trình viên và 100 người mù cũng được học nghề IT tại đây. Trong năm 2009 này, TP.HCM được tài trợ 170 suất học, trong đó 50 lập trình viên, 60 kỹ thuật viên, 25 kỹ thuật đồ họa và 60 suất về IT căn bản.

Khi được hỏi làm thế nào để đưa suất học này tới đúng với những bạn trẻ khuyết tật có nhu cầu thực sự, vì thực ra con số 170 chưa phải là nhiều, ông Du băn khoăn: "Có một điều rất khó là bản thân người khuyết tật luôn bi quan, nghĩ mình là người tàn phế nên không nỗ lực. Trong khi đó người sử dụng lao động cũng có sự phân biệt, cho rằng người khuyết tật làm việc không hiệu quả. Vì thế chúng ta cần thay đổi quan niệm này để giúp những bạn trẻ thiếu may mắn có niềm tin và cơ hội sống tốt hơn". Ông Du nhấn mạnh chương trình sẽ ưu tiên những bạn trẻ nào đã học công nghệ thông tin ở các trường ĐH-CĐ-TCCN mà hiện nay chưa có việc làm.

Công ty tin học của người khuyết tật

Năm 2006, ông Du đã bỏ một công việc rất tốt tại một công ty phần mềm nổi tiếng ở Mỹ để về hẳn Việt Nam thành lập Công ty PWD Soft, nay đã có hơn 20 thành viên toàn là bạn trẻ khuyết tật. Họ chỉ tham gia khóa học từ 3 tháng tới 1 năm tại Trung tâm Đào tạo IT dành cho người khuyết tật nhưng vẫn làm việc hiệu quả để xuất khẩu sản phẩm phần mềm của mình sang thị trường Mỹ.

Điều ông Du trăn trở nhất là sau khi bạn trẻ khuyết tật học xong, phải có công ăn việc làm ổn định và môi trường tốt để phát huy được năng lực. Vì thế ông có tham vọng phát triển công ty của mình lớn hơn nữa. Đồng thời ông đã cùng các cộng sự nỗ lực quan hệ hợp tác với nhiều công ty, thuyết phục họ về khả năng làm việc của người khuyết tật để mở ra một cơ hội việc làm sau này cho họ. Thực tế ông Du đã là câu trả lời sinh động nhất, vì cho dù bị khuyết tật từ nhỏ, ông đã nỗ lực học tập và từng nhận được học bổng du học ở Đại học Washington năm 1971. Bao nhiêu năm phải mang tay chân giả nhưng ông Du vẫn cống hiến sức lao động của mình không thua kém một người bình thường. Thậm chí ông đã làm được rất nhiều công việc thiện nguyện cho quê hương với số tiền đến nay khoảng 1 tỉ đồng như giúp trẻ em điều trị bệnh não úng thủy, giúp bệnh nhân nghèo lọc máu và ghép tạng ở Huế, Sài Gòn, Bình Định...

Ông tâm sự: “Tôi là người khuyết tật nên tôi hiểu rõ nhất những lợi thế cũng như tâm tư, khao khát của các bạn trẻ khuyết tật. Các bạn hoàn toàn có thể sống một đời sống vô cùng ý nghĩa nếu như biết nỗ lực học tập và cống hiến”.

Theo Thanh niên online

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)