Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản đã được Quốc hội Khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua chiều 03/06/2008

(Mic.gov.vn) - 

Thực hiện Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011) và năm 2008, Nghị quyết số 551/2007/UBTVQH12 ngày 22 tháng 12 năm 2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chư­ơng trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011) và theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chuẩn bị soạn thảo Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản.


Thực hiện Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011) và năm 2008, Nghị quyết số 551/2007/UBTVQH12 ngày 22 tháng 12 năm 2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chư­ơng trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011) và theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chuẩn bị soạn thảo Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban Soạn thảo Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp làm tr­ưởng ban và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan là thành viên; thành lập Tổ Biên tập gồm những chuyên gia có kinh nghiệm về quản lý nhà n­ước trong lĩnh vực xuất bản và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Bộ T­ư pháp và các cơ quan có liên quan. Bộ đã phối hợp với một số cơ quan của Quốc hội làm việc tại một số nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành để nghiên cứu, đánh giá về tình hình thực thi Luật Xuất bản trong ba năm qua; tổ chức đợt làm việc tập trung để sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản nhiều lần, qua đó xây dựng đư­ợc Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản để báo cáo Ban Soạn thảo và lấy ý kiến các cơ quan chức năng. Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập đã tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng, sửa chữa và hoàn chỉnh văn bản để Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản tiếp tục thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động xuất bản thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lấn thứ X, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá X) về hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương ngày 25/8/2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; bảo đảm sự phù hợp giữa những quy định của Luật Xuất bản với những nội dung cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản đã bước đầu giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn hoạt động xuất bản đặt ra thời gian qua; thể hiện tinh thần đổi mới và cải cách hành chính theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, hình thành cơ chế quản lý mới, phân định rõ và đề cao trách nhiệm, quyền hạn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản, in, phát hành, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản cũng đã có sự sửa đổi tên gọi cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cho phù hợp với mô hình tổ chức mới của Chính phủ.

Những nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản: Luật được kết cấu thành 3 điều: Điều 1 quy định về các điều, khoản sửa đổi, bổ sung; Điều 2 quy định về sửa đổi tên gọi cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản; Điều 3 quy định hiệu lực thi hành của Luật. Trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 8 điều (Điều 18, 26, 30, 36, 38, 39, 43, 44), bao gồm:

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc đăng ký kế hoạch xuất bản (Điều 18 Luật Xuất bản). Theo đó, Luật chỉ quy định: “Trước khi xuất bản, nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông và phải được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận bằng văn bản”. Điểm mới của quy định này so với Luật Xuất bản 2004 là giúp cho các nhà xuất bản không phải xây dựng kế hoạch xuất bản nhiều lần và xin phép mỗi khi muốn thay đổi thông tin liên quan đến tên sách, tên tác giả, thời gian xuất bản sách..., đồng thời để cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản không phải nhiều lần xác nhận kế hoạch, xác nhận yêu cầu bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cho các nhà xuất bản. Để đảm bảo kế hoạch xuất bản không kéo dài từ năm này qua năm khác, gây khó khăn cho công tác quản lý và thống kê, Luật đã bổ sung quy định kế hoạch xuất bản chỉ “có giá trị thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 của năm kế hoạch”.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin ghi trên xuất bản phẩm (Điều 26 Luật Xuất bản). Luật chỉ quy định những thông tin bắt buộc phải ghi trên xuất bản phẩm. Chính phủ quy định vị trí một số thông tin cần thiết nhất, còn vị trí của những thông tin khác giao giám đốc nhà xuất bản tự quyết định.

- Sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản (các Điều 30, 36 và 44 Luật Xuất bản). Luật đã quy định đầy đủ hơn về các hành vi vi phạm và chế tài xử lý, đồng thời dẫn chiếu Luật Sở hữu trí tuệ và các Bộ luật dân sự, hình sự để điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành để đảm bảo thống nhất với quy định của các luật, bộ luật liên quan.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm (Điều 38 Luật Xuất bản). Luật quy định cụ thể các điều kiện cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung không thể quy định ngay trong luật như điều kiện về văn bằng, chứng chỉ hành nghề và điều kiện về nhân lực của cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm nhập khẩu.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh (Điều 39 Luật Xuất bản). Luật đã quy định rõ thời hạn cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản xác nhận bằng văn bản việc đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu của cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm; những quy định liên quan đến xuất bản phẩm nhập khẩu và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm nhập khẩu.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về hợp tác với nước ngoài về phát hành xuất bảm phẩm (Điều 43 Luật Xuất bản) đảm bảo cho việc nhập khẩu xuất bản phẩm vào Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Sau quá trình thảo luận, xin ý kiến của đại biểu quốc hội và trên cơ sở Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 03/6/2008, Quốc hội khoá XII (kỳ họp thứ 3) đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản với đa số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 94,52%. Có thể nói, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản có ý nghĩa rất to lớn, góp phần quan trọng đưa hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh hơn trong tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành xuất bản Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

Đinh Tiến Dũng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)