(Mic.gov.vn) -
Ngày 17/8/2007, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Bộ đã tổ chức Hội thảo về công tác phòng chống và xử lý vi phạm trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã tới dự và phát biểu khai mạc. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học Công nghệ, C15 Bộ Công an, Trung tâm an ninh mạng BKIS (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam.
Ngày 17/8/2007, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Bộ đã tổ chức Hội thảo về công tác phòng chống và xử lý vi phạm trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã tới dự và phát biểu khai mạc. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học Công nghệ, C15 Bộ Công an, Trung tâm an ninh mạng BKIS (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường công tác xây dựng pháp luật để tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng thời thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở BCVT và các doanh nghiệp phòng chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ (Cục C15) điều tra, phát hiện và đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều đối tượng tấn công ăn cắp tiền từ tài khoản, thẻ tín dụng, thẻ ATM,… Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tăng cường chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra về bản quyền phần mềm máy tính. Các doanh nghiệp cũng đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, có tính bảo mật cao. Sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó cũng còn một số tồn tại như: thiếu sự đồng bộ trong việc phòng chống các vi phạm, chưa xây dựng được một chương trình phòng chống lâu dài, quá trình cung cấp thông tin liên quan đến hành vi phạm tội còn qua nhiều cấp, kéo dài thời gian và không đảm bảo bí mật,…Về phía các doanh nghiệp cũng có một số nguyên nhân chủ quan: chưa chú trọng đúng mức công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; công tác quản lý các đại lý chưa chặt chẽ; không kịp thời, chủ động báo cáo khi bị các đối tượng xấu tấn công;… Bên cạnh đó sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới đã tạo cơ hội cho các đối tượng xấu dễ dàng thực hiện hành vi của mình, bất kể vị trí địa lý, đồng thời sử dụng chính công nghệ để che đậy hành vi vi phạm.
Hội thảo đã nghe báo cáo chính của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác phòng, chống và xử lý vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông trong thời gian qua. Sự phát triển nhanh chóng của CNTT&TT đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng bên cạnh đó nó cũng làm xuất hiện nhiều hành vi vi phạm mới trong lĩnh vực này. Đặc biệt các vi phạm ngày càng diễn biến đa dạng và phức tạp.
Hội thảo đã nghe 4 tham luận của Cục C15, Trung tâm VNCERT, Trung tâm an ninh mạng BKIS và Công ty Truyền số liệu VDC trong đó đưa ra đề xuất các biện pháp phối hợp cụ thể trong phát hiện, phòng chống và xử lý vi phạm tội phạm trong lĩnh vực CNTT &TT: áp dụng các tiêu chuẩn ISO trong các hoạt động CNTT, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, thường xuyên nâng cấp các hệ thống bảo mật, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan/tổ chức phòng chống tội phạm công nghệ cao,… Hội thảo thống nhất kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc Hội bổ sung vào Bộ Luật Hình sự các hành vi tội phạm mới trong lĩnh vực CNTT&TT, kiến nghị Bộ Thông tin & Truyền thông sớm xây dựng quy chế phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc phòng chống và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, kiến nghị Bộ Công an nâng cao nghiệp vụ, điều tra và phát hiện kịp thời các đối tượng vi phạm, nâng cao năng lực phòng chống tội phạm công nghệ cao. Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp trong việc phát hiện, thông báo với nhau các dấu hiệu vi phạm pháp luật, tăng cường trao đổi kinh nghiệm và các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ nhằm phòng chống và kịp thời thông báo các hành vi vi phạm mới cho các cơ quan quản lý nhà nước.