(Mic.gov.vn) -
Sáng ngày 16/3/2007, Sở Bưu chính, Viễn thông Tp. Hồ Chí Minh tổ chức gặp gỡ đầu năm ngành CNTT-TT thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, đến dự có Thứ trưởng Bộ BCVT Nguyễn Minh Hồng; Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài và các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp CNTT-TT trên địa bàn TPHCM và gần 40 Sở BCVT trên cả nước.
Sáng ngày 16/3/2007, Sở Bưu chính, Viễn thông Tp. Hồ Chí Minh tổ chức gặp gỡ đầu năm ngành CNTT-TT thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, đến dự có Thứ trưởng Bộ BCVT Nguyễn Minh Hồng; Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài và các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp CNTT-TT trên địa bàn TPHCM và gần 40 Sở BCVT trên cả nước.
Đánh giá về tình hình hoạt động của ngành CNTT-TT thành phố, Giám đốc Sở BCVT TP.HCM cho biết, đến nay, tổng số thuê bao điện thoại của TP Hồ Chí Minh đạt 6,6 triệu máy (1,4 triệu máy điện thoại cố định, 5,2 triệu máy điện thoại di động). Số lượng thuê bao Internet 659.000; Internet băng thông rộng ADSL 231.000. Trên địa bàn thành phố có 5.632 doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực CNTT, với tổng vốn đăng ký kinh doanh khoảng 14.830 tỷ đồng. Năm 2006 có 1.147 doanh nghiệp CNTT đăng ký hoạt động, 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư, nâng tổng số doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động 106 doanh nghiệp. Trên lĩnh vực điện tử, số doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động trong năm 2006 là 3.472 doanh nghiệp (tăng 19%), với tổng vốn đầu tư 9.268 tỷ đồng (tăng 140,7%) nâng tổng số doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực này đã hơn 16.440 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký kinh doanh là 6, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn lên 125 doanh nghiệp, với tổng vốn trên 1 tỷ USD.
Phát biểu tại buổi gặp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết Bộ BCVT đang tích cực xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về ứng dụng và phát triển CNTT-TT. Luật CNTT đã có hiệu lực từ 01/01/2007, các Nghị định hướng dẫn Luật về ứng dụng CNTT, phát triển công nghiệp CNTT, thanh tra CNTT đã được hoàn thiện dự thảo và đang trình Chính phủ. Bộ cũng xây dựng các dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, quy hoạch phát triển công nghiệp điện tử; quy chế và định mức đầu tư CNTT. Bộ mong muốn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và đặc biệt là các Sở BCVT chủ động đưa ra đề xuất, kiến nghị đối với Bộ để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để CNTT-TT phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn đạt được các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra.