(Mic.gov.vn) - Ngày 12/5/2006, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Lockheed Martin Commercial Space Systems (LM) – Mỹ đã kí kết Hợp đồng “Cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng, thiết bị trạm điều khiển vệ tinh” - gói thầu số 3, gói thầu quan trọng nhất của Dự án vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT). Bộ Bưu chính Viễn thông được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cung cấp thông tin và trả lời các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án VINASAT. Bộ Bưu chính Viễn thông xin được cung cấp một số thông tin về Dự án này như sau:
I. Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT) gồm 2 phần chính:
1. Đăng kí với Tổ chức Viễn thông Quốc tế (ITU) và đàm phán, phối hợp với các nước thành viên để giành được vị trí quỹ đạo phù hợp cho vệ tinh riêng của Việt Nam. Nhiệm vụ này Chính phủ giao cho Bộ Bưu chính Viễn thông thực hiện. Sau nhiều năm đàm phán, phối hợp với quốc tế, Việt Nam đã có được vị trí quỹ đạo tại 1320 Đông – Vị trí quỹ đạo này thuộc chủ quyền của Việt Nam với điều kiện vệ tinh phải được phóng chậm nhất vào cuối tháng 5/2008.
2. Triển khai dự án đầu tư đối với vệ tinh: Nhiệm vụ này Chính phủ giao Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là chủ đầu tư.
Quá trình triển khai của dự án đầu tư gồm các bước chính sau:
- Ngày 18/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1104/QĐ-TTg phê duyệt Dự án Phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT), với mục tiêu: Phóng 01 vệ tinh vào vị trí quỹ đạo 1320 Đông đã đăng ký trên quỹ đạo địa tĩnh; xây lắp tại Việt Nam 02 trạm điều khiển vệ tinh; đưa vệ tinh VINASAT vào khai thác hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu các dịch vụ trong và ngoài nước. Trong đó gói thầu số 3 “Cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng, thiết bị trạm điều khiển vệ tinh” là gói thầu quan trọng nhất của Dự án, được tiến hành theo phương thức đấu thầu quốc tế.
- Hồ sơ mời thầu đã phát hành từ ngày 19/01/2006, và có 4 nhà thầu đồng ý tham gia.
- Ngày 13/02/2006 đã tổ chức lễ mở thầu, đã có 3 nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất đó là: Liên danh EADS Astrium / Alcatel Alenia Space (Pháp), Lockheed Martin Commercial Space Systems (Mỹ) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản); riêng nhà thầu NPO-PM (Nga) đã không nộp hồ sơ. Việc lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu có sự tham gia của hãng Tư vấn quốc tế Telesat Canada, tư vấn luật trong nước và được dựa trên cơ sở, tiêu chí đánh giá đã được phê duyệt và công khai cho các nhà thầu trong hồ sơ mời thầu.
- Kết quả chấm vòng 1 (về kĩ thuật, công nghệ): Cả 3 nhà thầu đều đạt tiêu chuẩn.
- Kết quả chấm vòng 2 (về thương mại, tài chính): 2 nhà thầu đạt số điểm cao nhất là Lockheed Martin Commercial Space Systems -Mỹ và Sumitomo Corporation - Nhật Bản.
- Từ ngày 19/3 – 26/3/2006 đàm phán với cả 2 nhà thầu đạt tổng điểm cao nhất (Mỹ và Nhật Bản). Kết thúc vòng đàm phán, các nhà thầu đã đưa ra bản chào cuối cùng và tốt nhất để VNPT cân nhắc lựa chọn.
Các tiêu chí quan trọng để đánh giá bản chào cuối cùng gồm:
+ Đảm bảo an toàn và giảm thiểu tối đa rủi ro về tiến độ (yêu cầu các nhà thầu phải đưa ra các phương án khả thi về điều kiện này);
+ Đáp ứng chỉ tiêu kỹ thuật, độ tin cậy, công nghệ hiện đại, đã qua trải nghiệm;
+ Có các điều kiện điều khoản thương mại cũng như giá cả hợp lý.
- Sau khi xem xét bản chào cuối cùng của các nhà thầu, được sự chấp thuận của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia Dự án VINASAT, các bộ, ngành liên quan, với tinh thần làm việc hết sức tích cực và khẩn trương, VNPT đã cùng với tư vấn quốc tế và tư vấn trong nước cân nhắc, xem xét tổng thể và đã lựa chọn mời nhà thầu Lockheed Martin Commercial Space Systems của Mỹ vào đàm phán hoàn thiện hợp đồng để đi đến kí kết.
II. Năng lực của vệ tinh và ý nghĩa của Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT):
1. Năng lực của vệ tinh VINASAT:
Vệ tinh VINASAT có dung lượng 20 bộ phát-đáp trên băng tần C và Ku. Vùng phủ sóng của VINASAT: đối với băng tần C có Nhật Bản, Đông Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, các nước ASEAN, Châu Úc; băng tần Ku có Đông Dương, Biển Đông và các vùng lân cận, một phần Myanma. Các loại hình dịch vụ chủ yếu do vệ tinh VINASAT cung cấp là cho thuê dung lượng vệ tinh trên cơ sở trọn bộ phát-đáp, hoặc dung lượng lẻ; đồng thời cung cấp các dịch vụ trọn gói như: VSAT, thoại, truyền hình, phát thanh, truyền số liệu, hội nghị truyền hình, đào tạo từ xa, y tế từ xa... Tuổi thọ vệ tinh từ 15 – 22 năm. Vệ tinh được phóng vào quý II/2008.
2. Ý nghĩa của Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT):
Việc phóng vệ tinh viễn thông riêng của Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng:
- Khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam đối với vị trí quỹ đạo trên không trung.
- Đối với một quốc gia có trên 83 triệu dân, chúng ta phải có một vệ tinh riêng của mình. Có một vệ tinh riêng, Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của mình trên trường quốc tế.
- Dự án VINASAT còn góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia theo hướng hiện đại và nâng cao an toàn cho mạng lưới viễn thông, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại, giải trí... cũng như các dịch vụ chuyên dùng khác, đặc biệt có ý nghĩa lớn đối với việc phủ sóng tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của đất nước. Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT) góp phần mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, phát triển và từng bước tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Với ý nghĩa của Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT), không chỉ về mặt kĩ thuật, công nghệ, dịch vụ mà còn có ý nghĩa đặc biệt to lớn về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, rất mong được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan báo chí trong cả nước, góp phần mang lại thành công cho Dự án quan trọng của đất nước.