Phát biểu tham luận của GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ BCVT tại Phiên họp toàn thể Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X ngày 20/4/2006


TĂNG NHANH NĂNG LỰC, HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH
BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Ban cán sự Đảng
Bộ Bưu chính, Viễn thông

Sau 20 năm đổi mới toàn diện, bên cạnh những thành tựu quan trọng của đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, tăng nhanh năng lực, không ngừng được hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách phát triển hàng thập kỷ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với chủ đề “Tăng nhanh năng lực, hiện đại hóa Ngành BCVT và CNTT” bản tham luận này mong muốn đề cập đến những sở cứ khoa học và thực tiễn từ hoạt động của Ngành Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần minh họa sự thành công của đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Thực tiễn phát triển

1. Xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch phát triển trên cơ sở khoa học, thực tiễn.
Trước năm 1986, do tình trạng khủng hoảng kinh tế, Ngành Bưu điện có mạng lưới bưu chính, viễn thông nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, dịch vụ nghèo nàn, đời sống cán bộ công nhân viên chức hết sức khó khăn.
Nhờ chủ trương đổi mới toàn diện do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra và qua phân tích đánh giá tình hình trong nước, xu hướng phát triển BCVT thế giới, Ngành Bưu điện đã xác định chiến lược là phải đổi mới cơ chế hoạt động với những quyết sách dũng cảm: chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang mô hình “tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm”, “đi thẳng vào công nghệ hiện đại” (công nghệ số)...
Sau 5 năm (1987-1992) tự đổi mới mình cả về tư duy lý luận và tư duy kinh tế, cả về tổ chức và kinh doanh, Ngành Bưu điện bắt tay thực hiện chiến lược “Tăng tốc” cho giai đoạn 1993 – 2000. Kết quả là, mạng lưới viễn thông đã được số hóa, tự động hóa hoàn toàn, thị trường phát triển nhanh, phát triển các dịch vụ mới, mở rộng vùng phục vụ xuống nông thôn (năm 1995 đạt mật độ điện thoại 1 máy/100 dân, rút ngắn 5 năm so với mục tiêu quy hoạch, năm 2000 đạt mật độ điện thoại 5 máy/100 dân), kinh doanh có hiệu quả, nợ trả đúng hạn, nộp ngân sách tăng, tiềm lực công nghiệp đáp ứng kịp yêu cầu phát triển nhanh, cho phép hình thành một số doanh nghiệp mới, tập dượt cạnh tranh, chuẩn bị cho mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Đón trước thời cơ, giai đoạn 2001-2010, chiến lược phát triển của Ngành là “Hội nhập và phát triển” nhằm phát huy tối đa nội lực, tạo môi trường cạnh tranh sâu hơn, rộng hơn trong nước để tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng năng lực mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, hạ giá thành và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Một mốc đáng nhớ là ngày 29/4/2003, thị trường viễn thông Việt nam đã xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp và chuyển sang cạnh tranh trên tất cả các loại hình dịch vụ, tạo lập một thị trường viễn thông sôi động, tăng trưởng vượt bậc (tốc độ tăng trưởng đều đạt trên 20% năm), giá cước giảm mạnh (tới cuối năm 2005, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, giá cước viễn thông Việt Nam đã giảm tương đồng với giá cước viễn thông trong khu vực). Đến nay, mật độ điện thoại trên toàn quốc đạt trên 20% ( vượt 2,5 lần chỉ tiêu Đại hội IX), người sử dụng Internet đạt trên 14% (vượt chỉ tiêu đặt ra vào năm 2010), bưu chính, viễn thông và Internet ngày càng sát với nông thôn, nông dân, theo đúng tinh thần Nghị quyết TW 5 (Khóa IX) về “Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2001-2010”. Theo đà này, các chỉ tiêu phát triển chủ yếu của Ngành vào năm 2010 ít nhất đều tăng gấp đôi so với năm 2005 (các chỉ tiêu này đã được đưa vào văn kiện trình Đại hội Đảng X).
Dự kiến từ 2011 đến 2020 sẽ thực thi “Chiến lược cất cánh” của công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam. Vào năm 2020, mức độ sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet Việt nam sẽ đạt mức phát triển tương đương với mức trung bình của các nước G7.

2. Chủ động phát huy nội lực kết hợp với sức mạnh hợp tác quốc tế
Ngay từ những ngày đầu của quá trình đổi mới với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Ngành Bưu chính Viễn thông đã thu hút được từ bên ngoài cả công nghệ cao và cả nguồn vốn dồi dào trên 2 tỷ USD để phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông trong nước, ưu tiên đầu tư cho các trung tâm kinh tế, chính trị, thương mại, các vùng có nhu cầu cao, doanh thu lớn từ đó tạo vốn để thúc đẩy đầu tư ở những nơi còn lại.
Mở cửa thị trường để thúc đẩy nội lực và phát huy nội lực để mở cửa thị trường là 2 mặt của một vấn đề có quan hệ biện chứng trong môi trường cạnh tranh quôc tế. Việc mở cửa thị trường viễn thông ở Việt Nam đã được thực hiện theo một lộ trình chặt chẽ, hợp lý và khoa học. Năm 1995, Viettel và SPT được thành lập cùng với sự ra đời của tổng công ty 91 VNPT là mở màn cho sự tập dượt cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 1997 đến 2003, việc cạnh tranh được tiến hành mở rộng từng bước, lúc đầu là đối với dịch vụ Internet, dịch vụ điện thoại đường dài và quốc tế sử dụng công nghệ mới (VoIP), dịch vụ chuyển phát Bưu chính và sau đó, từ năm 2003 đã xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực dịch vụ. Đến nay đã có 8 doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng mạng và hơn 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế. Để phát huy nội lực, chủ động hội nhập, Ngành đã kiên quyết xóa bỏ cơ chế bao cấp, chủ quản, thực hiện nhiều hình thức huy động và sử dụng vốn có hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 ( Khóa IX) về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, Chính phủ và Ngành đã tạo nhiều cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp mới phát triển một cách ổn định, bền vững đồng thời với việc triển khai vận hành Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT).
Đồng thời với việc mở rộng hợp tác song phương, Ngành cũng hoạt động tích cực và có hiệu quả trong các tổ chức bưu chính, viễn thông quốc tế. Kết quả là BCVT Việt nam đã 2 - 3 nhiệm kỳ liên tục được bầu vào Ban Chấp hành (cơ quan quyền lực cao nhất) của các tổ chức quốc tế về Bưu chính (UPU) và Viễn thông (ITU). Hoạt động trong các tổ chức quốc tế, vừa nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vừa là môi trường rất thuận lợi để học tập, trao đổi kinh nghiệm và có điều kiện đóng góp cho sự phát triển chung. Đây cũng là một nội dung quan trọng mà Ngành đã cụ thể hóa Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/11/2001 về
“Hội nhập kinh tế quốc tế ”.

3. Phát triển nhanh, tăng trưởng bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo đảm lợi ích ngày càng tốt hơn cho người tiêu dùng.
Các dịch vụ bưu chính ngày càng phong phú, tiện lợi. Tính đến hết năm 2005, mạng lưới Bưu chính Việt nam có 17.269 điểm phục vụ, 7.534 điểm Bưu điện Văn hóa xã, bán kính phục vụ bình quân là 2,49 km/điểm, đạt mức tiên tiến trên thế giới. Viễn thông và Internet có tốc độ tăng trưởng cao, 5 năm qua liên tục đứng trong nhóm nước dẫn dầu thế giới. Đến cuối năm 2005, 100% số xã trong cả nước đã có điện thoại, 91% số xã có báo đến trong ngày đã khẳng định Việt Nam là một trong số rất ít các nước đang phát triển thực hiện tốt việc phổ cập dịch vụ viễn thông, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị. Hiện đã có 100% các trường đại học và cao đẳng, hầu hết các trường trung học phổ thông và một số các trường trung học cơ sở đã có kết nối Internet. Internet đã xuống trên 1/3 các điểm Bưu điện - Văn hoá xã.
Cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia phát triển nhanh không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

4. Xây dựng nền công nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
Thông qua các liên doanh với nước ngoài, các hình thức liên kết và tự nghiên cứu-phát triển, công nghiệp bưu chính, viễn thông đã hình thành với công nghệ hiện đại, đáp ứng phần lớn nhu cầu phát triển mạng lưới, dịch vụ và một phần xuất khẩu trong đó có một số sản phẩm đáng chú ý như: tổng đài điện tử, thiết bị truyền dẫn số, thiết bị ngoại vi, cáp quang… Thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ngành đang tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin bao gồm cả công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung.
Theo dự báo của Bộ Bưu chính Viễn thông, công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp mũi nhọn với tổng doanh thu đạt khoảng 6-7 tỷ USD vào năm 2010, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, bước đầu có xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực gia công phần mềm, Việt nam sẽ khẳng định được vị trí trong nhóm 10 nước hàng đầu trên thị trường thế giới. Công nghiệp phần mềm tăng trưởng 35%/năm, đạt tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD vào năm 2010, trong đó xuất khẩu chiếm 40%. Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và máy tính của khu vực vào năm 2010. Công nghiệp phần cứng máy tính sẽ tăng trưởng 20%/năm, tổng giá trị đạt 2-3 tỷ USD vào năm 2010. Cơ cấu sản phẩm của công nghiệp điện tử sẽ được chuyển đổi theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chuyên dụng lên 50% tổng sản lượng công nghiệp điện tử.
Công nghiệp phụ trợ và sản xuất linh kiện sẽ được phát triển theo hướng từng bước tiếp nhận, làm chủ công nghệ và tiến tới tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao mang thương hiệu Việt Nam.
Dự báo đến năm 2010, tỷ trọng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt khoảng 9 - 10% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 10-12% GDP. Các con số dự báo theo các năm nêu trên cũng chính là tiêu chí phát triển và lộ trình đến năm 2020 của công nghiệp công nghệ thông tin Việt nam.

5. Tạo động lực cho người lao động, phát huy sức mạnh tổng hợp Đảng - Chuyên môn - Công đoàn phục vụ cho phát triển.
Với mười chữ vàng truyền thống “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Tình nghĩa”, Ngành Bưu điện thực sự coi trọng truyền thống, sự đoàn kết và nhân tố con người. Xác định con người là trung tâm của sự phát triển, vì vậy Ngành đã xây dựng các cơ chế, chính sách tạo động lực cho người lao động và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao tương xứng với các chiến lược phát triển ngành. Hệ thống các cơ sở đào tạo của ngành gồm Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông của VNPT (được thành lập theo tinh thần Nghị quyết TW2 Khóa VIII về thí điểm mô hình gắn kết đào tạo - nghiên cứu - sản xuất trong một số tổng công ty lớn), Trường cao đẳng công nghệ thông tin, 04 trường trung học bưu chính, viễn thông và CNTT, cùng với hệ thống đào tạo trên toàn quốc về công nghệ thông tin và truyền thông ( 13 cơ sở đào tạo trên đại học, 62 cơ sở đào tạo đại học và hơn 100 cơ sở đào tạo cao đẳng và trung học) đã giúp cho Ngành chủ động thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống các cơ sở y tế có uy tín của Ngành gồm ba Bệnh viện và ba Viện điều dưỡng đảm bảo việc chăm lo sức khỏe cho cán bộ công nhân viên chức toàn ngành và có đóng góp cho xã hội.
Cấp ủy cùng với Thủ trưởng đơn vị và tổ chức công đoàn các cấp trong toàn ngành luôn luôn thống nhất tư tưởng và hành động, cùng chăm lo công tác cán bộ, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị vì sự tiến bộ của Ngành, của từng đơn vị cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình và bản thân người lao động.

Bài học kinh nghiệm
Các thành tựu đạt được của ngành Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin Việt nam trong những năm qua đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, khẳng định sự sáng tạo và năng lực thực tiễn của Ngành trong việc thực hiện đường lối của Đảng và mang lại nhiều bài học quý báu.
Một là, Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn hoạt động của Ngành, thực sự đổi mới tư duy và hành động, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, quyết định táo bạo để hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đổi mới và phát triển Ngành.
Hai là , Quyết tâm cao, dám chịu trách nhiệm, có giải pháp quyết liệt và quy tụ được sức mạnh tổng hợp. Khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ, lấy nhu cầu thị trường làm trọng điểm của kế hoạch phát triển, chủ động đề xuất cơ chế tự tạo vốn, tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh, dũng cảm chuyển từ một ngành phục vụ sang kinh doanh, có lộ trình mở cửa thị trường phù hợp, đáp ứng các yêu cầu của xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Ba là , Có các chương trình hành động cụ thể thực hiện các Nghị quyết của Trung ương với mục tiêu rõ ràng, giải pháp và bước đi phù hợp, chú trọng tổng kết, điều chỉnh kịp thời qua các giai đoạn. Trong quá trình thực hiện, khi đối mặt với khó khăn thách thức, cả Ngành đã một lòng đoàn kết, vượt qua chính mình, giữ vững truyền thống, xứng đáng với vinh dự là Ngành kinh tế được Đảng, Nhà nước trao tặng đầu tiên Huân chương Sao vàng, đền đáp sự hy sinh của hơn 1 vạn liệt sỹ và công lao của hơn 50 đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua hai cuộc kháng chiến. Sự gắn kết đổi mới Ngành với đổi mới điều kiện sống và làm việc của cán bộ công nhân viên chức đã trở thành nhân tố thúc đẩy Ngành ngày càng phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước.

Kết luận
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Ngành Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin đã có những bước phát triển vượt bậc đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT-XH của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. Với tốc độ phát triển như hiện nay và tính khả thi cao của các chiến lược đã được phê duyệt thì đến năm 2020, các tiêu chí đặc trưng cho trình độ phát triển bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin của Việt nam sẽ đạt trình độ của các nước công nghiệp. Đầu năm 2006, với sự hợp tác cùng các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của thế giới như Intel, Microsoft.., thị trường công nghệ thông tin của Việt nam có sự hấp dẫn mới.
Để thực hiện được mục tiêu này Ban Cán sự Đảng Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ chỉ đạo toàn Ngành phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động được tổng lực cả tinh thần và vật chất của toàn xã hội cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tin tưởng rằng, sự phát triển đi trước một bước của Ngành BCVT & CNTT sẽ góp phần thiết thực đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như mục tiêu của Đảng đã đề ra.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)