12 sự kiện nổi bật năm 2005 của ngành Bưu chính, Viễn thông & Công nghệ thông tin Việt Nam

(Mic.gov.vn) - Do Bộ Bưu chính, Viễn thông đánh giá

1. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lí cho phát triển Năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử và thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Công nghệ thông tin; Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2010, Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển. Thông tư liên tịch về quản lí đại lí Internet đã được ban hành... Quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet, Kế hoạch tổng thể phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam đến năm 2010, Chương trình trọng điểm quốc gia ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin giai đoạn 2006 – 2010 đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt. 2. Tốc độ phát triển cao, 100% số xã trên toàn quốc có máy điện thoại Năm 2005, Việt Nam có tốc độ phát triển cả điện thoại và Internet nằm trong nhóm nước dẫn đầu thế giới. 09h30 ngày 30/12/2005, xã Đắk Nên, huyện KonPlong, tỉnh Kontum có máy điện thoại, VNPT hoàn thành mục tiêu 100% xã trên toàn quốc có máy điện thoại. Đến hết năm 2005, toàn mạng Viễn thông có 15,78 triệu thuê bao điện thoại, tăng 5,48 triệu so với năm 2004, đạt mật độ 19 máy/100 dân (vượt 2,5 lần chỉ tiêu do Đại hội IX của Đảng đề ra cho năm 2005 là 7 - 8 máy/100 dân). Hiện 75% số xã đã có điểm Bưu điện - Văn hóa xã, trong đó có 2.397 trên tổng số 7496 điểm đã có Internet. 3. Thị trường thông tin di động bùng nổ Năm 2005, thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ của thuê bao di động, số lượng thuê bao đã tăng gấp đôi so với 2004, đạt 4,5 triệu thuê bao mới, bằng tổng số phát triển của 10 năm trước, đưa tổng số thuê bao di động trên toàn mạng lên gần 9 triệu, tương ứng gần 57% tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng Viễn thông. Viettel Mobile trở thành mạng di động có tốc độ phát triển nhanh nhất từ trước tới nay với gần 2 triệu thuê bao chỉ sau hơn 1 năm chính thức cung cấp dịch vụ. VNPT tăng cường đầu tư mở rộng. S-Fone phát triển mới gần 500 ngàn thuê bao. Các doanh nghiệp mới Hanoi Telecom, EVN Telecom đang chuẩn bị khẩn trương phủ sóng di động ra toàn quốc. Thị trường thông tin di động 2006 sẽ nở rộ hơn nữa. 4. Internet và các dịch vụ trực tuyến tăng trưởng mạnh Tính đến hết tháng 12/2005, toàn quốc có trên 2,88 triệu thuê bao Internet quy đổi, tăng 1,2 triệu thuê bao so với năm 2004. Nếu như năm 2004, Việt Nam mới đạt ở con số 50.000 thuê bao ADSL thì hết năm 2005, con số này đã tăng gấp 4 lần với trên 200.000 thuê bao ADSL. Đã có 5 nhà khai thác dịch vụ ADSL nhưng ở một số địa phương "cung vẫn không kịp cầu". Số lượng người sử dụng Internet đạt trên 10,62 triệu người, tăng 4,28 triệu so với năm 2004, đạt mật độ gần 13% (với 83 triệu dân), xấp xỉ mức bình quân thế giới. Năm 2005 cũng là năm chứng kiến sự "bùng nổ" của dịch vụ trực tuyến, đặc biệt là các trò chơi trực tuyến (Game Online) với số lượng người chơi lên đến hàng triệu người. 5. Nhiều dịch vụ, công nghệ mới được triển khai, chứng minh sự hội tụ giữa CNTT và Truyền thông Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đưa mạng viễn thông thế hệ mới (NGN) vào sử dụng trên toàn quốc, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các dịch vụ như: Điện thoại thẻ trả tiền trước 1719, Miễn cước ở người gọi 1080, Thông tin giải trí 1900, MEGA WAN, Man... Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) được phép chính thức triển khai kĩ thuật truyền hình số mặt đất trên toàn quốc; với sự kiện "Công nghệ MPEG-4 với SeaGames 23", VTC đã áp dụng thành công công nghệ nén tín hiệu Video/Audio hiện đại nhất để truyền dẫn tín hiệu truyền hình trên nền mạng truyền dẫn IP, mở ra một hướng mới trong công nghệ truyền dẫn tín hiệu phát thanh, truyền hình trong tương lai. Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) đã khai trương dịch vụ điện thoại cố định không dây đầu cuối cố định (E-com) và điện thoại cố định không dây đầu cuối di động (E-phone) sử dụng công nghệ CDMA2000 1x. Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) trong năm 2005 đã hoàn thiện việc xây dựng hệ thống các đài Thông tin Duyên hải Việt Nam, góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ cho mục đích an toàn, cứu nạn hàng hải,... 6. Vướng mắc trong kết nối mạng viễn thông cơ bản được tháo gỡ Với tốc độ phát triển đột biến của thuê bao di động mạng Viettel, công việc kết nối bắt đầu xuất hiện vướng mắc. Bộ Bưu chính, Viễn thông đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, xây dựng quy hoạch phát triển và kế hoạch kết nối cụ thể. Bộ quyết định thành lập Tổ chuyên trách các vấn đề kết nối nhằm giải quyết các vướng mắc giữa các doanh nghiệp và tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về kết nối. Những vướng mắc trong kết nối mạng viễn thông giữa Viettel và VNPT đã cơ bản được tháo gỡ, rút ra các bài học thực tiễn cho các doanh nghiệp trong quá trình phát triển sau này. 7. Công nghệ thông tin có bước đột phá Quản lí Nhà nước về Công nghệ thông tin được tăng cường và thống nhất bằng sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động của Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), 52 Sở Bưu chính Viễn thông các tỉnh, thành phố. Thị trường Công nghiệp CNTT (bao gồm công nghiệp phần cứng máy tính, công nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung) có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 25% với tổng giá trị sản xuất đạt gần 2 tỉ USD. Trong năm 2005 có nhiều sự kiện trong lĩnh vực này: Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ (FPT) hợp tác với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện Đề án 191/QĐ-TTg của Chính phủ "Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010"; Công ty TNHH FPT Software Nhật Bản đã chính thức được khai trương tại Tokyo. Nhiều hãng nước ngoài cam kết hợp tác với Việt Nam để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực CNTT như: Intel, Motorola, Microsoft, IBM... 8. Lần đầu tiên hình ảnh toàn bộ 54 dân tộc Việt Nam được lên tem Bưu chính Từ chủ trương "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc" của Đảng, Bộ Bưu chính, Viễn thông đã quyết định phát hành bộ tem "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam". Đây là bộ tem được thiết kế công phu và đồ sộ nhất từ trước tới nay, có ý nghĩa và giá trị lớn hướng tới Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X. 9. Sáng kiến Việt Nam về: “Thúc đẩy phát triển các ứng dụng và dịch vụ mạng để hiện thực hóa e-ASEAN” tại Telmin 5 Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN lần thứ 5 (TELMIN 5) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì. Sáng kiến của Việt Nam đã được chấp nhận thể hiện quyết tâm của các Bộ trưởng ASEAN trong việc xây dựng ASEAN điện tử. Trong "Tuyên bố Hà Nội" tại Telmin 5, các nước ASEAN đã thống nhất nhận định phải có vai trò của Chính phủ trong việc quản lí Internet. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Việt Nam đã thông báo quan điểm này của ASEAN trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Xã hội thông tin (WSIS 2) tại Tuynisia, đã mang tiếng nói của Việt Nam và khối ASEAN đóng góp vào sự thành công của Hội nghị Thượng đỉnh. 10. Tăng cường đổi mới, quản lí và phát triển doanh nghiệp Chính phủ đã quyết định thành lập Tập đoàn BCVT Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Bưu chính, Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đây là một bước chuyển đổi mang tính đột phá đối với VNPT từ một mô hình hạch toán tập trung sang mô hình “công ty mẹ - công ty con”, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó Bưu chính, Viễn thông & Công nghệ thông tin là lĩnh vực chính, đa dạng hoá sở hữu, phát huy tối đa quyền tự chủ, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thành viên. Theo kế hoạch, đầu năm 2006, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông sẽ chính thức đi vào hoạt động. Chính phủ cũng đã quyết định chuyển Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ truyền hình Việt Nam (VTC) thành Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Hiện có 32 doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông đã cổ phần hóa. Các doanh nghiệp khác cũng đang tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. 11. Các công trình, dự án trọng điểm được khởi động, chuẩn bị cho chiến lược phát triển 5 năm tới Đó là các công trình, dự án: Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT), theo kế hoạch quý II/2008 sẽ đưa vệ tinh VINASAT vào hoạt động trên vị trí quỹ đạo 1320E.; Công trình xây dựng Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt Hàn tại Đà Nẵng; Dự án Công viên phần mềm FPT tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Dự án Trung tâm nghiên cứu CNTT-VT và sản xuất phần mềm của FPT ở khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Hợp đồng hợp tác kinh doanh mạng viễn thông di động mặt đất CDMA 2000/3G và Dự án xây dựng khu tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ NG-ICT quốc tế tại khu công nghệ cao Hòa Lạc của Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội; Quyết định nâng trị giá đầu tư lên 350 triệu USD trong đề án BCC của Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) nhằm đạt được con số 1 triệu thuê bao CDMA năm 2006... 12. "Dũng cảm, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới" Đó là đánh giá của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành Bưu chính, Viễn thông tại Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2005). Trong năm 2005, Ngành cũng đã tổng kết 20 năm đổi mới, rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu để xây dựng chiến lược phát triển Ngành nhanh hơn và bền vững hơn trong thời gian tới, nhằm đưa Bưu chính, Viễn thông & CNTT Việt Nam đạt mức tăng trưởng vào năm 2010 gấp đôi năm 2005 và đạt trình độ trung bình của các nước tiên tiến vào năm 2020.

PT_IC

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)