An Giang hiện có 4 loại hình thông tin báo chí: báo chí in truyền thống (Báo An Giang, Tạp chí, bản tin sở, ban, ngành, huyện, thị thành phố); Phát thanh - Truyền thanh (tỉnh, huyện, xã); Truyền hình (Đài Phát thanh Truyền hình An Giang); Báo điện tử (Cổng Thông tin điện tử tỉnh An Giang, Báo An Giang điện tử, Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh Truyền hình và của các sở ngành, huyện thị). Trong đó có 02 cơ quan báo chí chuyên nghiệp là Báo An Giang và Đài Phát thanh Truyền hình An Giang, có 02 cơ quan đại diện báo trung ương là Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam (phân xã An Giang) và nhiều phóng viên thường trú trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia tác nghiệp trên địa bàn An Giang, như: Báo Pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Đài Tiếng nói Việt Nam …
An Giang chưa có Nhà Xuất bản mà chỉ có 05 cơ sở in công nghiệp đã được Sở Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở in lụa, photocopy đang hoạt động trên địa bàn các huyện, thị, TP.
Trong lĩnh vực phát hành có 02 Trung tâm phát hành sách: Trung tâm Văn Hóa Tổng hợp An Giang trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chi nhánh Công ty cổ phần phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh – Nhà sách FAHASA An Giang. Cùng với mạng lưới phát hành sách là Thư viện tỉnh, 11 Thư viện huyện, thị, thành phố; 130 Bưu điện Văn hoá xã và 160 phòng đọc sách xã thuộc hệ thống Thư viện huyện quản lí cũng tham gia tích cực trong việc phổ biến kiến thức và nâng cao dân trí.
Hệ thống Đài truyền thanh trong tỉnh đã được củng cố không ngừng lớn mạnh. Năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về việc kiện toàn 05 Đài truyền thanh huyện, thị xã biên giới gồm: Tân Châu, Châu Đốc, Tri Tôn, An Phú, Tịnh Biên. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập mới 06 Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố: Long Xuyên, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, Châu Phú, Thoại Sơn. Ngoài ra, hệ thống đài truyền thanh cơ sở gồm 156 Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn đã được củng cố trang bị lại hàng năm theo Đề án Phát triển thông tin truyền thông nông thôn.
An Giang có 06 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền gồm Trung tâm truyền hình cáp VCTV An Giang; Trung tâm truyền hình cáp HTVC An Giang; Trung tâm truyền hình cáp SCTV An Giang; Công ty CP viễn thông FPT chi nhánh An Giang (One TV); Chi nhánh Viettel An Giang (NextTV); Viễn thông An Giang (MyTV).
Toàn tỉnh có 10 trang thông tin điện tử tổng hợp có giấy phép hoạt động của Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử. Cổng Thông tin điện tử tỉnh và 33 cổng thông tin thành phần của các sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố đã được nâng cấp đảm bảo cho công tác thông tin tuyên truyền của tỉnh, ngành và địa phương. Từ năm 2010, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã được tái cấp phép theo quy định mới, đưa vào vận hành chính thức Trang Thông tin điện tử tổng hợp của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, tổng hợp các tin tức hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể và Nhân dân trong Hệ thống chính trị của tỉnh. Ngoài ra Cổng Thông tin điện tử còn cung cấp Hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật, Văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, nắm bắt chủ trương, chính sách chung của nhà nước và của tỉnh.
Những năm qua, hoạt động báo chí của tỉnh luôn bám sát quan điểm, đường lối chính trị tư tưởng của Đảng, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Đại đa số phóng viên, văn nghệ sỹ, cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, động cơ tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết với nghề. Các hoạt động báo chí đã bám sát hiện thực cuộc sống, chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước tới nhân dân các dân tộc trong tỉnh; phản ánh, phát hiện và cổ vũ các nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến, đồng thời đề cao tính phản biện xã hội, giúp Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội địa phương; góp phần làm lành mạnh quan hệ xã hội, xử lý tốt mối quan hệ “xây” và “chống” trong thông tin, tuyên truyền vì sự phát triển chung của tỉnh.
Với khối lượng lớn ấn phẩm báo chí in, chương trình phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, ấn phẩm tuyên truyền, nghiên cứu - học thuật được xuất bản, rộng rãi đến nhân dân, báo chí, đảm nhiệm tốt vai trò là cầu nối chuyển tải thông tin, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người An Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Với chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông đã có nhiều cố gắng trong công tác theo dõi, tổng hợp báo chí, quản lý báo chí lưu chiểu, thẩm định hồ sơ cấp thẻ nhà báo, giấy phép hoạt động báo chí, quản lý hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn, khảo sát về chế độ chính sách, tổ chức, hoạt động của Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn. Phối hợp tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản ... Sở đã đặc biệt chú trọng công tác truyền thanh cơ sở, quản lý đối với hoạt động thông tin điện tử trên Internet, luôn quan tâm củng cố, phát triển hệ thống Truyền thanh cơ sở, thường xuyên rà soát, phát hiện website hoạt động trái phép, kịp thời chấn chỉnh hoạt động trái pháp luật; không những làm tốt công tác quản lý thông tin trên báo chí, Sở còn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh định hướng thông tin, tuyên truyền và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và chủ động triển khai các văn bản về quản lý và hướng dẫn hoạt động báo chí, cho các cơ quan, đơn vị tham gia hoạt động báo chí trên địa bàn hoạt động đúng định hướng mang lại hiệu quả, thiết thực, lành mạnh và bổ ích.