Quy trình xử lý số điện thoại, đầu số nhắn tin sai quy định
Thư rác đang trở thành “cơn ác mộng” đối với người tiêu dùng và sự nhức nhối đối với các cơ quan quản lý. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xác định chống thư rác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở trong thời gian tới. Bước đi đầu tiên sẽ là đẩy mạnh tuyên truyền về chống thư rác trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng; các đài truyền thanh phường xã cũng vào cuộc với việc tăng thời lượng phát thanh về việc thực hiện Nghị định và các chế tài xử phạt…
Muốn chống thư rác hiệu quả, cần sự vào cuộc của các sở ban ngành, Phòng Văn hóa thông tin của 29 quận huyện, các doanh nghiệp di động và doanh nghiệp nội dung. Quy trình xử lý đối với các số điện thoại, đầu số nhắn tin sai quy định trên địa bàn Hà Nội do Sở Hà Nội soạn thảo đã được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu nhằm tạo ra sự phối kết hợp ăn ý giữa các bên liên quan trong cuộc chiến chống thư rác. Theo dự thảo, quy trình gồm 5 bước. Bước 1: tiếp nhận thông tin về tin nhắn rác từ người dân tại Phòng VHTT các quận huyện hoặc Phòng tiếp dân Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Bước 2: Các đầu mối tiếp nhận tin nhắn rác thống kê điện thoại, đầu số nhắn tin vi phạm gửi về Sở Hà Nội. Bước 3: Sở đề nghị doanh nghiệp di động ngừng cung cấp dịch vụ với số điện thoại vi phạm hoặc chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh và thu hồi đầu số đối với doanh nghiệp nội dung vi phạm. Bước 4: Doanh nghiệp báo cáo kết quả thực hiện về Sở. Bước 5: Sở thanh tra và kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có).
Doanh nghiệp di động thẳng tay với tin nhắn rác
Đại diện 3 nhà mạng di động lớn Mobifone, Vinaphone và Viettel đều có một điểm chung là thái độ quyết liệt xử lý tin nhắn rác bằng cách tạm dừng, thu hồi đầu số, không phân chia doanh thu và mức cao nhất là cắt số, thanh lý hợp đồng. Mặc dù doanh thu từ tin nhắn rác không hề nhỏ nhưng các nhà mạng đều sẵn sàng chấp nhận sự suy giảm này. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng phòng kinh doanh phát triển dịch vụ Công ty Vinaphone, từ khi nhà mạng triển khai quy trình nội bộ xử lý tin nhắn rác, với việc áp dụng các biện pháp chế tài đối với các nhà cung cấp nội dung vi phạm như giảm doanh thu, tạm dừng đầu số 1-3 ngày, hoặc cắt đầu số, tin nhắn rác trong năm 2012 đã giảm rõ rệt với năm 2011.
Đầu số 1900 và SIM trả trước 11 số là hai đầu mối phát tán tin nhắn rác tương đối lớn, theo nhận định của đại diện Công ty Viễn thông Viettel. Với việc triển khai hệ thống command code, lượng tin nhắn rác của Viettel hiện đã giảm xuống còn 1/3. Trong tháng 2/2013, Viettel chỉ nhận được 1.500 phản ánh của khách hàng về tin nhắn rác qua tổng đài hỗ trợ so với mức trung bình 8.000 phản ánh của các tháng trong năm 2012.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Giá trị gia tăng Công ty Mobifone phân loại tin nhắn rác thành 2 loại: Tin nhắn rác quảng cáo dịch vụ nội dung của CP, SP và tin nhắn rác quảng cáo hàng hóa thông thường (khuyến mại siêu thị chẳng hạn). Chế tài cao nhất đối với tin nhắn rác loại 1 là cắt đầu số và thanh lý hợp đồng với CP. Nhưng đối với tin nhắn rác loại 2, nhà mạng đang lúng túng vì không đủ thông tin, thẩm quyền để xử lý và hiện chưa có giải pháp nào khả thi. Vấn đề gốc rễ cần phải giải quyết vẫn là quản lý thông tin thuê bao trả trước. Đặc biệt, Mobifone áp dụng biện pháp cứng rắn với CP vi phạm, ngừng kết nối ngay đối với đầu số của CP mà không cần biết phát tán bao nhiêu tin nhắn rác, không chờ đợi giải trình.
Với sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp di động, hy vọng trong thời gian tới, tin nhắn rác không còn là nỗi ám ảnh với người tiêu dùng.