Tập huấn công tác phát ngôn và thông tin đối ngoại 2012 tại Quảng Ninh

(Mic.gov.vn) - Sáng 9/11/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lớp Tập huấn công tác phát ngôn và thông tin đối ngoại 2012. Đến dự tập huấn có cán bộ lãnh đạo các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong Tỉnh, Ủy ban nhân dân, Phòng Văn hóa – Thông tin, Đài Truyền thanh các huyện, thị, thành phố. Tại buổi tập huấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Lê Nghiêm đã có bài nói chuyện nhằm trang bị kỹ năng, kinh nghiệm cung cấp thông tin cho báo chí, phổ biến, quán triệt các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại.

Xã hội còn thiếu thông tin

Theo ông Lê Nghiêm, các xã hội luôn cần thông tin cung cấp cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tới sinh sống, học tập và làm việc tại địa bàn cư trú. Nhà quản lý cũng cần thông tin để đưa ra các chính sách, quy hoạch, các hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với cơ sở thực tiễn và nhịp độ phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, xã hội ta hiện giờ đang lâm vào tình trạng thừa thông tin vô bổ, đói thông tin cần thiết.

Có thể nói chưa bao giờ người dân khát khao thông tin như bối cảnh hiện nay. Không chỉ các số liệu cốt lõi của nền kinh tế như nợ xấu, lỗ và lãi của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đến cả chỉ số an toàn trong đánh giá tác động môi trường như tại thủy điện Sông Tranh 2 cũng khiến xã hội lo lắng, khi mà bản báo cáo đánh giá tác động môi trường lại là tác phẩm lắp ghép, chắp vá để nhào nặn ra viễn cảnh an toàn.

Các thông tin trái chiều đã tạo một cảm giác thiếu minh bạch và cảm giác rủi ro lớn, tác động đến nhiều mặt trong nước, không chỉ riêng về tài chính, kinh tế, mà còn có những tác động tiêu cực về mặt xã hội mà không phải ai cũng nhìn thấy được trong một sớm một chiều.

Những hậu quả của sự thiếu thông tin trong thời gian qua đã đủ để khẳng định sự cần thiết trong việc minh bạch hoá thông tin khi mà có quá nhiều tin đồn gây hoang mang trong dư luận và đã có hậu quả không mong muốn. Xa hơn nữa, sự khập khiễng về cung cấp thông tin và nội dung thông tin khiến nhà đầu tư nước ngoài nao núng trong đầu tư vào Việt Nam, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cần cải tiến công tác thông tin

Theo ông Lê Nghiêm, công tác thông tin đối ngoại trong thời gian qua còn chậm chạp, lúng túng, bị động; nội dung, hình thức các thông tin đưa ra còn ít và nghèo nàn; xu hướng thương mại hóa báo chí, thiếu nhạy cảm chính trị đang đà đi lên, thông tin thiếu tầm nhìn bao quát và chiều sâu tư tưởng, tô đậm những yếu kém, tiêu cực, mặt trái của xã hội, gây bất lợi, gây khó khăn cho việc quảng bá hình ảnh đất nước...
Muốn cải tiến công tác thông tin nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng, cần phải thay đổi quan niệm về thành phần cung cấp thông tin. Trong đó không chỉ có cán bộ, công chức chuyên trách về công tác thông tin, mà mỗi cán bộ, công chức, mỗi người dân đều là một kênh truyền thông tích cực cho đất nước. Trên cơ sở nhận thức đó, thông tin truyền thông và thông tin đối ngoại được tăng cường trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng; Phát huy lợi thế của báo chí điện tử, trang tin điện tử, các loại hình blog, diễn đàn trên mạng Internet để quảng bá hình ảnh đất nước; Chủ động đối thoại, cung cấp thông tin để các tổ chức, cá nhân người nước ngoài hiểu đầy đủ, toàn diện và có thái độ khách quan trong nhìn nhận, đánh giá về tình hình Việt Nam; Tranh thủ tối đa các diễn đàn quốc tế song phương và đa phương, các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài để tuyên truyền quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Thông tin giúp bảo vệ chủ quyền đất nước

Trong khi Thế kỷ 21 được thế giới coi là Thế kỷ đại dương, thì công tác truyền thông về biển, đảo của chúng ta nhìn chung vẫn chưa chủ động, thiếu tính hệ thống, đồng bộ, nhất quán và chưa thật sự đáp ứng với yêu cầu đông đảo của người dân. Nhiều đối tượng dân cư ven biển, hải đảo vẫn chưa tiếp cận được thường xuyên với các nguồn thông tin chính thống. Các thông tin về địa phương, thế mạnh của biển, đảo của những vùng biển xa nhưng giàu tiềm năng vẫn chưa được khai thác ít được đề cập tới. Khá nhiều tài liệu sử, tài liệu từ các kho tư liệu nước ngoài, các cá nhân và tổ chức về tiềm năng, giá trị lịch sử, văn hóa của biển, đảo Việt Nam còn chưa được thu thập, tổng hợp một cách có hệ thống; chưa giới thiệu rộng rãi đến đông đảo công chúng trong nước và nước ngoài.

Nâng cao nhận thức của người dân về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo là một trong những phương thức vô cùng hiệu quả nhằm bảo vệ và giữ vững chủ quyền lãnh thổ, trong đó 100% xã, phường, thị trấn vùng ven biển, hải đảo cần phải được tuyên truyền để nâng cao nhận thức về nguy cơ, hiểm họa liên quan đến chính lợi ích của họ.
Cần xác định yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam là nguồn nhân lực. Trong đào tạo nguồn nhân lực biển thì vấn đề quan trọng là hình thành nhận thức, tư duy mới về kinh tế biển, kiến thức pháp luật cũng như hiểu biết về các vấn đề an ninh, chủ quyền đất nước.

Chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch truyền thông về biển, đảo, biến đổi khí hậu cho cộng đồng. Trong đó đối tượng trẻ phải được đặt lên hàng đầu trong các chương trình tuyên truyền về biển, đảo. Đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền cho bạn bè thế giới hiểu rõ sự thật lịch sử, hành động phù hợp với Công ước quốc tế và đạo lý.

"Trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay, việc chủ động chuẩn bị cho mọi tình huống giúp chúng ta có đủ ý chí, quyết tâm, sức mạnh để bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của mình", ông Lê Nghiêm kết luận./.

Theo vietnam.vn

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)