Quảng Ngãi: Một số kết quả ứng dụng CNTT tại các huyện, thành phố

(Mic.gov.vn) - Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi luôn xác định CNTT - TT là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và mọi hoạt động của đời sống nhân dân trong tỉnh. Với nhận thức sâu sắc đó, trong những năm qua tỉnh đã không ngừng quan tâm, tập trung đầu tư, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong việc đầu tư cho hạ tầng CNTT, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT; quan tâm, tăng cường nguồn lực cho CNTT trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đưa CNTT đến tận người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung đầu tư vào hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT, nguồn nhân lực CNTT cho UBND của 14 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin - truyền thông, trong những năm qua, các huyện thành phố trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng trang thông tin điện tử, triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc eOffice,… Nhờ đó đã tạo điều kiện cho các địa phương năng động hơn trong quá trình làm việc, tiết kiệm thời gian chi phí, nhất là giúp cho nhân dân có điều kiện tiếp cận các thông tin bổ ích của địa phương mình. Bài viết sẽ cung cấp một số kết quả đánh giá tổng quan về tình hình ứng dụng và phát triển CNTT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua.

1. Về hạ tầng kỹ thuật:
Đến nay tất cả các địa phương đều đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống mạng LAN, số lượng máy tính về cơ bản cũng đủ để đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung, các thiết bị CNTT khác, các phần mềm chuyên dụng cũng trang bị đồng bộ, mạng LAN cũng được kết nối Interrnet tốc độ cao để phục vụ công tác chuyên môn, quản lý điều hành của từng đơn vị.
Tỷ lệ trung bình máy tính/CBCC đạt khoảng 0,75 máy/CBCC, một số địa phương tỷ lệ này đạt 0,9 máy/CBCC; các cơ quan chuyên trực thuộc UBND huyện (không nằm trong khuôn viên của ủy ban) hầu hết cũng đều đã có mạng LAN riêng và kết nối sử dụng Internet; tỷ lệ máy tính được kết nối mạng LAN và khai thác sử dụng Internet đạt 85%; tỷ lệ máy tính được cài đặt phần mềm phòng, chống virus chiếm khoảng 60%, tuy nhiên chỉ có 20% hệ thống mạng LAN được trang bị hệ thống bảo mật, an ninh mạng (Firewall).
Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan Đảng, Nhà nước đã được Cục Bưu điện Trung ương xây dựng, kết nối đến tất cả địa phương và đang được vận hành, khai thác thử nghiệm. Hệ thống mạng cáp quang đã được phát triển đến 14 huyện, thành phố và hầu hết các xã. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đến nay đã mở rộng vùng phủ sóng đến tất cả các xã, phường, thị trấn của tỉnh dưới các phương thức truyền dẫn khác nhau. Các mạng viễn thông VNPT, Viettel, EVN lần lượt đưa mạng 3G vào khai thác tạo điều kiện và cơ hội cho nhiều người tiếp cận được các dịch vụ do Internet đem lại. Có thể nói, cơ sở hạ tầng CNTT tại các địa phương đã đáp ứng được các yêu cầu để triển khai các Kế hoạch ứng dụng CNTT của Chính phủ và của tỉnh đến cấp xã.

2. Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT:
Phòng VHTT các Huyện, Thành phố đã dần nắm bắt được chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định, tuy nhiên việc bố trí cán bộ phụ trách cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn còn nhiều địa phương chưa có cán bộ chuyên trách nên phát sinh nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển CNTT. Công tác nghiên cứu, tham mưu và xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT tại các địa phương theo Kế hoạch chung của tỉnh cũng đã được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm và chỉ đạo.
Hầu hết các địa phương đều đã bố trí cán bộ phụ trách CNTT, tuy nhiên phần lớn là làm việc kiêm nhiệm và phụ trách nhiều công việc khác nên hiệu quả tham mưu cho công tác này chưa cao, đồng thời các cán bộ chuyên trách này cũng chưa được quan tâm bố trí vào biên chế nên công tác không ổn định và thường xuyên bị thay đổi.
Tỷ lệ cán bộ, công chức có thể sử dụng máy tính phục vụ công tác văn phòng, chuyên môn đạt khoảng 85%. Tuy nhiên các đối tượng này vẫn cần tiếp tục được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao hơn nữa kỹ năng tin học văn phòng, nhất là trong triển khai các phần mềm dùng chung, sử dụng thư điện tử và khai thác có hiệu quả các thông tin trên mạng để phục vụ và nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn.

3. Về ứng dụng thư điện tử:
Đến nay, hầu hết cán bộ công chức (CBCC) và cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố đều đã được cấp địa chỉ thư điện tử (theo tên miền: xxx@quangngai.gov.vn); tuy nhiên tỷ lệ CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công tác là chưa cao chỉ đạt khoảng 45%.
Các loại văn bản như lịch làm việc, báo cáo, văn bản dự thảo đã được yêu cầu bắt buộc gửi qua hệ thống thư điện tử; Các công văn, nội dung trao đổi công việc, giấy mời, tài liệu phục vụ họp... cũng được các địa phương quan tâm và sử dụng thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành để trao đổi trên môi trường mạng. Tuy nhiên, ước lượng tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử chỉ đạt khoảng từ 10 - 15%.

4. Ứng dụng CNTT phục vụ quản lý văn bản và điều hành:
Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp CNTT để triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại 12/14 địa phương. Việc ứng dụng phần mềm đã giúp tiết kiệm về thời gian và chi phí văn phòng phẩm, chỉ đạo và phân công công tác nhanh chóng, kịp thời. Việc tổ chức lưu trữ hồ sơ và tìm kiếm văn bản nhanh chóng, chính xác và kịp thời phục vụ đắc lực cho việc nắm bắt thông tin để xử lý, giải quyết công việc có liên quan. Góp phần giúp CBCC nâng cao nhận thức và tạo dần thói quen ứng dụng CNTT trong phục vụ công tác chuyên môn, quản lý điều hành công việc.
Tuy nhiên, có thể nói việc ứng dụng CNTT trong công tác này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chỉ có khoảng 2-3 địa phương triển khai và ứng dụng tốt như huyện Sơn Hà, thành phố Quảng Ngãi; các đơn vị còn lại hầu như chưa khai thác hết các tính năng, chức năng của hệ thống phần mềm hoặc mới bắt đầu triển khai; một số địa phương đã được đầu tư nhưng hầu như chưa nhận được quan tâm đúng mức trong khai thác và sử dụng.

5. Ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp:
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc công khai minh bạch các thủ tục hành chính, cung cấp thông tin phục vụ người dân và tổ chức, đến nay cũng đã có nhiều địa phương quan tâm và chủ động xây dựng Trang thông tin điện tử và tổ chức cung cấp thông tin của địa phương mình trên mạng Internet như: Sơn Hà, Thành phố Quảng Ngãi, Bình Sơn, Trà Bồng, Ba Tơ. Ngoài ra một số địa phương cũng đang tiến hành triển khai xây dựng như: Tây Trà, Sơn Tây, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.

Trang Thông tin điện tử UBND huyện Sơn Tây

Các ứng dụng CNTT phục vụ cho hoạt động và công tác chuyên môn tại các bộ phận một cửa đã bắt đầu được các đơn vị quan tâm. Đến nay đã có 01 đơn vị (TP Quảng Ngãi) được đầu tư Hệ thống một cửa điện tử đưa vào hoạt động phục vụ công dân từ tháng 4/2010 và hiện nay đang tiêp tục đầu tư triển khai tại 01 đơn vị khác là huyện Sơn Hà. Từ các kết quả triển khai này sẽ đúc kết kinh nghiệm, lựa chọn giải pháp phù hợp nhất để triển khai diện rộng ở các địa phương còn lại.
Có thể nhận thấy, nhìn chung về hàm lượng ứng dụng CNTT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tuy chưa đạt được những kết quả, hiệu quả cao nhất như mong muốn nhưng cũng đã tạo được tiền đề và nền tảng cơ bản để góp phần đẩy mạnh triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung trong thời gian tới tiến đến xây dựng thành công chính quyền điện tử tại địa phương ngày càng nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ người dân và tổ chức.
 

Nguyễn Quốc Huy Hoàng

Sở TT&TT Quảng Ngãi

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)