Tổng số lao động in hiện nay là 100 người, số lao động thường xuyên là 80 người và số lao động đã qua đào tạo là 34 người.Trong đó, có 10 người tốt nghiệp Đại học nhưng chỉ có 2 người tốt đại học chuyên ngành in còn lại là các ngành khác, công nhân lành nghề từ bậc 2 đến bậc 5 là 13 người, công nhân từ bậc 6 đến bậc 7 là 6 người. Về máy móc thiết bị in của các cơ sở in trên địa bàn tỉnh cũng vẫn còn thiếu và lạc hậu. Tất cả số lao động đã qua đào tạo và thiết bị máy móc in đều tập trung 03 cơ sở in lớn nhất của tỉnh có giấy phép hoạt động in gồm: Nhà in Đăk Nông, Hợp tác xã 18/4 và DNTN Vũ Long. Các cơ sở ngày chủ yếu in xuất bản phẩm và tài liệu không kinh doanh cho các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Đối với 31 cơ sở in còn lại chủ yếu kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, tự đảm bảo kinh phí, với số lao động chỉ từ 1 – 2 người/ 1 có sở và chưa qua đào tạo về in ấn. Hầu hết thực hiện in thủ công với hình thức in lụa một số sản phẩm đơn giản như: các loại thiệp, bao bì, bảng hiệu, cắt dán đề can, chứng từ...
Nhìn chung, ngành in từ khi thành lập tỉnh đến nay có những bước phát triển nhất định, phần nào đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, ngành in đang đứng trước thực trạng thiếu về lượng, yếu về chất, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ và chưa đáp ứng được nhu cầu in ấn của nhân dân. Số lao động chưa qua đào tạo về in ấn còn nhiều, thiết bị in hạn chế điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là in xuất bản phẩm và tài liệu không kinh doanh. Hơn nữa, với sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, các cơ sở in chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo nâng cao tay nghề lao động và đầu tư thiết bị kỹ thuật in hiện đại, thiếu chủ động và tích cực trong việc tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm đơn vị mình. Từ đó, các cơ sở in không thể giữ vững được khách hàng truyền thống cũng như tìm kiếm lượng khách hàng mới để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thực tế, hiện nay một số cá nhân, đơn vị đã tìm đến các cơ sở in ngoài tỉnh để đặt hàng như thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột và tỉnh Bình Phước để đạt chất lượng cao hơn. Theo thống kê, có khoảng 30% xuất bản phẩm, tài liệu không kinh doanh trong tỉnh đặt in ở tỉnh bạn. Trong khi đó, Đăk Nông không có đơn đặt hàng in của tỉnh bạn. Điều nay, đặt ra vấn đề khả năng cạnh tranh của ngành in Đăk Nông còn thấp, chưa tạo được bước đột phát để đứng vững trên thị trường. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người trong ngành in của tỉnh chỉ đạt từ 1.500.000đ – 2.000.000đ/ 1 người/ tháng, nhìn chung có tăng so với các năm trước nhưng vẫn còn ở mức thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút nguồn lao động có trình độ cao vào làm việc.
Để ngành in trên địa bàn tỉnh có bước đột phát, tạo đà để phát triển bền vững thì cần thực hiện một số giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, cần có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ kỹ sư, công nhân có đủ trình độ và kinh nghiệm vận hành, ứng dụng hiệu quả các chức năng của thiết bị máy móc vào thực tế sản xuất.
Thứ hai, đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị và hiện đại hóa quy trình sản xuất; đồng thời phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường thông qua khâu tiếp thị và giới thiệu sản phẩm.
Cuối cùng, các ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn về vốn bằng cách miễn giảm thuế, có chính sách cho vay ưu đãi để các cơ sở in đầu tư trang máy móc, thiết bị và đào tạo đội ngũ lao động đạt chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh trên thương trường.
Trong thời gian tới, ngành in Đăk Nông cần có sự nỗ lực mạnh mẽ của các cơ sở in và sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp, các ngành liên quan để chuyển mình góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.