Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” tại Quảng Trị

(Mic.gov.vn) - Chiều ngày 1/4/2011, tại Đài PT-TH Quảng Trị, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Thứ trưởng Trần Đức Lai dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Quảng Trị về việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia “Đưa Thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.

Tiếp và làm việc với Thứ trưởng cùng đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Trần Phương Nam, TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cùng lãnh đạo Đài PT-TH tỉnh, các phòng, ban của Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh.

Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia “Đưa Thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”. Quảng Trị là 1 trong 8 tỉnh thí điểm chương trình. Chương trình gồm có 3 dự án. Dự án 1: Tăng cường năng lực cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở; Dự án 2: Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở; Dự án 3: Tăng cường nội dung thông tin và tuyên truyền về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tại buổi làm việc, Sở Thông tin và Truyền thông và Đài PT-TH Quảng Trị đã trình bày báo cáo tiến độ thực hiện các dự án cũng như các kiến nghị, đề xuất để dự án thực hiện đúng tiến độ đề ra với chất lượng, hiệu quả đạt cao nhất.

Đồng chí Đỗ Quang Minh, Cục phó Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho rằng, chế độ phụ cấp, mức thù lao cho người hoạt động truyền thanh cơ sở hiện nay còn thấp và không thống nhất, có nơi không có phụ cấp. Để việc thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đạt kết quả, tạo điều kiện cho các Đài Truyền thanh cơ sở hoạt động ngày một tốt hơn, tỉnh cần có sự quan tâm, xem xét việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người quản lý, vận hành, khai thác Đài Truyền thanh cơ sở. Đài PT-TH tỉnh cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho đài truyền thanh huyện, xã về vấn đề kỹ thuật. Đồng thời, đồng chí lưu ý trong việc xây dựng Dự án 2 giai đoạn 2012-2015 phải chú trọng đến các đài, trạm cấp xã.

Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết, trong dự án 1, Bộ sẽ phụ trách phần nội dung và tổ chức tập huấn cho cán bộ tỉnh. Ở tỉnh, nội dung này do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai cho các huyện, xã. Dự án 2, khác với 7 tỉnh thí điểm trong toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép Đài PT-TH tỉnh được làm chủ đầu tư, bố trí kinh phí Dự án xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho Đài PT-TH Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện. Tuy nhiên, Đài PT-TH tỉnh nên lưu ý ở khâu lựa chọn thiết bị và công nghệ không bị lỗi thời, lạc hậu khi số hóa, lựa chọn nhà cung cấp thiết bị… và cần có ý kiến chuyên môn từ phía Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử. Dự án 3 gồm: Cung cấp chương trình truyền hình phục vụ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo do Đài PT-TH tỉnh thực hiện; và quản lý Chương trình chung do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện.

Thứ trưởng Trần Đức Lai nhấn mạnh: “Quảng Trị là một trong những tỉnh được hưởng chính sách trong chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở, Bộ đã triệu tập Sở Thông tin và Truyền thông cùng Đài PT-TH tỉnh để triển khai. Trên tinh thần đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp tốt với Sở cùng Đài triển khai nhanh, kịp thời và đúng với quy định của Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả của chương trình, đem lại lợi ích cho cộng đồng”.

Về phía tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Cường cho biết, việc triển khai thực hiện tốt Chương  mục tiêu Quốc gia “Đưa Thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” không chỉ trực tiếp giúp người dân Quảng Trị được hưởng lợi mà còn là nghĩa vụ của Quảng Trị đối với các tỉnh trong toàn quốc, UBND tỉnh đã có văn bản giao cho Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực tham mưu, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về Chương trình này. UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Sở và Đài hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia này ở mức độ cao nhất, để làm cơ sở cùng với 7 tỉnh thí điểm còn lại được Quốc hội phê chuẩn, xem xét tiếp tục triển khai Chương trình ở giai đoạn 2012-2015. Về chế độ phụ cấp, mức thù lao cho người hoạt động truyền thanh cơ sở thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng Đề án cụ thể, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua.

Đoàn Phương Nam -BCXB

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)