Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Quang Thao - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CNTT của tỉnh; thành viên BCĐ CNTT tỉnh; lãnh đạo, cán bộ chuyên trách CNTT các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị; các hội, đoàn thể của tỉnh; đại diện các cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp viễn thông, CNTT trên địa bàn tỉnh.
Với xuất phát điểm là một tỉnh yếu về CNTT, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, lĩnh vực CNTT tỉnh Phú Thọ đã có những bước chuyển biến đáng kể, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và doanh nghiệp về tầm quan trọng của CNTT được nâng lên. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về CNTT đã từng bước được kiện toàn. Môi trường pháp lý về CNTT dần được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng và phát triển CNTT. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả, từng bước nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, năng suất làm việc của đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức. Cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng và phát triển CNTT được hiện đại hoá về công nghệ, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh Phú Thọ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, trong đó tập trung: đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó phát triển hạ tầng đi đôi với ứng dụng CNTT, từng bước hình thành các cơ quan điện tử tiến tới thực hiện Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về CNTT trong khu vực và trung bình khá trong cả nước. Từng bước phát triển ngành công nghiệp CNTT, trong đó tập trung chủ yếu vào phát triển các dịch vụ CNTT, đặc biệt là các dịch vụ nội dung trên mạng internet nhằm phục vụ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực về CNTT, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực CNTT trình độ cao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 58, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 58. Đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp điển hình về ứng dụng CNTT đã phát biểu tham luận chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT trong công tác hoạt động của đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và ghi nhận những thành tích đạt được trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 58. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 58, đồng chí yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tổ chức quán triệt sâu sắc về vai trò và vị trí của CNTT trong sự nghiệp CNH-HĐH, coi ứng dụng và phát triển CNTT là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng CNTT và truyền thông phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; đưa ứng dụng CNTT đến vùng sâu, vùng xa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tăng cường đầu tư ngân sách, tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước hình thành Chính phủ điện tử của tỉnh; có chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp CNTT; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; thực sự coi CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 16 tập thể, 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị 58 trong 10 năm qua.
Một số kết quả nổi bật tỉnh Phú Thọ đạt được qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 58:
- Tổng số máy tính hoạt động trên toàn tỉnh ước đạt 55.802 máy, số hộ gia đình có máy tỉnh khoảng 30.670 hộ, mật độ máy tính là 5,5 máy/100 dân.
- Tỷ lệ dịch vụ hành chính công được cung cấp trên mạng internet đạt 95,4%
- Tỷ lệ các đơn vị có kết nối mạng cục bộ (LAN) đạt 89,1%
- Tỷ lệ doanh nghiệp có kết nối internet đạt 85%
- Tỷ lệ xã, phường, thôn bản được cung cấp dịch vụ CNTT đạt 99%
- 100% các cơ quan Đảng từ tỉnh đến huyện có hệ thống mạng nội bộ (LAN)
Một số chỉ tiêu giai đoạn 2011 – 2020:
- 100% Văn phòng Đảng uỷ, UBND xã, phường, thị trấn kết nối mạng diện rộng (WAN) với cơ quan Đảng
- Đến hết năm 2011: 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị có hệ thống mạng LAN
- Đến hết năm 2015: 100% UBND các xã, phường, thị trấn có đường truyền internet tốc độ cao; 80% cán bộ công chức cấp xã có máy tính làm việc
- Giai đoạn 2011 – 2015: Xây dựng 10 – 15 dịch vụ hành chính công mức độ 3 trên Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ |