Theo đó, các biện pháp quản lý vận hành trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin bao gồm:
1. Các cơ quan, đơn vị phải trang bị đầy đủ các kiến thức bảo mật cơ bản cho các cán bộ công chức trước khi cho phép truy cập và sử dụng hệ thống thông tin.
2. Các cơ quan, đơn vị phải bố trí cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin. Các cán bộ chuyên trách phải đảm bảo điều kiện học tập, tiếp thu công nghệ, kiến thức an toàn bảo mật thông tin trước khi tiến hành các hoạt động quản lý hay kỹ thuật nghiệp vụ.
3. Cán bộ chuyên trách phải thường xuyên cập nhật cấu hình cho các thành phần của hệ thống thông tin, thiết lập cấu hình một cách chặt chẽ nhất cho các sản phẩm an toàn thông tin nhưng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thông tin.
4. Cán bộ chuyên trách phải tổ chức cấu hình hệ thống thông tin chỉ cung cấp những chức năng thiết yếu nhất, đồng thời xác định các chức năng, cổng giao tiếp mạng, giao thức và dịch vụ không cần thiết để cấm hoặc hạn chế sử dụng.
5. Hệ thống thông tin tại các cơ quan, đơn vị phải có cơ chế sao lưu thông tin ở mức người dùng và mức hệ thống (bao gồm: sao lưu trạng thái hệ thống thông tin và lưu trữ thông tin sao lưu tại nơi an toàn), đồng thời thông tin sao lưu phải được tổ chức kiểm tra thường xuyên để đảm bảo tính sẵn sang và toàn vẹn thông tin.
6. Hệ thống thông tin tại các cơ quan, đơn vị phải được triển khai cơ chế chống virus, thư rác cho những hệ thống xung yếu hiện hữu (firewall, mail server…) và các máy trạm, máy chủ trong mạng; tổ chức sử dụng cơ chế chống virus, thư rác để phát hiện và loại trừ các đoạn mã độc hại (virus, trojan, worms…) có khả năng khai thác các hệ thống lỗ hỏng của hệ thống thông tin, được truyền tải bởi thư điện tử, tập tin đính kèm từ internet, thiết bị lưu trữ tháo lắp, đồng thời thường xuyên cập nhật cơ chế chống virus, thư rác phù hợp với quy trình và chính sách quản lý cấu hình hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị.
7. Cán bộ chuyên trách phải thường xuyên thực hiện đánh giá, báo cáo các rủi ro và mức độ nghiêm trọng của các rủi ro đó. Các rủi ro có thể xảy ra do nguy cơ tự nhiên, truy cập trái phép, sử dụng trái phép dẫn đến làm mất, thay đổi hoặc phá huỷ thông tin và hệ thống thông tin.
8. Đối với các cán bộ, công chức hoặc nhân viên đã nghỉ việc, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện huỷ quyền truy cập hệ thống thông tin và thu hồi các tài khoản liên quan tới hệ thống thông tin (như khoá, thẻ nhận dang…) nhưng vẫn đảm bảo khả năng truy cập vào các hồ sơ được ạo ra bởi các cán bộ, công chức hoặc nhân viên đó.
9. Các cơ quan, đơn vị quan tâm phân bổ đầu tư cần thiết để đảm bảo và tăng cường an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị.
Ngoài các biện pháp quản lý vận hành trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, Quy định bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cũng bao gồm các biện pháp quản lý kỹ thuật cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; xây dựng cơ chế nội bộ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; xây dựng và áp dụng quy trình đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Ngoài ra, quy chế cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; trách nhiệm của các cán bộ công chức trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và trách nhiệm của Sở thông tin và truyền thông.
Quyết định có hiệu lực sau mười (10) ngày kể từ ngày ký.