Nhìn nhận về sự tăng trưởng chỉ số sẵn sàng ứng dựng CNTT của tỉnh Nghệ An

(Mic.gov.vn) - Tại Hội thảo hợp tác phát triển Công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ XIV tổ chức tại Nghệ An cuối tháng tám vừa qua, với chủ đề “Các tỉnh, thành phố mạnh để Việt nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT”, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Hội tin học Việt Nam đã công bố “Vietnam ICT index 2010”, đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT của khối các bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đây là năm thứ năm liên tiếp Vietnam ICT index được công bố và được các đơn vị đón nhận một cách tích cực. Đây cũng là dịp để các đơn vị nhìn nhận, đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT-TT của đơn vị mình, từ đó đề ra các biện pháp, chính sách phù hợp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT-TT, phục vụ các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả ICT index năm 2010, Nghệ An xếp ở vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

Bức tranh CNTT-TT Nghệ An qua ICT index 2006-2010

Về tổng thể, mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT của Nghệ An 5 năm qua đã có một bước tiến dài theo chiều tích cực, từ vị trí thứ 37 trong bảng xếp hạng năm 2006, thuộc nhóm có mức độ trung bình, tăng dần qua các năm 2007, 2008, 2009 với thứ bậc lần lượt là 17, 18, 12, vươn lên ở vị trí 10 năm 2010, cao hơn hẳn so với Hà Tĩnh và Thanh Hóa, hai tỉnh có những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tương đồng.

Năm năm qua, lãnh đạo tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các doanh nghiệp cùng với người dân đã tập trung chỉ đạo, triển khai phát triển trên tất cả các lĩnh vực ứng dụng và phát triển CNTT-TT, tất cả các yếu tố của thị trường CNTT-TT của Nghệ An đều có những bước phát triển đáng nghi nhận. Điều này được đánh giá qua sự tăng trưởng của tất cả các tiêu chí được đưa ra đánh giá.

Về môi trường tổ chức – chính sách về CNTT, năm 2010 Nghệ An được đánh giá ở vị trí thứ nhất (có 15/63 tỉnh được xếp vị trí số 1 ở tiêu chí đánh giá này) tăng 23 bậc so với năm 2006. Là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học, chính trị xã hội của khu vực Bắc Trung bộ, một trong các mong muốn và nỗ lực của tỉnh Nghệ An với lĩnh vực CNTT-TT là xây dựng lộ trình để thu hút đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn, thu hút nguồn lực và nhân tài. Giai đoạn 2006-2010, quyết tâm  chính trị của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc triển khai ứng dụng và phát triển CNTT cao, chỉ đạo quyết liệt; Thường trực Tỉnh uỷ đã ban hành nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; UBND tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2015 có định hướng đến năm 2010; phê duyệt nhiều đề án, dự án đầu tư phát triển CNTT và các văn bản chuyên ngành;  có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho các hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ tăng cường công tác quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã. Ban chỉ đạo CNTT của tỉnh sớm được kiện toàn, sở TT&TT là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo CNTT của tỉnh hoạt động khá hiệu quả. Môi trường cơ chế chính sách đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT thuận lợi. Mở rộng cơ chế thu hút đầu tư về lĩnh vực CNTT vào Nghệ An, bước đầu đã có một số doanh nghiệp lớn chọn Nghệ An địa điểm đầu tư như VTC Online, các tập đoàn VNPT, Viettel cũng tăng cường hoạt động đầu tư với các dự án CNTT-TT lớn.

Chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật Nghệ An xếp thứ 6, sau Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế và Quảng Ninh. Trong hai năm 2009 và 2010, hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT có những bước phát triển vượt bậc, từ vị trí thứ 49, 46 trong các năm 2008, 2007 vươn lên vị trí thuộc tốp 10 tỉnh, thành phố có hạ tầng kỹ thuật phát triển nhất cả nước trong khi hai tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa xếp ở vị trí 32 và 35. Các tiêu chí đưa ra đánh giá xếp hạng hạ tầng kỹ thuật của các địa phương bao gồm tỷ lệ số điện thoại cố định, điện thoại di động, thuê bao Internet, tỷ lệ máy tính, tỷ lệ hộ gia đình có TV... so với số dân, so với số CCVC trong các cơ quan, doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, hạ tầng CNTT-TT của Nghệ An được đầu tư phát triển tương đối đồng bộ. Toàn tỉnh có 1.800 trạm BTS; 237 tổng đài; trên 3000km cáp quang, 252 trạm Viba; thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 70,46 máy/100 dân, Tỷ lệ thuê bao internet đạt 19,44 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ hộ gia đình có TV đạt 71,5%, Tỷ lệ công chức được trang bị máy tính đạt trên 98%, có 91,4 % máy tính trong các cơ quan nhà nước có kết nối internet. Hệ thống đường truyền cáp quang từ Trung tâm tích hợp dữ liệu đến các sở ban ngành, văn phòng UBND các huyện đã được xây dựng, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 22 điểm cầu đã được xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, đảm bảo 100% huyện uỷ, UBND huyện có giao ban điện tử trực tuyến... Các chỉ tiêu về phát triển hạ tầng CNTT-TT của tỉnh đã đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội Tỉnh đảng bộ lần thứ XVI.

Yếu tố nhân lực CNTT-TT của tỉnh được đánh giá tăng 14 bậc từ vị trí 25 năm 2006 lên vị trí thứ 9 năm 2010. Thời gian qua, các cấp các ngành đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động điều hành và quản lý. Hầu hết cán bộ công chức viên chức ở các cơ quan đã được bồi dưỡng kiến thức về tin học văn phòng, sử dụng thành thạo máy tính, có khả năng khai thác các hệ thống CSDL phục vụ hoạt động chuyên môn. Tiêu chí tỷ lệ CCVC biết sử dụng máy tính đạt tỷ lệ 95% . Năm 2010, tỷ lệ dạy tin học ở các trường phổ thông đều đạt 100%. Tỷ lệ dạy tin học ở trường tiểu học của Nghệ An đạt 29% (có 2 đơn vị có tỷ lệ này đạt 100% là Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Bình). Tuy nhiên, mặt hạn chế trong đánh giá về nhân lực CNTT là chỉ tiêu số cán bộ chuyên trách về CNTT ở các đơn vị vẫn còn thiếu, chủ yếu đang hoạt động kiêm nhiệm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trường đại học (Đại học Vinh, Đại học SPKT Vinh, Đại học Vạn Xuân, Đại học Công nghiệp TP HCM) cùng với các trường Cao đẳng, các cơ sở đào tạo lớn về tin học khác như: Nghean – Aptech, Sara, CITD v.v... sẽ tiếp tục đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh và khu vực.

Chỉ số sản xuất kinh doanh CNTT năm 2010, Nghệ An xếp ở vị trí 15, tăng 8 bậc so với năm 2009. Chỉ tiêu này được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí, tỷ lệ đơn vị sản xuất kinh doanh CNTT, tỷ lệ nhân lực sản xuất kinh doanh CNTT và tỷ lệ doanh thu CNTT so với số dân. Nhìn chung, tình hình kinh doanh trên thị trường CNTT-TT tại Nghệ An trong những năm qua khá sôi động, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực CNTT-TT tăng trưởng nhanh (29%/năm). Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 200 doanh nghiệp CNTT, trong đó có 170 doanh nghiệp phần cứng và dịch vụ, 15 doanh nghiệp phần mềm và 16 doanh nghiệp đào tạo CNTT. Tổng doanh thu về CNTT năm 2009 đạt trên 1.950 tỷ đồng.

Về chỉ tiêu ứng dụng, Nghệ An xếp ở vị trí 28, tuy chỉ tiêu này đã được đánh giá tăng 19 bậc so với năm 2006, nhưng đây là chỉ tiêu bị đánh giá thấp nhất của trong các chỉ tiêu đưa ra đánh giá. Phân tích kỹ các tiêu chí đưa ra đánh giá cho thấy, Nghệ An có ưu điểm nhất ở tiêu chí triển khai các ứng dụng cơ bản, đạt chỉ số 24.80 (xếp tốp 10 tỉnh có triển khai ứng dụng cơ bản tốt nhất, vị trí 7/63), còn yếu điểm của Nghệ An tại thời điểm khảo sát là tỷ lệ CCVC được cấp và sử dụng hộp thư điện tử mới chỉ đạt 36,2% , tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đã đạt 100% sau khi dự án thư điện tử hoàn thành.

Giải pháp để ổn định và phát triển bền vững

Vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh vị trí xếp hạng của từng địa phương cũng như nội dung các tiêu chí đưa ra đánh giá. Tuy nhiên, với kết quả đạt được cho thấy, nỗ nực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân trong việc đầu tư cho phát triển và ứng dụng CNTT đã mang lại kết quả, thứ hạng đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Trong thời gian tới, những vấn đề tỉnh cần quan tâm và hành động để ứng dụng và phát triển CNTT thực sự phát triển theo chiều sâu phục vụ vụ phát triển kinh tế xã hội là:

- Nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về vai trò của ứng dụng và phát triển CNTT-TT phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

- Đầu tư hoàn thiện và phát triển hạ tầng CNTT -TT. Hạ tầng kỹ thuật tuy đã có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng còn tập trung ở thành phố, và trung tâm các huyện, thị xã. Tỉnh cần có sự  quan tâm chỉ đạo xây dựng hạ tầng thông tin băng rộng trên phạm vi toàn tỉnh, tới cấp xã, đảm bảo thuận tiện cho việc cung cấp thông tin mọi lúc, mọi nơi, đến tận người dân, tạo tiền đề cho việc thực hiện chính phủ điện tử.  

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nhằm ứng dụng hiệu quả CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh   của doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT, tăng cường chuyên trách về CNTT cho các đơn vị. Có cơ chế thu hút các chuyên gia, sinh viên giỏi trong và ngoài tỉnh về làm việc tại Nghệ An và tạo điều kiện để nguồn lực này có cơ hội phát huy.

- Cải cách hành chính, phát huy hơn nữa thế mạnh về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, ứng dụng và phát triển CNTT mà tỉnh đã xây dựng được. Tạo lập môi trường phát triển cho các doanh nghiệp CNTT-TT để các doanh nghiệp triển khai nhanh, có hiệu quả, đặc ưu tiên vùng núi khó khăn về cơ sở hạ tầng CNTT-TT, trên cơ sở người dân được hưởng dịch vụ tốt, giá rẻ và doanh nghiệp có lợi nhuận.

- Thu hút đâu tư phát triển CNTT-TT vào Nghệ An đều trên các mặt: phát triển hạ tầng, ứng dụng, nguồn nhân  lực và công nghiệp CNTT. Đặc biệt nhấn mạnh phát triển dịch vụ CNTT và công nghiệp CNTT./.

Sở TT&TT Nghệ An

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)