Đồng Tháp: Phê duyệt Đề án phát triển văn học, nghệ thuật đến năm 2015

(Mic.gov.vn) - UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định số 646/QĐ-UBND.HC phê duyệt Đề án phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp đến năm 2015. Việc phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án sẽ góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện Qui hoạch báo in tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và phát huy vai trò của Báo chí Tỉnh trong thời kỳ mới. Chủ trì xây dựng Đề án là Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh.

Theo đó, quan điểm của Đề án: Một là, phát triển văn học, nghệ thuật phải gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng; bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của TW và Tỉnh uỷ; phát triển văn học, nghệ thuật phải thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tỉnh Đồng Tháp. Hai là, phát triển văn học, nghệ thuật theo đúng định hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Nghị quyết TW5 (khoá VIII) đã đề ra, trong đó tiếp thu những giá trị tiến bộ của thời đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, chống văn hoá đồi truỵ, lai căng, phản động; chống âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch phản động. Ba là, xác định, VHNT là sự nghiệp của quần chúng, phải huy động toàn xã hội tham gia, trong đó trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp là vô cùng quan trọng.

Mục tiêu chung của Đề án là nhằm tập trung đẩy mạnh các hoạt động văn học, nghệ thuật trên tất cả các lĩnh vực: sáng tác, phổ biến tác phẩm, phát triển lực lượng văn nghệ sĩ mạnh về chất lượng và cả số lượng, … để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, định hướng thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá tỉnh nhà. Một số mục tiêu cụ thể Đề án kỳ vọng:

Thứ nhất, sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật; số lượng tác phẩm đạt giải tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn cấp khu vực và toàn quốc năm sau cao hơn năm trước. 

Thứ hai, tăng cường công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình; phấn đấu mỗi năm mỗi thành viên Hội đồng của Hội và thành viên các ban chuyên ngành có ít nhất một bài viết hoặc công trình về lý luận phê bình.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động phổ biến tác phẩm bằng nhiều hình thức như xuất bản, biểu diễn thu phát trên đài, sân khấu … mỗi năm xuất bản 05 đầu sách có giá trị, xây dựng chương trình phát hình 06 chương trình/năm.

Thứ tư, lực lượng văn nghệ sĩ tăng từ 280 hội viên (năm 2009) lên 350-400 hội viên (năm 2015). Hàng năm mở 02 trại-lớp chuyên sâu, phấn đấu đến năm 2015 tất cả chuyên ngành đều có hội viên được đào tạo qua các lớp chuyên sâu.

Thứ năm, phát hành mỗi tháng hai số với số lượng ổn định ít nhất 800 tờ/01 số trong giai đoạn 2010-2012 và 1.000 tờ/01 số ở giai đoạn 2013-2015 (năm 2009 có ít nhất 600 tờ/01 số).

Ngô Kính Dân

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)