Mở đầu cuộc tọa đàm, đ/c Phạm Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy các doanh nghiệp đã đánh giá những đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp Nghệ An, đồng thời đặt ra vấn đề để phát huy có hiệu quả mối quan hệ “đồng hành” này. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước suy giảm, thiên tai, dịch bệnh… đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã năng động, cùng với sự sát cánh của Nhà nước đã từng bước vượt qua khó khăn, giữ vững sự ổn định và tiếp tục phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi, nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao; tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước. Năm 2009, tổng doanh thu của các doanh nghệp thuộc Đảng bộ đạt 16.275,78 tỷ đồng, bằng 106% năm 2008; nộp ngân sách 962,5 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 583 tỷ đồng, tăng 40,1% so với năm 2008, chiếm ¼ tổng thu nội địa toàn tỉnh)…Kết quả trên của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đạt được kết quả đó có sự góp phần không nhỏ của báo chí.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, ở một số trường hợp, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí bức xúc, dẫn đến việc thông tin không đảm bảo tính khách quan, trung thực của báo chí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, lợi ích của các doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, các đại diện của các doanh nghiệp đã nêu những vấn đề mà doanh nghiệp và báo chí chưa tìm được tiếng nói chung, một số báo chí phản ánh thông tin không chính xác, ảnh hưởng không nhỏ đên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Một số nhà báo, phóng viên vì mục đích cá nhân làm cho doanh nghiệp ngại tiếp xúc vì lí do sợ xin quảng cáo, sợ phiền phức vì báo chí cũng chưa thực sự chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí do chưa xây dựng cơ chế phát ngôn.
Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng bày tỏ rất cần sự chia sẻ, đồng hành của báo chí, sẵn sàng hợp tác cùng báo chí. Các doanh nghiệp luôn có nhu cầu được các cơ quan báo chí, nhà báo quan tâm, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu, cũng như đóng góp ý kiến để doanh nghiệp sữa chữa với mục đích xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Các nhà báo cũng cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những chủ đề lớn, có nội dung phong phú, thu hút sự quan tâm của báo chí, của công chúng.