Gia Lai: Bưu điện văn hóa xã – Nơi cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân

Thứ tư, 30/09/2009 10:07

Mô hình điểm Bưu điện Văn hoá xã (BĐVHX) là một trong những chủ trương của Nhà nước ta nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông thôn. Đây là một mô hình gắn kết giữa hai ngành văn hoá và bưu điện, là nơi người dân có thể tiếp cận thông tin qua sách báo, qua các dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin do các ngành cung cấp.

img
Bà con đọc báo tại một điểm BĐVHX. Ảnh Đức Thanh

Cùng với mô hình BĐVHX được triển khai rộng khắp trong cả nước, năm 1998 Gia Lai triển khai đưa các điểm BĐVHX vào hoạt động ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trong  tỉnh. Từ 18 điểm được áp dụng thí điểm ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có 162 điểm BĐVHX đang hoạt động, đủ điều kiện đáp ứng các dịch vụ bưu chính - viễn thông và các hoạt động văn hóa.

Tại các điểm BĐVHX này, người dân có thể tiếp cận tri thức, nắm bắt đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc tham khảo những kinh nghiệm làm ăn, tìm hiểu khoa học kỹ thuật từ các sách báo, tạp chí phục vụ miễn phí và gửi thư, sử dụng điện thoại, truy cập internet thông qua các dịch vụ bưu chính viễn thông. Hiện tại ở các điểm BĐVHX, bên cạnh số sách báo được trang bị ban đầu bằng tiền hỗ trợ của VNPT, còn có các loại báo được Nhà nước cấp thường xuyên như Công báo, báo Nhân dân, báo Khoa học và đời sống, tạp chí Toàn cảnh,  báo Bưu điện Việt Nam, báo Đảng địa phương, Nông nghiệp Việt Nam …. Các tổ chức, đoàn thể và cá nhân trong tỉnh cũng có chương trình cấp miễn phí, ủng hộ hoặc tổ chức quyên góp gửi tặng sách báo, tạp chí để có thêm nguồn sách báo phong phú cho các điểm. Ngoài các dịch vụ nhận gửi, phát bưu phẩm, tem thư, điện thoại đã được áp dụng ban đầu, đến nay Bưu điện đã triển khai thêm các dịch vụ bưu chính khác như nhận đặt mua báo chí dài hạn, báo lẻ. Một số điểm cung cấp thêm dịch vụ internet phục vụ người dân truy cập thông tin, tìm hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Qua hơn 10 năm hoạt động, các điểm BĐVHX đã góp phần nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống cho người dân, nâng cao tỷ lệ người dân được hưởng thụ các lợi ích của dịch vụ bưu chính, viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin của người dân ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, một thực tế cần phải nhìn nhận hiện nay là hạ tầng cơ sở của các điểm BĐVHX đang ngày càng xuống cấp do từ lâu đã không được duy tu bảo dưỡng. Nguồn sách báo cung cấp về mang tính bình quân, thiếu đa dạng, nhất là các sách về giáo dục, y tế, pháp luật, kỹ thuật nông nghiệp. Bên cạnh đó các dịch vụ bưu chính viễn thông còn nghèo nàn, chất lượng sử dụng kém, thiết bị đầu tư cũ, cấu hình thấp, tốc độ truy cập chậm… và một số khó khăn do yếu tố khách quan khác như giao thông, hạ tầng mạng, nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân đã hạn chế hoạt động của các điểm BĐVHX.

Để tháo gỡ khó khăn và duy trì hoạt động thường xuyên cho các điểm BĐVH xã, Bưu điện tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp kịp thời nhằm có thêm nguồn thu, tăng thu nhập cho nhân viên như phát triển thuê bao điện thoại, làm đại lý bán văn phòng phẩm, bán đèn compac cho ngành Điện lực, bán bảo hiểm xe máy…Đối với nhân viên bưu điện có thể kiêm thêm chức danh bưu tá xã, làm nhân viên thu cước viễn thông hoặc kinh doanh internet cá nhân (tại những điểm không lắp đặt internet). Hiện tại toàn tỉnh có 40 điểm tham gia công tác thu nợ, 50 điểm có nhân viên bưu điện kiêm nhiệm chức danh bưu tá xã. Qua thời gian áp dụng và triển khai thêm các dịch vụ mới trên, doanh thu tại các điểm BĐVHX này đã có chiều hướng tăng lên. Tổng thu tại các điểm đã lên trên 1 triệu đồng/tháng so với con số vài trăm ngàn đồng/tháng trước đây. Nhờ đó các hoạt động tại BĐVHX được duy trì, nhân viên bưu điện có thêm việc làm và tăng thu nhập, các dịch vụ mới đáp ứng thêm nhu cầu thiết yếu của người dân, tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều hơn người dân đến sinh hoạt và trao đổi thông tin tại các điểm BĐVHX.

Việc áp dụng các loại hình dịch vụ mới là giải pháp cần thiết mà Bưu điện tỉnh đề ra hiện nay, tuy nhiên để các điểm BĐVH xã duy trì hoạt động và hoạt động đúng với chủ trương ban đầu là mô hình mang ý nghĩa chính trị xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, phục vụ công tác chỉ đạo, thông tin liên lạc của các cơ quan Đảng và Nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ tích cực từ các cấp, các  ngành. Việc cần thiết hiện nay là cần có kế hoạch cải tạo và nâng cấp các điểm BĐVHX hiện đã xuống cấp do từ lâu không được duy tu bảo dưỡng; Duy trì và phát triển việc cấp sách báo từ nhiều nguồn; Hỗ trợ tiền lương và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin cho nhân viên các điểm BĐVHX. Ngoài ra cần mạnh dạn áp dụng một số loại hình dịch vụ mới như dịch vụ gửi tiết kiệm bưu điện, chi trả bảo hiểm xã hội hoặc các dịch vụ tài chính, ngân hàng vv…tại các điểm bưu điện này để nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐVHX, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn và thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top