Ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước tại Gia Lai

(Mic.gov.vn) - Xác định CNTT là một lĩnh vực mũi nhọn, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, là một trong những nhân tố quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính, căn cứ Luật CNTT và các văn bản dưới luật, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và các kế hoạch triển khai các ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.

Thi tin học CBCCVC tỉnh Gia Lai phục vụ CCHCTrong đó quan trọng nhất là Quy hoạch Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Gia Lai giai đoạn 2008 – 2015 và định hướng đến năm 2020, Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND về việc "Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác Quản lý hành chính nhà nước phục vụ cải cách hành chính". Đây là 01 chỉ thị quan trọng, quy định nhiều nhiệm vụ cụ thể như: "Người đứng đầu các cơ quan nhà nước phải trực tiếp quyết định và chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và tổ chức bộ máy, biện pháp cụ thể phát triển CNTT trong lĩnh vực, địa phương và tổ chức, cơ quan mình”.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2010, tỉnh theo kịp mức trung bình của cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT; đồng thời phải thực hiện đúng các nội dung Chương trình CNTT Quốc gia theo định hướng của Chính phủ đến năm 2010, như: đảm bảo trên 30% thông tin được luân chuyển trên mạng; 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử phục vụ công việc; 100% cơ quan nhà nước trao đổi văn bản điện tử qua mạng; ứng dụng CNTT để giảm thiểu ít nhất 20% thời gian đọc báo cáo ở các cuộc họp do đã gửi tài liệu qua mạng; đảm bảo tỉnh phải có cổng thông tin điện tử; có ít nhất 3 dịch vụ hành chính công thực hiện trực tuyến ở mức độ 3 và nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2.

Về cách thức tiến hành, đầu tiên trên cơ sở các quy định của Chính phủ, UBND tỉnh đã cho xây dựng quy hoạch CNTT, xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch từng năm, từ đó tiến hành xây dựng mô hình thí điểm, thử nghiệm giải pháp, rút kinh nghiệm để nếu thấy phù hợp thì nhân rộng, đầu tư phải đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí.

Trên cơ sở đó, năm 2008, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng thí điểm mô hình công sở điện tử (CSĐT) tại UBND thành phố Pleiku, Sở Tài chính; xây dựng trang thông tin điện tử (Website) tại UBND huyện Chư Sê, Sở Giao thông. Qua đó, rút kinh nghiệm việc thực hiện và năm 2009 triển khai nhân rộng đến một số cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh như mô hình CSĐT tại Văn phòng UNND tỉnh, UBND thị xã A Yun Pa, UBND huyện Chư păh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; các Sở: Tư Pháp, TT&TT, Kế hoạch và Đầu tư; triển khai xây dựng Website tại UBND thị xã A Yun Pa, An Khê; UBND các huyện Chư Păh, Chư Prông; các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du Lịch; Tư pháp,... Cũng trong năm 2009, UBND tỉnh đã cho thực hiện dự án “Đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng hệ thống Hosting phục vụ phát triển CNTT và truyền thông tỉnh Gia Lai” nhằm từng bước hoàn thiện cở sở vật chất và cơ sở hạ tầng CNTT tại các cơ quan, đơn vị để đảm bảo cho việc triển khai các ứng dụng CNTT cũng như các hệ thống thông tin hiệu quả; đẩy mạnh triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống thư điện tử cho cán bộ công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 34/2008/CT-TTg ngày 03/12/2008 về “tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước”. Đồng thời triển khai xây dựng các dự án Hội nghị qua truyền hình theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, dự án cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai.

Đi đôi với việc đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT là công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CNTT cho cán bộ công chức, viên chức. Trong năm 2008, Sở TT&TT đã tổ chức mở 03 lớp đào tạo về CNTT (lắp ráp máy tính, thiết kế Website) và theo kế hoạch năm 2009 sẽ tiếp tục mở 05 lớp (lắp ráp, cài đặt máy tính và các thiết bị ngoại vi; quản trị mạng) đối với học viên là cán bộ công chức, viên chức. Việc tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức CNTT nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ công chức có trình độ, năng lực làm việc trên môi trường mạng theo yêu cầu trong tình hình mới hiện nay. Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh cho tổ chức các Hội thi Tin học cán bộ công chức, viên chức phục vụ cải cách hành chính cấp tỉnh cũng là một cách thức tăng cường ứng dụng CNTT trong QLNN.

Từ việc tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, tính đến tháng 7/2009, tỷ lệ cán bộ, công chức/ máy tính đạt 55%; khoảng 75 % cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh có mang nội bộ (LAN), trong đó 90% các đơn vị đều đã kết nối Internet; hầu hết cán bộ nhà nước ở các đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều biết sử dụng máy tính; các cơ quan hành chính nhà nước tại Gia Lai đã từng bước cải tiến và chuẩn hoá được quy trình công việc liên quan đến hoạt động nội bộ cũng như với các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức và công dân trên địa bàn. Đã sử dụng văn bản điện tử thay thế từng bước văn bản giấy phục vụ công tác quản lý, điều hành góp phần cải cách hành chính và giảm văn bản giấy tờ cũng như phương thức làm việc truyền thống của đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài WebSite của UBND tỉnh, hiện tại có khoảng 16 đơn vị Nhà nước có WebSite riêng. Một số đơn vị đã sử dụng ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý Nhà nước tại đơn vị như: thực hiện văn phòng điện tử, điều hành tác nghiệp qua mạng ở Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Pleiku, Văn phòng UBND tỉnh; quản lý cán bộ, công chức tại Sở Nội vụ, quản lý đất đai ở Sở Tài nguyên và Môi trường... Đa số cơ quan Nhà nước có sử dụng phần mềm kế toán.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan Nhà nước tại tỉnh Gia Lai nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế và chưa theo kịp tốc độ cải cách hành chính của tỉnh: Tỷ lệ số cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử trong công việc đạt thấp (20%) và văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử cũng rất hạn chế (khoảng 10%); chưa tận dụng được thông tin trên Internet; hầu hết mạng LAN chưa được đầu tư nâng cấp phù hợp với cơ cấu tổ chức và cũng chưa phát huy được hiệu quả của mạng nội bộ; chưa quan tâm đến việc đầu tư phần mềm ứng dụng và tin học hóa các dịch vụ công; các trang thông tin điện tử của Sở, ngành, địa phương còn ít, toàn tỉnh hiện có 17 đơn vị hành chính nhà nước có Website nhưng có đến 03 Website không còn hoạt động, số còn lại chủ yếu mới dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin; công tác đào tạo mấy năm gần đây đã được quan tâm nhưng chưa toàn diện và triệt để ở các vị trí công việc, nhất là đào tạo CNTT cho đội ngũ cán bộ là lãnh đạo, quản lý; hầu hết các đơn vị đều chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực CNTT, đã số các cán bộ phụ trách về CNTT đều kiêm nhiệm và chưa có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực CNTT); còn nhiều lúng túng trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầu tư về CNTT, nhất là ở tuyến huyện....Những hạn chế này phần lớn là do nguyên nhân chủ quan của từng đơn vị, địa phương trong nhận thức về ứng dụng CNTT, về bố trí nguồn kinh phí đầu tư, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực về CNTT.

Nhằm tăng cường hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý Nhà nước, khắc phục những hạn chế trong ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh, thiết nghĩ trong thời gian tới, từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, chú trọng đến một số vấn đề như:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong công tác Quản lý Nhà nước. Ứng dụng CNTT không chỉ đơn thuần là điện tử hóa và sử dụng thiết bị, phần mềm CNTT mà nên coi CNTT là công cụ phục vụ cho công cuộc cải cách nền hành chính, giúp cho nền hành chính nói chung, thủ tục hành chính nói riêng được thực hiện theo hướng công khai hóa, minh bạch hóa, và làm cho giao dịch giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền thuận lợi hơn; làm cho cán bộ nhà nước gần dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Thứ hai, đầu tư cho CNTT, theo Điều 62 Luật CNTT thì “đầu tư cho CNTT là đầu tư phát triển; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách cho CNTT, bảo đảm tỷ lệ tăng chi ngân sách cho CNTT hằng năm cao hơn tỷ lệ tăng chi ngân sách nhà nước. Ngân sách cho công nghệ thông tin phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả…”. Do vậy, các địa phương hàng năm nên chủ động, ưu tiên bố trí vốn cho ứng dụng và phát triển CNTT, đó là một trong những biện pháp cơ bản bảo đảm cho ứng dụng và phát triển CNTT.

Thứ ba, giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước phải có những kế hoạch cụ thể. Đầu tư cho CNTT phải đồng bộ giữa phần cứng, phần mềm và đặc biệt chú ý đến đào tạo nhân lực; trong đó đầu tư cho phần cứng phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng giải pháp phần mềm và phải có nhân lực sử dụng tương ứng. Bên cạnh đó còn phải chú ý vấn đề an toàn và an ninh thông tin trong triển khai ứng dụng CNTT.

Thứ tư, kế hoạch đầu tư phát triển ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước phải có những bước đi thích hợp, có kế hoạch theo năng lực và điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Cần có đầu tư thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng để tránh sự đầu tư lãng phí hoặc thiếu hiệu quả. Các đơn vị, địa phương nên nghiên cứu những mô hình thành công đã và đang được triển khai tại những đơn vị, địa phương khác trong cả nước để vận dụng vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình./.

Trần Thị Huệ - Sở TT&TT Gia Lai

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)