(Mic.gov.vn) - Năm 2008 qua đi, ngành Thông tin và Truyền thông cả nước đã có những thành tựu nổi bật. Góp phần vào những kết quả đạt được của cả nước, ngành TT&TT Nghệ An đã có nhiều hoạt động sôi nổi. Sau đây là một số hoạt động nổi bật của ngành TT&TT Nghệ An năm 2008
1 Thành lập sở TT&TT và hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành: Thực hiện Quyết định số 1443/QĐ.UBND ngày 24/4/2008 của UBND tỉnh về việc thành lập sở TT&TT. Ngày 19 tháng 5 năm 2008, sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An chính thức được ra mắt và đi vào hoạt động. Đây là dấu mốc quan trọng kết thúc giai đoạn mở đầu khó khăn vất vả nhưng đã khẳng định được vị thế nền tảng quan trọng của sở Bưu chính Viễn thông trước đây. Tiếp nối các chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, internet, tần số vô tuyến điện, điện tử, hạ tầng thông tin, sở TT&TT được bổ sung thêm các chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, in, phát hành, quảng cáo trên xuất bản phẩm, Từ đây, sở TT&TT trở thành một sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực: vừa kinh tế, vừa chính trị và vừa kỹ thuật công nghệ cao. Hệ thống 20 Phòng Văn hoá Thông tin của 20 huyện, thành phố, thị xã được tổ chức lại cùng với Trung tâm CNTT-TT và Nhà xuất bản Nghệ An là hai đơn vị sự nghiệp trực thuộc, đã tạo thành một hệ thống các cơ quan quản lý chuyên ngành có đủ điều kiện để triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.
2 Các tập đoàn, công ty BCVT khẳng định thương hiệu và dịch vụ tại Nghệ An: Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn không ngừng vận động phát triển vươn lên: Tháng 2/2008 Bưu điện Nghệ An và Viễn thông Nghệ An chính thức được chia tách và hoạt động độc lập; Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel đã khẳng định sự lớn mạnh không ngừng bằng việc thành lập Chi nhánh kỹ thuật tại Nghệ An và chính thức hoạt động độc lập; tháng 3/2008 Chi nhánh thông tin di động Mobiphone Nghệ An – Hà Tĩnh chính thức thành lập với trụ sở chính tại thành phố Vinh; Tháng 12/2008 Văn phòng đại diện Vinaphone tại Nghệ An đã được khai trương tại thành phố Vinh, đánh dấu bước trưởng thành mới của doanh nghiệp di động có bề dày truyền thống này; Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC đã thành lập VTC Online chi nhánh Nghệ An với nhiều dự án quy mô lớn; Trung tâm Viễn Thông điện lực Nghệ An; Công ty điện báo và truyền số liệu VDC ngày càng đầu tư phát triển mạnh mẽ trên địa bàn; Bên cạnh đó trên 200 đơn vị đăng ký hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin đã cùng với khối doanh nghiệp BCVT tạo thành một hệ thống các đơn vị kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
3 Một số chỉ tiêu quan trọng đã đạt được: Với sự lớn mạnh của cả hệ thống, năm 2008 ghi nhận những dấu mốc quan trọng về CNTT-TT: Mạng viễn thông của tỉnh có trên 1.056.000 thuê bao đạt mật độ 33,7 máy/100 dân – là chỉ tiêu đầu tiên vượt mốc Đại Hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; thuê bao internet băng rộng phát triển bằng tất cả các năm trước cộng lại đạt mật độ 9,3 thuê bao/100 dân (gấp 9 lần năn 2005); 100% các xã vùng sâu, vùng xa, vùng viễn thông công ích được sử dụng dịch vụ thoại chất lượng cao, ổn định nhờ thay thế thiết bị cũ bằng thiết bị thu vệ tinh công nghệ VSAT-IP; doanh thu toàn ngành đạt 1.100 tỷ đồng/959 tỷ đồng KH giao. Trong đó, lần đầu tiên doanh thu các đơn vị CNTT đạt trên 240 tỷ đồng; chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT index) được giữ vững trong tốp 20 tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước; Trang thông tin điện tử Nghệ An được bộ TT&TT đánh giá cao: thứ 26 về lượt truy cập, thứ 12 về cung cấp dịch vụ công cấp I, thứ 6 về cung cấp dịch vụ công cấp II. Tháng 11/2008 trang web Nghệ An đã vượt qua mốc 5 triệu lượt người truy cập;
4 Hệ thống cơ quan báo chí tại địa phương góp sức vì sự phát triển của tỉnh: Hệ thống các cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng; điều kiện hoạt động về báo chí được tăng cường với sự lớn mạnh vượt bậc: Đài Phát thanh và Truyền hình đã được trang bị hệ thống các thiết bị sản xuất chương trình hiện đại, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn khá cao; Báo Nghệ An đã đưa vào sử dụng trụ sở và các thiết bị chuyên ngành hiện đại, Báo Công an Nghệ An, Báo Lao động Nghệ An và các cơ quan báo chí, văn phòng đại diện các Báo TW tại Nghệ An không ngừng phát triển mở rộng; Báo Nghệ An, Báo Công an Nghệ An đã cho ra đời Báo điện tử với nhiều nội dung tin bài phong phú; Đài PTTH đã xây dựng kế hoạch đưa chương trình thời sự Nghệ An lên VINASAT 1, nhiều văn phòng đại diện được đầu tư xây dựng. Hoạt động tuyên truyền qua báo chí được tập trung cao: Báo chí đã bám sát các sự kiện, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội nổi bật của tỉnh như: kiềm chế lạm phát; khắc phục hậu quả lũ lụt; ô nhiễm môi trường; dịch bệnh; vận động quỹ xây dựng trường học; tham gia các hoạt động nhân đạo, tích cực tuyên truyền ủng hộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng,… và đặc biệt đã tuyên truyền thành công sự kiện 40 năm chiến thắng Truông Bồn.
5 Quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản đi vào nề nếp, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kT-XH của tỉnh: Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản được tăng cường thông qua việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Quyết định số 99/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Quyết định số 77 của Thủ tướng chính phủ về việc cử người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí; Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy chế tổ chức và hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở; Hoạt động điểm báo được duy trì thường xuyên; giao ban báo chí định kỳ với sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo tỉnh ủy và sở TT&TT với tổng biên tập, trưởng văn phòng đại diện các báo, các cơ quan chức năng đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế những thông tin thiếu chính xác, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm do báo chí phản ánh; Nghệ An là tỉnh sớm nhất trong cả nước đã triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển báo chí và Quy hoạch phát triển mạng lưới xuất bản, in phát hành giai đoạn 2009-2020; hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy định quản lý hoạt động của văn phòng đại diện và phóng viên thường trú các cơ quan báo chí; quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí trên địa bàn; sửa đổi bổ sung Điều lệ giải báo chí Nghệ An; chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền của các Báo, Đài theo định hướng tuyên truyền của tỉnh và TW, phục vụ thiết thực yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
6 Nỗ lực của các DN về đầu tư hạ tầng CNTT-TT: Hạ tầng CNTT-TT có bước phát triển mạnh mẽ: với sự tăng trưởng vượt bậc của khối lượng mạng cáp quang, thiết bị DSLAM tăng khả năng cung cấp Interrnet băng rộng tới 100% số xã; đã tạo lập vòng truyền dẫn quang đạt tốc độ 10Gbps tăng băng thông và đảm bảo an toàn trong truyền dẫn; Ngày 25/9/2008, Viettel đã chính thức ký kết với Bộ GD&ĐT cam kết thực hiện chính sách miễn phí và giảm tới 70% giá cước thuê bao đường leadlines cho các trường học trong cả nước. Theo chương trình này, đến 2010 tỉnh Nghệ An sẽ hoàn thàh việc kết nối internet băng rộng tới 1683 trường, cơ sở đào tạo. Riêng năm 2008 đã thực hiện triển khai tới 126 trường; Năm 2008 đã xây dựng mới và đưa vào sử dụng trên 300 BTS đưa tổng số trạm BTS của tất cả các mạng lên 712 trạm; đặc biệt vùng sâu, vùng xa như Na Ngoi, Nậm Càn, Tri Lễ, Thông Thụ, v.v.. đã được phủ sóng. Mạng cáp quang truyền dẫn số liệu chuyên dùng từ UBND tỉnh tới các sở ban ngành được hoàn thành
7 Hoạt động ứng dụng CNTT được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả QLNN: Năm 2008 hoạt động ứng dụng CNTT được khởi sắc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong khối các cơ quan quản lý nhà nước đã có những chuyển biến rõ nét: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (văn phòng di động: M-office) đã được ứng dụng thành công ở các sở TT&TT, sở KH&CN và đang được các sở GTVT, sở NN&PTNT, Trường Chính trị tỉnh, Trường cao đẳng y tế sử dụng thử nghiệm. Sở KH&ĐT, UBND huyện Anh Sơn, huyện Tương Dương, và một số đơn vị khác đang sử dụng phần mềm BKIS của ĐH Bách khoa Hà Nội. Thành phố Vinh đã tiếp nhận ứng dụng phần mềm quản lý một cửa liên thông theo mô hình của Quận Ngô Quyền Hải phòng bước đầu thu được kết quả tốt. Nhiều sở, ngành, địa phương đã hoàn tất việc nâng cấp mạng LAN, xây dựng các trang thông tin điện tử, báo điện tử, ứng dụng các phần mềm quản lý chuyên ngành, từng bước thực hiện cung cấp các dịch vụ công qua mạng; Năm 2008 Nghệ An là điểm chọn thực hiện nhiều cuộc giao ban trực tuyến qua mạng Interrnet tại VP UBND tỉnh, tại sở TT&TT, tại chi nhánh Viettel Nghệ An đã giúp Chính phủ kịp thời chỉ đạo các hoạt động kiềm chế lạm phát, khắc phục dịch bệnh, phòng chống lụt bão. Các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thông qua các Hội thảo giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT các doanh nghiệp đã gắn kết được với các nhà cung cấp phần mềm, giải pháp CNTT có hiệu quả;
8 Những thành công bước đầu trong thu hút đầu tư về CNTT-TT: Hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực CNTT được đẩy mạnh: sở TT&TT đã tổ chức và tham gia 4 cuộc xúc tiến đầu tư năm 2008, tiếp xúc nhiều đoàn doanh nghiệp CNTT, Hiệp hội CNTT tại Nghệ An và đã có nhiều kết quả kêu gọi đầu tư được thực hiện: VTC Online đã khởi công dự án xây dựng Công viên phần mềm VTC tại thành phố Vinh với tổng mức đầu tư 83,8 triệu USD với diện tích trên 5 ha; Viễn thông Nghệ An đã từng bước đầu tư triển khai 4 dự án đầu tư hạ tầng viễn ở Khu công nghiệp Nam Cấm, đô thị mới Thái Hòa, Khu công nghiệp Hoàng Mai; sở TT&TT đã vận động thành công Dự án “Thí điểm nâng cao năng lực sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng” với kinh phí cho Nghệ An khoảng 720.000 USD là tài trợ không hoàn lại của Quỹ Bill-Melinda Gates (BMGF); Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trong năm 2009; dự án được thực hiện sẽ góp phần giảm dần khoảng cách số giữa các vùng miền, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; Dự án Công viên Công nghệ thông tin Nghệ An đã được nghiên cứu khảo sát, xây dựng quy hoạch chi tiết trên diện tích 10ha với mục tiêu tạo hạ tầng sạch để kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực phần mềm, công nghiệp nội dung, lắp ráp thiết bị đầu cuối, đào tạo về CNTT trong và ngoài tỉnh có cơ hội thực hiện. Tháng 12/2008 đã xúc tiến thành công việc ghi nhớ của WB về dự án hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghệ An từ 2009-2015.
9 Ghi nhận bước đầu của Chính phủ về phát triển CNTT-TT tại Nghệ An: Tháng 3/2008 Chính phủ đã chọn Nghệ An là một trong 4 tỉnh làm điểm xây dựng Chính phủ điện tử với 4 dự án quan trọng: Dự án xây dựng Cổng thông tin điện tử; Dự án xây dựng hệ thống thư điện tử; Dự án xây dựng phần mềm quản lý văn bản, điều hành và dự án xây dựng hệ thống giao ban điện tử trực tuyến. Các dự án đã được phê duyệt và thực hiện trong năm 2009; Năm 2008 UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều quyết định quan trọng về CNTT như: Kế hoạch số 05/KH-UBND về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2008-2010; Kế hoạch số 284/KH-UBND về các chương trình phát triển công nghiệp CNTT Nghệ An đến năm 2010; Quyết định số 78/2008/QĐ-UBND về Quy chế vận hành website và các dịch vụ công của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị trên mạng Internet.