(Mic.gov.vn) -
Căn cứ chiến lược phát triển của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tổng thể của tỉnh Thái Bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngày 28/12/2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 3252/QĐ-UBND và Quyết định số 3253/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông và Quy hoạch phát triển, ứng dụng Công nghệ thông tin tỉnh Thái Bình đến năm 2020.
Căn cứ chiến lược phát triển của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tổng thể của tỉnh Thái Bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngày 28/12/2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 3252/QĐ-UBND và Quyết định số 3253/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông và Quy hoạch phát triển, ứng dụng Công nghệ thông tin tỉnh Thái Bình đến năm 2020.
Được sự cho phép của UBND Tỉnh Thái Bình, ngày 11/03/2008. Sở Bưu chính viễn thông tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch phát triển Bưu chính Viễn thông và Quy hoạch phát triển, ứng dụng Công nghệ thông tin tỉnh Thái Bình đến năm 2020. Đến dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Sinh – Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND Tỉnh; văn phòng Tỉnh ủy; văn phòng UBND tỉnh; đại diện các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố; các Doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin trên địa bàn.
Đ/c Lê Tiến Ninh, Phó Giám đốc Sở, thừa ủy quyền của UBND tỉnh công bố Quyết định số 3252/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính Viễn thông và Quyết định số 3253/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng Công nghệ thông tin tỉnh Thái Bình đến năm 2020. Đ/c Hoàng Minh Chính, giám đốc Sở đã trao Quy hoạch cho các Sở Ngành liên quan, UBND các huyện thành phố và các Doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn.
Hội nghị cũng được nghe Viện chiến lược Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin (Đơn vị tư vấn) trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản trong Quy hoạch Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Thái Bình đến năm 2020. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, lĩnh vực Bưu chính sẽ phát triển theo hướng hoàn thiện chất lượng dịch vụ, cải thiện mạng lưới các điểm phục vụ. Kết hợp dịch vụ công ích với dịch vụ thương mại; phát triển các dịch vụ tài chính và các dịch vụ đại lý viễn thông mới. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bưu chính bình quân hàng năm đạt 20%. Đến năm 2008, 50% các bưu cục cung cấp đầy đủ các dịch vụ về bưu chính. Năm 2010 đảm bảo 100% các bưu cục cấp 3 là các bưu cục đa dịch vụ về bưu chính; Đến năm 2013 có 100% các điểm bưu điện văn hoá xã là các điểm đa dịch vụ; Hoàn thành xây dựng trung tâm chia chọn cấp tỉnh và tin học hoá trong các bưu cục trên toàn tỉnh; Xây dựng mạng bưu cục tự động tại 60% các điểm bưu cục. Năm 2015 sẽ xây dựng mạng bưu điện văn hoá cấp thôn. Đến năm 2020, chỉ tiêu bán kính phục vụ đạt 1 km; số dân phục vụ bình quân đạt 3.000 người/điểm phục vụ; Phát triển rộng rãi hình thức điểm postshop. Riêng lĩnh vực Viễn thông sẽ xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến 2010, mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt 38%; mật độ thuê bao Internet đạt 1,34%, số người sử dụng Internet đạt 30%. Đến 2013, toàn bộ thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh là thuê bao băng rộng; 100% xã có nút mạng, tiến hành cung cấp đa dịch vụ, tốc độ cao. Đến 2015, mật độ thuê bao Internet đạt 10%, số người sử dụng Internet đạt 75%. Đến năm 2020, thuê bao viễn thông có sự hội tụ, mật độ thuê bao viễn thông đạt 82%.
Đối với lĩnh vực CNTT: Đưa Công nghệ thông tin trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội. ứng dụng Công nghệ thông tin rộng rãi trong mọi lĩnh vực, trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh điện tử vào năm 2020. Từ nay đến năm 2015 phấn đấu 100% các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện trở lên và 60% đơn vị cấp xã có mạng LAN, kết nối internet băng thông rộng. 100% các sở, ban, ngành có hệ thống dữ liệu chuyên ngành; toàn tỉnh xây dựng 25 hệ thống dữ liệu trọng điểm. 100% công chức biết sử dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ. Đào tạo khoảng 1.000 người có trình độ cao đẳng, đại học và 300 lập trình viên CNTT đạt trình độ trong nước và quốc tế. Hình thành 4- 5 doanh nghiệp chuyên sản xuất và gia công phần mềm; 4- 5 nhà máy sản xuất phần cứng về điện tử, tin học và truyền thông…
Hai Quy hoạch này được xây dựng trong môi trường phát triển chung của cả nước, nhiều nội dung Quy hoạch đã lồng ghép vào các chương trình của Quốc gia, của các Bộ, ngành để thu hút các nguồn vốn khác nhau cho tỉnh nhà. Quy hoạch là cụ thể hoá một bước việc ứng dụng CNTT, thực hiện các chỉ tiêu Kinh tế-xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra. Quy hoạch đã xác định các nội dung, giải pháp cơ bản về CNTT, nhấn mạnh đến các dự án cần đầu tư trọng điểm. Đây thực sự là cơ sở cho việc xây dựng các chính sách quản lý, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn về Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin đảm bảo đúng với định hướng phát triển của Ngành, góp phần vào sự nghiệp Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa của tỉnh Thái Bình
Phát biểu tại Hội nghị Đồng chí Phạm Văn Sinh – Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh vai trò của Sở Bưu chính Viễn thông trong việc triển khai và cụ thể hóa các mục tiêu và định hướng Quy hoạch qua các kế hoạch 5 năm và hàng năm. Sở Bưu chính Viễn thông phải là đầu mối trong việc phối kết hợp với các Sở Ban ngành, UBND các huyện, Thành phố và các Doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin trên địa bàn thực hiện các nội dung trong Quy hoạch.