(Mic.gov.vn) - Căn cứ chiến lược phát triển của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tổng thể của Tỉnh Thái Bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngày 28/12/2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 3252/QĐ-UBND và Quyết định số 3253/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông và Quy hoạch phát triển, ứng dụng Công nghệ thông tin tỉnh Thái Bình đến năm 2020.
Căn cứ chiến lược phát triển của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tổng thể của Tỉnh Thái Bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngày 28/12/2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 3252/QĐ-UBND và Quyết định số 3253/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông và Quy hoạch phát triển, ứng dụng Công nghệ thông tin tỉnh Thái Bình đến năm 2020.
Mục tiêu của Quy hoạch Bưu chính Viễn thông tỉnh Thái Bình:
Tốc độ tăng trưởng doanh thu bưu chính bình quân hàng năm đạt 20%. Đến năm 2008, 50% các bưu cục cung cấp đầy đủ các dịch vụ về bưu chính.
Năm 2010, 100% các bưu cục cấp 3 là các bưu cục đa dịch vụ về bưu chính; mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt 38%; mật độ thuê bao Internet đạt 1,34%, số người sử dụng Internet đạt 30%.
Đến năm 2013 có 100% các điểm bưu điện văn hoá xã là các điểm đa dịch vụ; Hoàn thành xây dựng trung tâm chia chọn cấp tỉnh và tin học hoá trong các bưu cục trên toàn tỉnh; Xây dựng mạng bưu cục tự động tại 60% các điểm bưu cục; Toàn bộ thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh là thuê bao băng rộng; 100% xã có nút mạng, tiến hành cung cấp đa dịch vụ, tốc độ cao.
Năm 2015 Xây dựng mạng bưu điện văn hoá cấp thôn; mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt 75%, mật độ thuê bao Internet đạt 10%, số người sử dụng Internet đạt 75%. Thực hiện quang hoá thay thế dần cáp đồng. Phấn đấu 100% xã có cáp quang đến trung tâm. Sau năm 2015 ngầm hoá 80% cáp quang trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến năm 2020, chỉ tiêu bán kính phục vụ đạt 1 km; số dân phục vụ bình quân đạt 3.000 người/điểm phục vụ; Phát triển rộng rãi hình thức điểm postshop; thuê bao viễn thông có sự hội tụ, mật độ thuê bao viễn thông đạt 82%.
Mục tiêu của Quy hoạch phát triển, ứng dụng Công nghệ thông tin tỉnh Thái Bình: Đưa Công nghệ thông tin trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội. ứng dụng Công nghệ thông tin rộng rãi trong mọi lĩnh vực, trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh điện tử vào năm 2020.
* Về Hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT:
+ Giai đoạn đến 2015:
- 100% các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp huyện trở lên và 60% đơn vị cấp xã có mạng LAN, kết nối chuyên dụng và Internet băng thông rộng và được ứng dụng đồng bộ các chương trình hỗ trợ quản lý, điều hành tác nghiệp.
- 100% các Sở ban ngành có hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và có trang thông tin điện tử; xây dựng và khai thác ứng dụng có hiệu quả trên 25 hệ thống cơ sở dữ liệu trọng điểm. 90-100% các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh tra cứu, khai thác và cập nhật được các văn bản quy phạm pháp luật, các phần mềm dùng chung và các chương trình hỗ trợ quản lý điều hành tác nghiệp.
- 100% các trường từ THCS, các cơ sở y tế huyện trở lên; 80% trường tiểu học và trạm y tế xã đều có mạng máy tính nội bộ và kết nối Internet và sử dụng CNTT hỗ trợ điều hành tác nghiệp.
+ Giai đoạn đến 2016-2020:
Hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin của tỉnh với 40 hệ thống cơ sở dữ liệu trọng điểm. Mọi người dân đều có thể truy cập Internet; giao tiếp giữa chính quyền và người dân qua các hệ thống dịch vụ công do cổng điện tử của tỉnh cung cấp.
* Về nguồn nhân lực Công nghệ thông tin và phát triển công nghiệp CNTT: Từ nay đến 2015 tỉnh Thái Bình có 100% cán bộ, công chức biết sử dụng CNTT trong tác nghiệp, 100% các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có cán bộ chuyên trách CNTT; 80% cơ quan, đơn vị có cán bộ lãnh đạo CNTT. Đào tạo và thu hút sau đại học phục vụ cho ứng dụng và phát triển CNTT. Tích cực chuẩn bị các điều kiện xúc tiến và mời gọi đầu tư phấn đấu đến năm 2020 có 4-5 nhà máy sản xuất phần cứng về điện tử, tin học và truyền thông.
Sở Bưu chính Viễn thông sẽ nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BCVT và CNTT, xác định những mục tiêu, định hướng phát triển, thúc đẩy phát triển và phổ cập dịch vụ Bưu chính viễn thông và CNTT trên địa bàn; làm cơ sở để các doanh nghiệp Viễn thông và CNTT xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn về Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin đảm bảo đúng với định hướng phát triển của Ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020.