(Mic.gov.vn) - Thừa Thiên Huế có một bước nhảy ngoạn mục từ hạng 12 năm 2005 lên vị trí thứ 4/64 tỉnh, thành phố năm 2006. Đó là chỉ số trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin năm 2006 – Vietnam ICT Index được công bố tại Hội thảo “Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt nam lần thứ XI” (tổ chức tại Ninh Thuận ngày 14/9/2007)
Thừa Thiên Huế có một bước nhảy ngoạn mục từ hạng 12 năm 2005 lên vị trí thứ 4/64 tỉnh, thành phố năm 2006. Đó là chỉ số trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin năm 2006 – Vietnam ICT Index được công bố tại Hội thảo “Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt nam lần thứ XI” (tổ chức tại Ninh Thuận ngày 14/9/2007)
Tăng bậc là xứng đáng
Ông Hồ Xuân Phán, Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông (BCVT) khẳng định: “Việc tăng vượt bậc thứ hạng về ICT trên bản đồ CNTT-TT quốc gia đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong lĩnh vực CNTT biểu hiện qua các chính sách và cơ chế đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước, đầu tư xây dựng hạ tầng mạng (LAN) ở các đơn vị và từng bước hoàn thiện mạng diện rộng (WAN) của Tỉnh…”. Qua một thời gian tích cực xây dựng và hoàn thiện, đến nay Thừa Thiên Huế đã xây dựng được cơ sở hạ tầng CNTT vững chắc phục vụ tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, hình thành hệ thống thông tin điện tử của tỉnh bao gồm Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, trang bị mạng diện rộng (WAN) kết nối UBND tỉnh với các cơ quan, đơn vị, trang bị mạng cục bộ (LAN) tại mỗi đơn vị. Theo số liệu của Sở Bưu chính, Viễn thông, 36/36 cơ quan Nhà nước đã có mạng LAN phục vụ công việc nội bộ cơ quan và đã kết nối Internet. Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và thành phố đã có trang web nhằm cung cấp thông tin của đơn vị, công khai các quy trình, thủ tục hành chính và triển khai bốn dịch vụ công phục vụ người dân.
Không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ trong các đơn vị nhà nước đã thay đổi đáng kể. Nhờ vậy CNTT ngày càng được ứng dụng nhiều hơn đem lại hiệu quả cao trong quản lý điều hành. Ngay như ở huyện miền núi Nam Đông, tất cả các cán bộ từ chủ tịch, bí thư, cán bộ cấp xã đều đã sử dụng thành thạo máy tính, sử dụng các dịch vụ trên mạng Internet, đặc biệt là thành thạo trong việc trao đổi thông tin, văn bản qua hệ thống thư điện tử… Ông Phan Ngọc Thọ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Tin học hành chính tỉnh khẳng định: “Phương châm mà chúng tôi đặt ra là: làm từ điểm đến diện, từ vận động khuyến khích đến yêu cầu bắt buộc và dần đưa tin học trở thành nhu cầu không thể thiếu của cán bộ công chức. Muốn như vậy lãnh đạo phải thật sự gương mẫu đi đầu”. Cũng theo ông Phan Ngọc Thọ, một trong những lý do góp phần nâng cao chỉ số ICT Index của Thừa Thiên Huế là do chúng ta đã vận hành tốt Cổng thông tin điện tử của tỉnh. “Đây là môi trường giao tiếp của UBND tỉnh với người dân, giúp người dân nắm bắt được những thông tin mới nhất liên quan đến công tác điều hành của tỉnh. Tương lai chúng tôi sẽ xây dựng cổng này thành cổng hành chính điện tử một cửa để mọi việc giải quyết thủ tục hành chính đều có thể online, tạo môi trường giao tiếp minh bạch với người dân.
Từ chỗ không mấy quan tâm đến ứng dụng CNTT, đến nay nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã ứng dụng hiệu quả CNTT trong sản xuất kinh doanh và quản bá sản phẩm, dịch vụ.
Về nguồn lực CNTT, Thừa Thiên Huế cũng chỉ thua hai thành phố lớn hai đầu đất nước khi có ba trường đại học, hai trường cao đẳng có đào tạo chuyên ngành CNTT, trong đó Khoa CNTT Trường Đại học Khoa học Huế là một trong năm khoa đào tạo CNTT trọng điểm của cả nước. Ngoài ra, tỉnh có gần 20 cơ sở đào tạo CNTT chính quy khác với nhiều hình thức đào tạo khác nhau, cung cấp cho tỉnh nguồn nhân lực có chất lượng.
Mừng nhưng…lo
“Không vì việc Thừa Thiên Huế tăng vượt bậc về thứ hạng mà chúng tôi thỏa mãn mà đây chính là điều làm chúng tôi lo lắng hơn, đó là làm sao để không tụt hạng chứ chưa dám nói là vượt lên” - Giám đốc Sở BCVT Hồ Xuân Phán nói.
Cũng bày tỏ sự lo lắng về việc giữ vững thứ hạng của tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết: “Đạt được vị trí cao là điều đáng mừng nhưng cũng rất lo vì nếu không tập trung mọi nguồn lực cho CNTT thì khả năng tụt hạng là điều khó tránh khỏi. Bởi chúng ta hơn các tỉnh khác là ở phương thức quản lý, cách làm sáng tạo nhưng họ hơn chúng ta về tiềm lực kinh tế. Do vậy nếu tỉnh nào học được phương thức quản lý, cách làm hay cộng với lợi thế về kinh tế thì rất dễ dàng tăng hạng”.
Ở một góc nhìn khác, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Huetronics Nguyễn Thanh Sơn thẳng thắn: “Nhìn chung các cơ quan nhà nước chưa áp dụng được nhiều. CNTT phát triển nhưng để công nghệ thay đổi cuộc sống thì chưa được. Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp còn thấp”.
Còn theo ông Lê Viết Dũng, Giám đốc Trung tâm CNTT Thừa Thiên Huế, muốn phát triển nhanh hơn nữa phải kéo được các đơn vị, dự án lớn về Huế. Với lợi thế về nguồn nhân lực, không bị chảy máu chất xám như các thành phố lớn, an ninh chính trị ổn định, môi trường trong lành, Huế đang thu hút các dự án, công ty về đầu tư. Và thực tế nhiều doanh nghiệp lớn đã quyết định về đây đầu tư như: HereUare (Mỹ), Viegrid (Hà Nội), IT Solitions (Mỹ)…
Trong định hướng sắp tới về xây dựng hạ tầng CNTT đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng trung tâm giao dịch CNTT-TT trở thành một trung tâm đủ mạnh để phục vụ các nhu cầu cung cấp dịch vụ Internet, phát triển các ứng dụng . Sở BCVT đang lập dự án khả thi “Internet cộng đồng” nhằm thực hiện tiến trình xã hội hóa tri thức CNTT, góp phần thu hẹp khoảng cách công nghệ số giữa nông thôn và thành thị. Bên cạnh đó, Sở đang huy động nguồn vốn Trung ương triển khai dự án Tỉnh điện tử, hoàn thành Dự án xây dựng website và cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho các sở, ban, ngành; kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng thành phố không dây sử dụng công nghệ Wimax làm hạ tầng truyền dẫn trên toàn thành phố Huế, kịp thời phục vụ Festival Huế 2008 và đưa TP Huế trở thành thành phố không dây đầu tiên của các nước…