Tỉnh Thanh Hoá tổ chức Hội nghị Tổng kết Chỉ thị 58- CT/TW của Bộ Chính trị; Triển khai quán triệt, thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU và công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển BCVT Và CNTT

(Mic.gov.vn) - 

Hội nghị được tổ chức vào ngày 10/5/2007. Tham dự Hội nghị có đ/c Lê Ngọc Hân – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, đ/c Lê Thế Bắc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, đ/c Hoàng Quốc Lập - Chánh Văn phòng ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT Bộ BCVT; đ/c Đỗ Thanh - Giám đốc Sở BCVT và đại diện các Sở, Ban, ngành tỉnh, huyện, thị và lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp BCVT và CNTT trên địa bàn tỉnh.


Hội nghị được tổ chức vào ngày 10/5/2007. Tham dự Hội nghị có đ/c Lê Ngọc Hân – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, đ/c Lê Thế Bắc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, đ/c Hoàng Quốc Lập - Chánh Văn phòng ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT Bộ BCVT; đ/c Đỗ Thanh - Giám đốc Sở BCVT và đại diện các Sở, Ban, ngành tỉnh, huyện, thị và lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp BCVT và CNTT trên địa bàn tỉnh.

Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW, việc ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Thanh Hoá đã có những kết quả khá toàn diện. Cụ thể đã nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH trong phần lớn các cấp uỷ đảng, chính quyền; công tác quản lý Nhà nước về BCVT&CNTT cấp tỉnh, cấp huyện bước đầu được kiện toàn. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền và một số doanh nghiệp đã tích cực, chủ động học tập kiến thức về CNTT; tổ chức ứng dụng CNTT nâng cao hiệu suất lao động, góp phần cải tiến lề lối, tác phong làm việc, thực hiện cải cách hành chính.

Hạ tầng CNTT bao gồm hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng mạng máy tính, mạng Internet và các cơ sở dữ liệu (CSDL) đã được chú trọng đầu tư. Đến tháng 12/2006 mạng điện thoại đạt tỷ lệ 12,7 máy/ 100 dân, mạng viễn thông - Internet, đường truyền băng thông rộng phát triển được trên 7.000 cổng và trải rộng khắp 27 huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống mạng LAN, mạng diện rộng (WAN), một số CSDL quan trọng phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, một số doanh nghiệp lớn đã được xây dựng, đi vào hoạt động ổn định và bước đầu làm cơ sở cho các ứng dụng Công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, toàn tỉnh đã trang bị được trên 330 máy chủ, trên 20.000 máy tính cá nhân (đạt gần 0,55 máy/100 dân), kết nối được trên 120 mạng LAN.

Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT: Cán bộ lãnh đạo, công chức, trong các cơ quan đảng, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản đã được đào tạo phổ cập về CNTT; Trường Đại Học Hồng Đức hàng năm đào tạo trên 200 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên ngành CNTT. Ngoài ra các trung tâm tin học, các trường cao đẳng dạy nghề đã tổ chức liên doanh, liên kết đào tạo nhiều lớp hệ đại học, cao đẳng... về CNTT, điện tử viễn thông; các trường THPT, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, phổ cập tin học cho cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc ứng dụng Công nghệ thông tin tại các cơ quan Đảng, Đoàn thể, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước đã được nâng lên rõ rệt. Một số Sở, Ngành đã triển khai ứng dụng phần mềm chuyên ngành để phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng dịch vụ công phục vụ người dân: Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Bưu chính Viễn thông, Kho bạc tỉnh, hệ thống các ngân hàng,..

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 58 trên địa bàn tỉnh. Nhận thức về ứng dụng và phát triển CNTT trong lãnh đạo các cấp uỷ, chính quyền còn chưa đồng đều, đầu tư chưa đúng trọng tâm, trọng điểm còn dàn trải và các phần mềm ứng dụng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng; việc ứng dụng CNTT tại nhiều sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố chưa có hiệu quả. Một số lãnh đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban ngành chưa thực sự coi CNTT là phương tiện để đi đắt đón đầu trong quá trình CNH - HĐH đất nước như Chỉ thị 58- CT/TW của Bộ Chính trị đã nêu.

Trong Quy hoạch phát triển BCVT và CNTT của tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã đề ra các mục tiêu phát triển đến năm 2010 là:

Về bưu chính: Phát triển dịch vụ và thị trường bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại; đa dạng hoá các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu sử dụng của xã hội; đạt 800 điểm phục vụ, rút ngắn bán kính phục vụ bình quân của 01 điểm phục vụ dưới 2,11 km; tốc độ tăng trưởng đối với bưu phẩm thường là 3 đến 5%; các dịch vụ mới, dịch vụ chuyển phát nhanh, tiết kiệm bưu điện tăng trưởng hàng năm trung bình từ 20 đến 30%; dịch vụ phát hành báo chí tăng 9%, phát hành báo chí đạt 18,48 triệu tờ, cuốn; hầu hết các xã có báo đọc trong ngày.

Về viễn thông: Phát triển hạ tầng mạng viễn thông và Internet theo hướng công nghệ hiện đại, hội tụ, có độ bao phủ rộng với dung lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet tại các xã, rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ giữa các vùng miền; cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông công ích; mật độ điện thoại đạt từ 22,5 đến 32 máy/100 dân; mật độ người sử dụng Internet đạt 21,73 người/100 dân trở lên; đến năm 2015 đạt 59,5 máy điện thoại/100 dân, tỉ lệ người sử dụng dịch vụ Internet đạt 50%.

Về công nghệ thông tin: Xây dựng được hạ tầng kỹ thuật thông tin có dung lượng lớn, chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu cho việc triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trên tất cả các lĩnh vực. Từng bước hình thành và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, phát triển giao dịch và thương mại điện tử; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sử dụng và phát triển CNTT-TT của tỉnh; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT tỉnh Thanh Hoá.

Thảo Nguyên

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)