Thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài phải được Bộ TT& TT cấp giấy phép

(Mic.gov.vn) - Ngày 06/06/2011, Bộ TT& TT đã ban hành thông tư 13/2011/TT-BTTTT quy định về văn phòng đại diện (VPĐD) tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài.  Theo đó, việc thành lập VPĐD tại Việt Nam của Nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành ấn phẩm nước ngoài phải được Bộ TT& TT cấp giấy phép. Thông tư ban hành được coi là những hướng dẫn cụ thể cho các Nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành ấn phẩm nước ngoài khi thành lập (đặt) VPĐD tại Việt Nam và các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động trên.

Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập VPĐD phải được lập thành 01 bộ bằng tiếng Việt và tiếng Anh (trường hợp có sự khác nhau về nội dung giữa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh thì sử dụng bản tiếng Việt), gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát đến Cục Xuất bản. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép; văn bản của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền của nước ngoài  xác nhận nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước nơi đặt trụ sở chính; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hợp đồng thuê trụ sở tại Việt Nam để làm VPĐD hoặc giấy tờ có  giá trị tương đương; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đứng đầu VPĐD.

Trong vòng 30 ngày , kể từ ngày được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép, VPĐD phải thông báo bằng văn bản cho Sở Thông tin và Truyền thông sở tại và đăng tải trên báo in hoặc báo điện tử đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (trong 03 số liên tiếp hoặc 03 ngày liên tiếp) về các thông tin: Tên, địa chỉ, số điện thoại, website (nếu có) của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài; tên, địa chỉ, số điện thoại của VPĐD và các thông tin khác (nếu có); họ và tên, quốc tịch của người đứng đầu VPĐD; số giấy phép, ngày cấp giấy phép, thời hạn của giấy phép, tên cơ quan cấp giấy phép; nội dung hoạt động của VPĐD ghi trong giấy phép; ngày, tháng, năm bắt đầu hoạt động.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định chi tiết về các nội dung cấp lại giấy phép, gia hạn giấy phép, xác nhận thông tin thay đổi vào giấy phép; nội dung hoạt động của VPĐD; chế độ báo cáo của VPĐD; chấm dứt hoạt động của VPĐD; những việc không thực hiện đối với VPĐD và người đứng đầu VPĐD; các trường hợp từ chối cấp giấy phép, bị thu hồi giấy phép; trách nhiệm của Nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và bành biểu mẫu.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2011.
 

Vũ Nhung

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)