Bưu chính



Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU)

 

I. Giới thiệu chung

1. Tên gọi   : Liên minh Bưu chính Thế giới

Tiếng Pháp : UNION POSTALE UNIVERSELLE

Tiếng Anh   : UNIVERSAL POSTAL UNION

Viết tắt       : UPU

2 .Quá trình thành lập

Ngày 15/09/1874, 22 quốc gia có chủ quyền nằm trên phần đất Châu Âu đã họp tại BERNE (Thụy Sĩ) thành lập Tổng hội Bưu chính (L"Union Générale des postes) và đã cùng nhau ký Hiệp ước Berne (Traité de Berne), Công ước Bưu chính đầu tiên trên thế giới có hiệu lực ngày 01/07/1875. Sau này, trong quá trình hình thành và phát triển Tổng hội Bưu chính đã đổi tên thành Liên minh Bưu chính Thế giới.

3. Tôn chỉ mục đích của UPU.

Tôn chỉ mục đích của Liên minh Bưu chính Thế giới là: “Tăng cường và mở rộng sự trao đổi và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc thông qua các hoạt động đắc lực của nghiệp vụ bưu chính nhằm góp phần đạt được những mục đích cao cả của sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội và kinh tế” (Hiến chương của UPU).

Phát triển việc trao đổi thông tin giữa các nước bằng các hoạt động của nghiệp vụ bưu chính.

4. Những nguyên tắc cơ bản của UPU.

1/ Thiết lập giữa các nước hội viên một lãnh thổ bưu chính chung để trao đổi bưu phẩm, bưu kiện.

2/ Bảo đảm quyền tự do chuyển qua trong phạm vi toàn lãnh thổ Liên bưu.

3/ Thống nhất giá cước bưu chính thu tại mỗi nước đối với bưu phẩm, bưu kiện gửi đi trong toàn lãnh thổ Liên bưu. Tuy nhiên nguyên tắc này không bắt buộc áp dụng một cách cứng nhắc, cơ quan Bưu chính các nước có quyền tăng hoặc giảm giá cước cơ bản.

4/ Bãi bỏ việc phân chia cước phí giữa nước gửi và nước nhận. Mỗi nước được giữ toàn bộ cước phí thu được, nhưng phải trả cho các nước trung gian chuyển tiếp một phần cước phí theo những tiêu chuẩn nhất định. Đại hội TOKYO 1969 đã chấp nhận nguyên tắc là cơ quan Bưu chính nước nhận có thể yêu cầu cơ quan Bưu chính nước gửi một khoản thù lao trả cho số bưu phẩm nhận được nhiều hơn số gửi đi.

5/ Qui định những nguyên tắc trọng tài để giải quyết những vụ tranh chấp giữa các cơ quan Bưu chính. 

6/ Thành lập cơ quan Trung ương gọi là Văn phòng Quốc tế mà kinh phí hoạt động do tất cả các nước hội viên đóng góp.

7/ Tổ chức họp Đại hội toàn quyền thường kỳ 5 năm một lần để xem xét lại và sửa đổi, bổ sung các văn kiện của Liên Bưu và để bàn bạc giải quyết những công việc chung.

8/ Bảo đảm việc tổ chức và hoàn thiện các nghiệp vụ bưu chính và tạo điều kiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này (viện trợ kỹ thuật bưu chính theo yêu cầu cầu các nước).

5. Thành viên của UPU 

- Các nước đã là thành viên từ ngày bản Hiến chương bắt đầu có hiệu lực.

- Các nước trở thành thành viên sau khi gia nhập hoặc kết nạp vào Liên Bưu.

Điều kiện là thành viên của UPU:

- Mọi thành viên của Liên hợp quốc có thể gia nhập;

- Các nước có chủ quyền nhưng không phải là thành viên của UN có thể được kết nạp.

6. Trụ sở       : Berne - Thụy Sĩ.

Địa chỉ : 3000 Berne - Thụy Sĩ

Telex : 912 761 UPU CH

Telefax : 41 31/031 350 31 10

7. Loại tổ chức:

Tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc.

Đại diện của UPU và Liên hợp quốc đã ký Hiệp định tại Pari ngày 04/07/1947, trong đó LHQ thừa nhận UPU là một tổ chức chuyên môn nằm trong hệ thống LHQ.

8. Số hội viên: Đến 8/2008 có 191 nước thành viên.

9. Ngôn ngữ: 

- Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Pháp.

- Ngôn ngữ làm việc: tiếng Pháp và tiếng Anh.

Ngoài ra các ngôn ngữ sau được chấp nhận sử dụng cho tài liệu và ấn phẩm: Tiếng Đức, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, ả-rập.

10. Người đứng đầu 

Tổng giám đốc      : Ông Edouard DAYAN

Nhiệm kỳ               : 2009 - 2012 (nhiệm kỳ lần 2)

11. Tài chính:

Ngân sách chi tiêu hàng năm cho các hoạt động của UPU do các nước hội viên đóng góp. Mức ngân sách tối đa do Đại hội toàn quyền ấn định cho từng năm giữa hai kỳ Đại hội. Trên cơ sở mức ngân sách tối đa, hàng năm Văn phòng Quốc tế trình dự toán ngân sách cho năm sau lên Hội đồng Quản trị để chuẩn y.

UPU quy định 11 thang đóng góp từ cao nhất là 50 đơn vị đến thấp nhất là 0,5 đơn vị. Mức đóng góp tương ứng của mỗi đơn vị được Hội đồng Quản trị xác định hàng năm trên cơ sở ngân sách chi tiêu cho các hoạt động của tổ chức và tổng số đơn vị đóng góp của các nước hội viên.

Ngoài ngân sách nói trên UPU còn có "Quĩ đặc biệt". Quĩ này được hình thành trên cơ sở đóng góp tự nguyện của các nước và các tổ chức quốc tế. Quĩ này được dùng để chi cho các hoạt động trợ giúp kỹ thuật của UPU dưới hình thức dịch vụ chuyên gia tư vấn học bổng đào tạo và thiết bị.

12. Cơ cấu tổ chức hoạt động.

a/ Đại hội (Congress)

- Thành phần: Gồm tất cả các quốc gia hội viên.

- Chức năng quyền hạn:

Là cơ quan tối cao của UPU, Đại hội được tổ chức 5 năm một lần nhằm xem xét và định ra đường lối, phương hướng hoạt động, quyết định vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, sửa đổi bổ sung các văn kiện pháp qui của UPU.

b/ Hội đồng quản trị (Administrative Council - viết tắt là CA)

- Thành phần: Gồm 41 thành viên đại diện cho các quốc gia hội viên được Đại hội bầu theo nguyên tắc phân vùng địa lý. Lãnh đạo CA là Chủ tịch và Phó Chủ tịch cùng do Hội đồng bầu tại phiên họp đầu tiên sau Đại hội. Chức Chủ tịch CA đương nhiên thuộc quyền của quốc gia hội viên đăng cai tổ chức Đại hội.

- Chức năng quyền hạn: Là cơ quan quyền lực thứ hai sau Đại hội, CA điều khiển công việc của Liên Bưu giữa hai kỳ Đại hội theo các điều khoản trong các văn kiện của UPU, có chức năng duy trì và giám sát các hoạt động của UPU, tập trung chủ yếu vào các vấn đề chính sách và chiến lược cũng như tài chính chung. CA họp thường niên tại trụ sở của UPU.

c/ Hội đồng khai thác bưu chính. (Postal operation Council - viết tắt là POC).

- Thành phần : Gồm 40 thành viên đại diện cho các quốc gia hội viên do Đại hội bầu theo nguyên tắc phân vùng địa lý đặc biệt. Trong đó 24 ghế dành cho các nước đang phát triển, 16 ghế cho các nước phát triển. ít nhất có một nửa thành viên được bầu mới.

- Tại phiên họp thứ nhất do Chủ tịch Đại hội triệu tập sẽ bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Chủ tịch các ban chuyên môn.

- POC chịu trách nhiệm nghiên cứu, phổ biến các vấn đề kỹ thuật, khai thác và kinh tế liên quan đến nghiệp vụ Bưu chính, đồng thời trực tiếp tổ chức áp dụng các vấn đề nghiên cứu vào khai thác. Xem xét sửa đổi các Thể lệ thi hành trong thời gian giữa hai kỳ Đại hội.

d/ Văn phòng Quốc tế  (viết tắt là IB) là cơ quan thường trực của UPU.

- Đại hội bầu Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc thứ nhất.

- IB là cơ quan Trung ương của Liên Bưu chịu trách nhiệm liên lạc, thông tin và tham khảo ý kiến của Bưu chính các nước. Ngoài ra có thêm chức năng thực hiện, hỗ trợ và tư vấn về các hoạt động của các nước.

- Văn phòng Quốc tế do Tổng giám đốc lãnh đạo dưới sự kiểm soát của CA.

13. Các văn kiện của UPU.

a/ Hiến chương là văn kiện cơ bản nhất của Liên Bưu. Hiến chương chứa đựng các quy tắc về tổ chức của UPU.

Các Nghị định thư bổ sung vào Hiến chương của UPU được thông qua tại mỗi kỳ Đại hội là nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến chương.

b/ Thể lệ chung gồm các điều khoản đảm bảo việc áp dụng Hiến chương và sự hoạt động của tổ chức.

c/ Công ước UPU, Thể lệ bưu phẩm và Thể lệ bưu kiện gồm các qui tắc chung áp dụng cho các nghiệp vụ bưu chính quốc tế và các điều khoản về nghiệp vụ bưu phẩm, bưu kiện.

Các văn kiện a, b, c, là bắt buộc với mọi thành viên.

d/ Các hiệp định của UPU và Thể lệ thi hành các Hiệp định để giải quyết các nghiệp vụ khác ngoài bưu phẩm bưu kiện (Hiệp định các dịch vụ thanh toán bưu chính). Các Hiệp định chỉ bắt buộc đối với những nước tham gia Hiệp định.

e/ Các Nghị định thư cuối cùng kèm theo các Văn kiện của UPU trong Công ước, Hiệp định và Thể lệ thi hành bao gồm những bảo lưu đối với các Văn kiện đó.

14. Ký kết, phê chuẩn các văn kiện

- Các văn kiện của UPU được đại diện toàn quyền các nước thành viên ký ngay tại đại hội.

- Các Thể lệ thi hành do Chủ tịch Hội đồng khai thác bưu chính POC ký ban hành.

- Hiến chương, Nghị định thư bổ sung đối với Hiến chương do các nước ký kết phải được phê chuẩn.

- Các văn kiện khác được thừa nhận theo qui tắc hợp hiến của mỗi nước.

- Về sửa đổi văn kiện: Các nước thành viên có quyền kiến nghị về các văn kiện. Riêng về Hiến chương và Thể lệ chung: phải được trình lên đại hội và đưa vào Nghị định thư bổ sung.

- Mỗi lần Đại hội có Nghị định thư bổ sung vào Hiến chương UPU.

II. Quá trình Việt Nam tham gia các hoạt động của UPU

1 . Từ ngày 01/07/1876:

Đã áp dụng các quy định của UPU cùng với toàn bộ lãnh thổ thuộc địa của Pháp.

2. Từ ngày 01/01/1899:

áp dụng các quy định của UPU trên toàn bộ lãnh thổ nhưng trực thuộc về mặt bưu chính với Đông dương.

3. Từ ngày 20/10/1951:

Chính thức được công nhận là quốc gia hội viên do chính quyền Sài Gòn cũ đại diện.

4. Từ ngày 15/03/1976:

Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam thừa kế quyền hội viên của chính quyền Sài Gòn cũ.

5. Từ ngày 23/8/1976 đến nay:

Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam là người đại diện cho quyền hội viên của nước Việt Nam thống nhất.

- Tại Đại hội UPU lần thứ 22 tổ chức tại Bắc Kinh (1999) Việt Nam lần đầu tiên ứng cử và trúng cử vào Hội đồng quản trị - Cơ quan quản lý cao nhất của UPU.

Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan đại diện cho Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực các hoạt động của UPU. Liên tục từ năm 1984 đến nay, Tổng cục Bưu điện trước đây được sự uỷ quyền của Nhà nước và Chính phủ lần lượt tham dự và ký kết các Văn kiện Đại hội UPU lần thứ 19 (1984), 20 (1989), 21 (1994), 22 (1999). Việc Việt Nam lần đầu tiên ra ứng cử và đã trúng cử vào Hội đồng quản trị của UPU là một thắng lợi lớn thể hiện sự phát triển của Bưu chính Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện vị thế và vai trò của Bưu điện Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với sự phát triển chung của bưu chính thế giới, Bưu chính Việt Nam ngày càng hội nhập và phát triển cùng với Bưu chính các nước trong việc mở rộng cung cấp dịch vụ bưu chính. Điều này thể hiện rõ trong sự hợp tác của Bưu chính Việt Nam trong các Hiệp hội của Liên Bưu:

- Năm 1998, Tổng công ty BCVT Việt Nam được sự uỷ quyền của Tổng cục Bưu điện đã tham gia và trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Telematic;

- Năm 2001 Tổng công ty BCVT Việt Nam được sự uỷ quyền của TCBĐđã gia nhập là thành viên của Hiệp hội EMS.

Việc tham gia các Hiệp hội khai thác cung cấp dịch vụ bưu chính đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Bưu chính Việt Nam hội nhập với thế giới, không ngừng nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển dịch vụ và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao rõ rệt.

Trong quá trình tham gia các hoạt động của UPU, Bưu chính Việt Nam cũng được sự hỗ trợ của UPU về quản lý, khai thác, nghiệp vụ trong khuôn khổ các chương trình hợp tác kỹ thuật thông qua các dự án đào tạo, tư vấn kỹ thuật, phát triển dịch vụ mới. Đó là những dự án VIE 87/028 với nội dung “Nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính Việt Nam”; dự án VIE 90/018 với nội dung “Đánh giá tổng thể Bưu chính Việt Nam”; các dự án hợp tác nhiều năm (Multi-year Intergrated Project - gọi tắt là MIP) CT/VIE/94/80/001/PIP/JAP,  CT/VIE/98/ 001 /PIP (cho giai đoạn 1996-2000); dự án giúp đỡ xây dựng hệ thống POST*Net. Ngoài ra UPU cử nhiều lượt chuyên gia vào tư vấn về pháp lý, nghiệp vụ cũng như cung cấp nhiều học bổng cho các cán bộ bưu chính Việt Nam tham dự các Hội thảo, các khóa đào tạo ở nước ngoài. Trong giai đoạn 2000-2004 dự án MIP dành cho Việt Nam về đổi mới Bưu chính đang được triển khai triển khai.


Liên minh Bưu chính Châu Á Thái Bình Dương (APPU)

 

I. Giới thiệu chung

1. Tên gọi:  Liên minh Bưu chính Châu á Thái Bình Dương

Tiếng Anh:   ASIA-PACIFIC POSTAL UNION

Viết tắt:        APPU

Dưới đây gọi tắt là Liên minh

2. Mục đích của APPU

Mục đích của Liên minh là "mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi và cải thiện các mối quan hệ bưu chính giữa các nước thành viên cũng như thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ bưu chính" (Hiến chương APPU).

3. Những nguyên tắc cơ bản của APPU

- Thiết lập giữa các nước thành viên một lãnh thổ Bưu chính chung để trao đổi bưu phẩm, bưu kiện.

- Đảm bảo quyền tự do chuyển qua trong phạm vi toàn lãnh thổ Liên minh.

- Trao đổi các quan chức bưu chính.

- Quy định những nguyên tắt trọng tài để giải quyết những vụ tranh chấp giữa các cơ quan Bưu chính.

- Thành lập cơ quan của APPU gọi là Văn phòng Trung ương, mà kinh phí hoạt động do tất cả các nước thành viên đóng góp.

- Tổ chức họp Đại hội toàn quyền thừơng kỳ 5 năm một lần để xem xét lại các văn kiện của Liên minh và để bàn bạc giải quyết những công việc chung.

- Đảm bảo việc tổ chức và hoàn thiện các nghiệp vụ bưu chính và tạo điều kiện hợp tác giữa các nước trong khu vực trong lĩnh vực này.

4. Thành viên của APPU

Điều kiện là thành viên của APPU: Các nước có chủ quyền nằm trong khu vực Châu á Thái Bình Dương là thành viên của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và đồng ý gia nhập Liên minh. Số nước thành viên là 29.

5. Trụ sở:  Văn phòng của APPU có trụ sở tại Bangkok, Thái lan.

6. Loại tổ chức: Tổ chức chuyên môn hoạt động trong khuôn khổ của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU).

7. Ngôn ngữ:

 Ngôn ngữ chính thức của Liên minh là tiếng Anh

8. Người đứng đầu:      

Chức vụ cao nhất của APPU là Giám đốc Văn phòng do Hội đồng Chấp hành (EC) bầu có nhiệm kỳ 5 năm. Ông Gordon Maher, quốc tịch Australia hiện là Giám đốc Văn phòng APPU  nhiệm kỳ từ 2002 - 2007.

9. Tài chính:

Ngân sách chi tiêu hàng năm cho các hoạt động của APPU do các nước thành viên đóng góp. Mức ngân sách tối đa do Đại hội toàn quyền ấn định cho từng năm giữa hai kỳ Đại hội trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Văn phòng. Mức đóng góp của mỗi nước thành viên được xác định trên cơ sở tương đương với mức đóng góp của nước đó đối với Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và được ấn định trong Thể lệ chung của APPU.

10. Cơ cấu tổ chức hoạt động:

a. Đại hội (Congress)

- Thành phần: Gồm tất cả các quốc gia hội viên.

- Chức năng quyền hạn: Là cơ quan tối cao của APPU. Đại hội được tổ chức muộn nhất là hai năm sau mỗi kỳ Đại hội UPU để xem xét và định ra đường lối, phương hướng hoạt động, quyết định những vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, sửa đổi bổ sung những Văn kiện của Liên minh, các vấn đề bưu chính liên quan tới lợi ích chung của các nước thành viên.

b. Hội đồng chấp hành (Executive Council viết tắt là EC)

- Thành phần: Gồm tất cả đại diện các nước thành viên của Liên minh. Chức Chủ tịch EC thường thuộc quyền của quốc gia hội viên đăng cai tổ chức Đại hội.

- Chức năng quyền hạn: là cơ quan quyền lực thứ hai sau đại hội, EC điều khiển công việc của Liên minh giữa hai lỳ Đại hội theo các điều khoản trong các văn kiện của APPU, có chức năng duy trì, giám sát các hoạt động của APPU. EC họp thường niên tại các nước xin đăng cai Hội nghị.

c. Văn phòng (Office): là cơ quan thường trực của Liên minh.

Đại hội lựa chọn Giám đốc và trợ lý Giám đốc Văn phòng.

Office là cơ quuan Trung ương của Liên minh chịu trách nhiệm liên lạc, thông tin và tham khảo ý kiến của Bưu chính các nước.

11. Các Văn kiện của APPU

1.       Hiến chương là Văn kiện cơ bản nhất chứa đựng các quy tắt về tổ chức của APPU.

2.       Thể lệ chung gồm các điều khoản đảm bảo việc áp dụng Hiến chương, sự hoạt động của Liên minh và liên quan tới nghiệp vụ bưu chính quốc tế giữa các nước thành viên.

3.       Các nghị định thư bổ sung đối với Hiến chương và Thể lệ chung.

4.       Nghị định thư cuối cùng kèm theo Thể lệ chung bao gồm các bảo lưu đối với Thể lệ chung đó.

Các văn kiện trên là bắt buộc đối với mọi thành viên.

12. Ký, thừa nhận các Văn kiện

- Các Văn kiện của APPU được đại diện toàn quyền các nước thành viên ký ngay tại Đại hội.

- Hiến chương, các nghị định thư bổ sung của Hiến chương và các Văn kiện khác được đại diện các nước thành viên ký phải được thừa nhận theo quy tắc hợp hiến của nước mình mà phê chuẩn, thừa nhận hoặc phê duyệt một cách sớm nhất.

- Về sửa đổi văn kiện: Các nước thành viên có quyền kiến nghị về các văn kiện của Liên minh và phải được trình lên Đại hội thông qua.

- Những sửa đổi, bổ sung đối với bản Hiến chương được Đại hội thông qua sẽ là nội dung của một bản Nghị định thư bổ sung. Nghị định thư bổ sung phải được thừa nhận như thừa nhận Hiến chương.

II. Việt Nam tham gia tổ chức APPU

1.       Ngày 09 tháng 10 năm 1986 Bộ Ngoại giao Nước CHXHCN Việt Nam có công hàm số 123/HC-LPQT gửi Bộ Ngoại giao Cộng hoà Philippines chính thức tuyên bố gia nhập các Văn kiện APPU.

2.       Ngày 15 tháng 7 năm 1987 Đại sứ  Cộng hoà Philippines tại Hà nội có công hàm chính thức thông báo rằng ngày 28 tháng Giêng năm 1987Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi thông báo việc Việt Nam gia nhập Liên minh tới các nước thành viên khác. Việt Nam chính thức là thành viên của APPU kể từ ngày 28 tháng Giêng năm 1987 theo khoản 3, điều 6 của Hiến chương APPU.

3.       Việt Nam đã áp dụng các quy định của APPU từ năm 1987.

4.       Việt Nam đã cử các đoàn đại biểu của mình tham gia Đại hội APPU lần thứ 7 tại Singapore năm 1995, lần thứ 8 tại Tehran và các Hội nghị Hội đồng chấp hành Liên minh hàng năm từ 1988 đến nay.

5.       Năm 1997, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng chấp hành APPU và Hội đồng Quản trị APPTC tại TP Hồ Chí Minh.

 III. Những lợi ích và thành tựu của Việt Nam kể từ khi gia nhập APPU

Cùng với sự gia nhập APPU, Bưu chính Việt Nam có cơ hội hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn nữa với Bưu chính các nước trong khu vực. Đồng thời việc tham gia tổ chức này nhằm mục đích tăng cường hoạt động quản lý và khai thác nghiệp vụ thông qua việc thực hiện các quy định của Thể lệ Bưu phẩm, Bưu kiện và áp dụng hiệu quả trong khu vực nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện trong khu vực cũng như nhằm đào tạo nguồn nhân lực về bưu chính. Trong thời gian qua, một số thành tựu lớn mà Việt Nam đã đạt được trong khuôn khổ hợp tác này bao gồm:

1. Tăng cường hợp tác về đào tạo Bưu chính, nâng cao nghiệp vụ, tiếp cận với công nghệ mới góp phần củng cố và phát triển nguồn nhân lực: Hàng năm một số lượng lớn các cán bộ Bưu chính của Việt Nam được cử sang đào tạo tại Trung tâm đào tạo Bưu chính Châu á Thái Bình Dương (APPTC) là một Trung tâm đào tạo của khu vực trực thuộc APPU.

2. Tăng cường và tranh thủ được trợ giúp kỹ thuật phục vụ cho công cuộc phát triển: Với tư cách là một nước thành viên chính thức của APPU và cũng là một nước đang phát triển, Việt Nam đã tranh thủ được một số chương trình hợp tác trợ giúp kỹ thuật của APPU thông qua các hình thức như tư vấn về kỹ thuật, phát triển các dịch vụ mới, nâng cao chất lượng dịch vụ....

3.  Tăng cường hợp tác trong khu vực thông qua các chương trình tham quan học tập kinh nghiệm và trao đổi quan chức bưu chính với một số nước trong khu vực; tham gia vào Hiệp hội Bưu chính Khu vực (APP); tham gia các cuộc họp trong khu vực nhằm thông qua đó trao đổi kinh nghiệm với các nước cũng như trao đổi,  thảo luận các chương trình hợp tác trong khu vực nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng mạng bưu chính quốc tế.

4. Thúc đẩy các hoạt động song phương với các nuớc ASEAN và các nước khác trong khu vực.

IV. Các hoạt động đào tạo tại Trung tâm Đào tạo Châu á TBD (APPC) của Việt Nam. 

Hai năm một lần, Bộ Bưu chính Viễn thông phối hợp với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo về bưu chính tại APPC trong 2 năm. Các chương trình giảng dạy của APPC gồm các khoá đào tạo ngay tại Trung tâm tại Bangkok, Thái lan (in campus course) dưới dạng học bổng và tự chi và chương trình đào tạo mở rộng (Extended Training Program) giảng dạy ở các nước có yêu cầu dưới dạng tự chi toàn bộ hoặc nhận được hỗ trợ từ một nước thứ ba.

Mỗi năm Việt Nam có từ 7-10 người (thuộcBộ BCVT và TCty) đi đào tạo tại APPTC, trong đó có từ 3-5 học bổng của Trung tâm . Các khoá học ta tham gia tập trung vào các nội dung, chất lượng dịch vụ, dịch vụ mới, quản lý bưu chính...

Năm 2003 trên cơ sở đăng ký của Tổng công ty BCVT VN APPTC sẽ tổ chức 3 khóa đào tạo mở rộng tại Việt Nam với mội dung Hiện đại hóa và lập kế hoạch bưu chính, quản lký nguồn nhân lực và Quản lý bưu chính như một ngành kinh doanh. Các hoạt động này là một nội dung trong dự án MIP về đổi mới bưu chính của UPU dành cho Việt Nam năm 2003.

Năm 2004, ngoài 2 khóa đào tạo mở rộng tại Việt Nam mà Tổng công ty đã đăng ký, Tổng công ty dự kiến bổ sung thêm một số khóa học tại Miền Trung và Miền Nam (Theo kinh phí của Tổng công ty) để chuẩn bị cho việc tách bưu chính.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)