ảnh minh họa
Khi đã mắc bệnh, việc bỏ thuốc chỉ hỗ trợ cho quá trình điều trị, chứ không thể ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ bệnh tật.
Chia sẻ của các bác sĩ tại bệnh viện K Hà Nội cho biết, tất cả các bệnh nhân khi được chấn đoán mắc các bệnh về phổi đều ngay lập tức bỏ thuốc lá, với mong muốn sức khỏe được cải thiện. Song các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc bỏ thuốc lúc này chỉ hỗ trợ cho quá trình điều trị, chứ không thể ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ bệnh tật. Điều đó có nghĩa là khi mang bệnh rồi mới bỏ thuốc lá đã là quá muộn.
Tại khoa ngoại lồng ngực, Bệnh viện K Hà Nội, câu hỏi phổ biến nhất dành cho các bệnh nhân đến khám các bệnh về phổi là bệnh nhân có hút thuốc hay không. Phần lớn câu trả lời là "có".
Cũng có những bệnh nhân đã bỏ được thuốc, song bệnh tật không bỏ qua họ. Không chỉ có những người vừa bỏ thuốc, tại đây có cả những bệnh nhân đã đoạn tuyệt với thuốc lá được hàng chục năm nhưng vẫn mắc bệnh. Theo nhiều nghiên cứu, chỉ một số hoạt chất độc hại của khói thuốc lá tác động trực tiếp trên niêm mạc, còn phần lớn còn lại được hấp thu vào máu hay hòa tan vào nước bọt rồi được nuốt vào - tức là không thể đào thải ra khỏi cơ thể.
Tại Bệnh viện K, có tới 90% bệnh nhân mắc các bệnh về phổi có liên quan đến thuốc lá. Chính vì thế, trong bảng 10 điều khuyến cáo đối với bệnh nhân ung thư được treo tại đây, khuyến cáo đầu tiên là bỏ thuốc lá. Song để đến lúc phải bước chân vào đây rồi mới thực hiện lời khuyên này, thì sự sống của những bệnh nhân ấy cũng đã mong manh như làn khói thuốc.