Chủ tịch huyện Cần Giờ và quận Tân Bình trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối ngày 15/9.
Mở đầu chương trình, người dân đặt câu hỏi thời gian tới, huyện Cần Giờ được mở lại những loại hình dịch vụ nào?
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng thông tin sau ngày 15-9, huyện Cần Giờ sẽ thực hiện thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội theo tiêu chí "khoá chặt bên ngoài, từng bước nới lỏng bên trong" tới ngày 30-9. Trên cơ sở đó, huyện Cần Giờ cho phép mở lại các hàng quán dịch vụ ăn uống nhưng không ăn tại chỗ mà chỉ mang về; người dân đi chợ 1 tuần/lần. Bên cạnh đó sẽ cho ngư dân triển khai đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản trở lại. Về xây dựng, địa phương sẽ thực hiện rà soát những công trình cấp bách, trọng điểm, kể cả nhà ở xây dựng riêng lẻ để kiến nghị TP cho phép xây dựng lại.
Liên quan việc người dân có được đi lại khi cửa hàng ăn uống được mở, ông Hồng cho biết huyện Cần Giờ sẽ thực hiện "mỗi người dân là 1 shipper", người đã tiêm 2 mũi, sau 14 ngày sẽ được đi lại theo phương án phòng, chống dịch của địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ và Chủ tịch UBND quận Tân Bình (TP HCM) trên sóng livestream tối 15-9.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp các sở, ngành TP để kết nối, mở các tuyến du lịch khép kín, trên tinh thần an toàn tới đâu mở tới đó, tạo điều kiện cho nguời dân TP đi du lịch Cần Giờ. Ông Hồng cho biết một trong những điều kiện để mở lại du lịch ở huyện Cần Giờ do các địa điểm du lịch ở cách xa khu dân cư; địa phương gần như đã phủ 100% vắc-xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn và mũi 2 là trên 37%.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ thông tin thêm, trong thời gian thí điểm, địa phương sẽ tổ chức cho người dân đi theo tour, thực hiện 5K và 2 mũi vắc-xin, gần như là "thẻ xanh". Kết thúc thí điểm, huyện Cần Giờ sẽ nới lỏng du lịch hơn.
Trả lời câu hỏi về phạm vi hoạt động của các shipper, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết tại quận 7, huyện Cần Giờ và Củ Chi, shipper sẽ được chạy liên quận, huyện; còn nhân viên giao nhận hàng của các doanh nghiệp chỉ được giao nhận trong các quận, huyện đó.
Cũng trong chương trình, người dân quận Tân Bình đặt câu hỏi sau ngày 15-9, người dân ở "vùng xanh" tại TP HCM có được về quê (cũng là "vùng xanh") không?
Chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Bá Thành cho biết địa phương sẵn sàng hỗ trợ người dân về quê, đúng với chính sách của TP như tiêm vắc-xin, test nhanh hoặc làm PCR để người dân có giấy đi đường. Tuy nhiên, ông Thành nhấn mạnh "người đi phải có người nhận", phải có tổ chức thực hiện đưa người dân về thì địa phương mới hỗ trợ.
Ông Thành cũng cho biết, quận Tân Bình có những bước chuyển biến tốt trong phòng chống dịch. Quận có 1.503 tổ dân phố thì có 178 tổ đỏ, 124 tổ cam, 294 tổ vàng, 907 xanh. Vùng xanh đang tăng lên mỗi ngày và vùng đỏ dần được thu hẹp.
Đối với câu hỏi “Cửa hàng cà phê có được mở ở quận Tân Bình hay không, hớt tóc gội đầu thì sao?”. Giải đáp vấn đề này, Chủ tịch quận Tân Bình cho biết, các cửa hàng cà phê đáp ứng các tiêu chí của văn bản 2998 như kể trên thì có thể hoạt động từ 6h tới 18h hàng ngày. Hoạt động hớt tóc cũng là nhu cầu cần thiết của người dân, tuy nhiên TP. Hồ Chí Minh vẫn đang trong giai đoạn kiểm soát dịch, giãn cách theo Chỉ thị 16 tới ngày 30/9, nên các loại hình này thành phố, chưa cho hoạt động trở lại.
Chủ tịch UBND quận Tân Bình nhấn mạnh TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách tới 30/9 nên vẫn áp dụng “ai ở đâu ở đó”. Vì vậy, đề nghị bà con tiếp tục cố gắng thêm một thời gian ngắn nữa, để cùng thành phố chung tay chống dịch.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), thông tin cách để lao động ngoại tỉnh đang trú tại TP HCM được về quê là lập danh sách gửi lên hội đồng hương hoặc MTTQ tỉnh. Sau đó, các đơn vị này sẽ thay mặt người dân đề nghị lên UBND tỉnh để tỉnh liên hệ với TP HCM, phối hợp đưa đón người dân. Nếu không, người dân sẽ không thể tự đi được.