Lê Mỹ Quỳnh gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021
Tốt nghiệp lớp 12, Quỳnh cảm thấy bản thân hợp với ngành kỹ thuật cộng với sự định hướng của gia đình nên Quỳnh đã chọn ngành An toàn thông tin Học viện Kỹ thuật Mật mã.
Hoàn thành chương trình 5 năm học với điểm GPA 3.5/4.0, Quỳnh được vinh danh là thủ khoa Học viện Kỹ thuật Mật mã vào giữa tháng 11/2021. Để đạt được thành tích đáng nể ấy, cô bạn có bí quyết học tập riêng. Mỹ Quỳnh không ghi chép quá nhiều trong các giờ học trực tiếp trên lớp mà tập trung nghe giảng nhiều hơn, thực hành tư duy phản biện, tích cực đặt câu hỏi cho giảng viên. Việc ghi chép Quỳnh chỉ áp dụng với những nội dung quan trọng không có trong giáo trình. Với cách học như vậy, Quỳnh không mất quá nhiều thời gian ôn tập trước mỗi kỳ thi và luôn trong tâm thế thoải mái, tự tin, bình tĩnh với những kiến thức đã tranh luận, phản biện trong mỗi giờ học trước đó. Nhờ vậy, Mỹ Quỳnh luôn là gương mặt sinh viên tiêu biểu giành học bổng trong suốt 5 năm đại học.
Con đường trở thành nữ thợ săn tiền thưởng đến với Quỳnh đến từ năm 2 đại học, khi Mỹ Quỳnh bắt đầu mày mò và tìm ra lỗ hổng bảo mật đầu tiên vào cuối năm học này. Đến năm 3, Quỳnh tiếp tục tìm ra 4 lỗ hổng đều xuất hiện trên máy chủ WebLogic của Oracle - tập đoàn công nghệ Mỹ có các sản phẩm đang được sử dụng bởi hàng chục nghìn công ty trên khắp thế giới.
Tính tới thời điểm hiện tại, Quỳnh phát hiện được 9 lỗ hổng bảo mật, trong đó có 6 lỗ hổng được đánh giá ở mức nghiêm trọng. Với những phát hiện và nghiên cứu của mình, cô gái trẻ đã nhiều lần được Oracle vinh danh và mạnh dạn trình bày tham luận, kết quả nghiên cứu của mình tại các hội thảo chuyên môn về an toàn thông tin khi còn chưa tốt nghiệp đại học.
Hiện tại, Lê Mỹ Quỳnh nhận được nhiều lời mời làm việc của nhiều công ty, tập đoàn quốc tế.
Trong một chia sẻ, Mỹ Quỳnh cho biết: “May mắn là em đã theo học đúng ngôi trường mà mình yêu thích”. Ngôi trường mà gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu 2021 nhắc đến chính là Học viện Kỹ thuật mật mã.
Học viện Kỹ thuật mật mã là đơn vị đầu tiên trong cả nước đã triển khai đào tạo chuyên ngành an toàn thông tin thuộc ngành công nghệ thông tin (bắt đầu từ năm 2004), nay là ngành an toàn thông tin. Đến nay, Học viện đã trải qua 18 năm kinh nghiệm đào tạo ngành này. Lực lượng cán bộ giảng viên tham gia giảng dạy ngành an toàn thông tin ngày càng phát triển với khoảng hơn 100 giảng viên, hầu hết đều có học hàm, học vị đáp ứng yêu cầu đào tạo đại học và sau đại học.
Không chỉ Mỹ Quỳnh, Học viện Kỹ thuật mật mã còn là chiếc nôi đào tạo nhiều chuyên gia an toàn thông tin tài năng, có thể kể đến: Nguyễn Tuấn Anh, hacker mũ trắng số một thế giới theo đánh giá của nền tảng Bugcrowd (tìm ra 55 lỗ hổng bảo mật trên sản phẩm E-Business Suite của Oracle, phát hiện hơn 200 lỗ hổng và báo cáo tới các chương trình bug bounty tính đến hết năm 2021); Đặng Thế Tuyến top 100 cao thủ bảo mật thế giới do Microsoft công bố năm 2021… cùng nhiều sinh viên sau khi ra trường hiện đang công tác tại các vị trí quan trọng trong các tổ chức, tập đoàn lớn.