Nhộn nhịp làng chài
Những ngày này, tại cảng cá Trường Xuân, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phổ Châu thay nhau cập bến. Trên những khoang tàu, đầy ắp cá tươi. Trên bờ, các thương lái và xe đông lạnh đã chờ sẵn. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập và không có sự mặc cả, vì giá đã “chốt” trước đó.
Niềm vui được mùa cá ngừ đại dương của ngư dân Phổ Châu (Đức Phổ)
“Những năm qua, nhờ đóng mới tàu công suất lớn cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên ngư dân Phổ Châu đã đánh bắt ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vì không có cảng biển nên hầu hết tàu thuyền nơi đây đều neo đậu ở bến Tam Quan (Bình Định) để thuận tiện cho việc đánh bắt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Phổ Châu khó phát triển hậu cần nghề cá và giải quyết lao động cho người dân trong xã”. Chủ tịch UBND xã Phổ Châu HUỲNH VĂN QUANG |
Theo ngư dân Phổ Châu, thời tiết năm nay bất lợi. Tàu ra khơi liên tục gặp gió, nên mất nhiều thời gian để tránh trú ở các đảo. Tuy nhiên, nhiều tàu gặp luồng cá, nên hiệu quả đánh bắt cao. Trung bình mỗi chuyến ra khơi, mỗi tàu đánh bắt từ 1 - 2 tấn cá ngừ đại dương. Với giá bán ổn định từ 110.000 – 120.000 đồng/kg đối với cá loại 1, các chủ tàu đã thu về tiền tỷ mỗi chuyến.
Giữ nghề truyền thống
Không như những vùng biển khác trong tỉnh, người dân ở làng chài Phổ Châu từ lâu đã gắn bó với nghề câu cá ngừ đại dương và xem nó như một nghề truyền thống của địa phương.
Ngư dân Mai Xuân Thủy – người được mệnh danh là “vua tàu xứ Quảng" cho biết: “Nghề câu cá ngừ đại dương đã gắn bó với ngư dân Phổ Châu từ bao đời, nên họ hiểu rất rõ về cách đánh bắt loại cá này. Bên cạnh đó, thời gian qua họ được tập huấn các kiến thức về câu cá ngừ đại dương để xuất khẩu sang Nhật Bản, vì thế năng lực đánh bắt của các chủ tàu đã ngày một hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao hơn”.
Thông thường từ ngày 10 – 13 âm lịch hằng tháng, các tàu câu cá ngừ đại dương sẽ cập cảng để bán cá và nghỉ ngơi những ngày trăng lên. Sau đó, khoảng ngày 17 âm lịch lại rời bến ra khơi để tiếp tục chuyến biển mới. Riêng tháng Chạp, các chủ tàu sẽ cho tàu ra khơi chậm hơn vài ngày.
“Phần lớn các nghề đánh bắt khác sẽ ra khơi sớm và vào bờ để đón Tết. Còn nghề câu cá ngừ đại dương như chúng tôi thường cho anh em ăn Tết sớm và ngày 20 âm lịch sẽ rời cảng để tiếp tục phiên biển xuyên Tết. Bởi Tết là thời điểm có nhiều cá, nên mình phải tranh thủ. Tuy ăn Tết trên biển không đầy đủ và sum vầy như trên đất liền, nhưng anh em lao động đã quen nên ai cũng vui vẻ”, anh Nguyễn Văn Tình cho biết.