(Mic.gov.vn) -
UBND phường Thới Bình là 1 trong 13 phường của UBND quận Ninh Kiều áp dụng ISO trong quản lý hành chính nhà nước. Trong ảnh: Cán bộ, công chức Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường Thới Bình đang giải quyết hồ sơ hành chính cho công nhân.
Sau thời gian thực hiện Đề án 04/ĐA-UBND về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 của các cơ quan hành chính, TP Cần Thơ đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Các thủ tục hành chính đều có quy trình xử lý công việc công khai, minh bạch; quy định cụ thể các loại giấy tờ cần có trong hồ sơ; quy định thời gian xử lý và trả kết quả, giảm thiểu sự nhũng nhiễu, gây phiền hà, từng bước tạo được sự hài lòng trong dân...
Thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính, TP Cần Thơ đã xây dựng và triển khai Đề án 04/ĐA-UBND ngày 17-8-2007 áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 (nay áp dụng theo phiên bản mới là TCVN ISO 9001:2008) vào hoạt động của các cơ quan hành chính thuộc thành phố (gọi tắt là Đề án 04/ĐA-UBND). Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án 04/ĐA-UBND, toàn thành phố đã có 50 đơn vị thực hiện xây dựng và áp dụng HTQLCL phù hợp tiêu chuẩn ISO. Đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố và UBND cấp huyện, 32 đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn ISO (gồm 23 cơ quan chuyên môn, 9 UBND quận, huyện. Trong đó, có 18 đơn vị được chứng nhận theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và 14 đơn vị áp dụng theo TCVN ISO 9001:2000)... Riêng UBND cấp phường là đối tượng khuyến khích áp dụng ISO theo Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg, UBND TP Cần Thơ đã được chỉ đạo cho triển khai xây dựng và áp dụng. Đến nay, có 13 phường thuộc UBND quận Ninh Kiều đã được cấp Giấy chứng nhận theo phiên bản ISO 9001:2000.
Với nhiệm vụ là đơn vị thường trực của Ban Quản lý Đề án, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 3 lớp tập huấn (giới thiệu, triển khai mô hình khung được công bố tại Quyết định số 2968/QĐ-BKHCN ngày 29-12-2010; lớp đại diện lãnh đạo về chất lượng (QMR); lớp Thư ký ISO); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị hành chính thực hiện các thủ tục liên quan đến triển khai áp dụng ISO; chủ trì tổ chức 2 đợt kiểm tra, khảo sát thực tế về tình hình áp dụng ISO tại các cơ quan hành chính với sự phối hợp của Sở Nội vụ và Sở Tài chính thành phố, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị đang gặp khó khăn trong quá trình vận hành, duy trì hệ thống ISO. Qua khảo sát, những vướng mắc thực tại của đơn vị, đặc biệt về thủ tục thanh toán kinh phí trong quá trình thực hiện cũng được giải đáp và hướng dẫn giải quyết cụ thể.
Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, qua quá trình triển khai, thực hiện ISO tại các cơ quan, đơn vị hành chính thuộc TP Cần Thơ, đến nay, công tác triển khai áp dụng ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn đã tương đối hoàn tất và mang lại hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân, đảm bảo chính xác, nhanh chóng và đúng pháp luật. Qua đó, từng bước tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân. Một số đơn vị đã tích cực, nhanh chóng trong việc triển khai mở rộng hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình khung, có kế hoạch cụ thể, rõ ràng trong quá trình triển khai thực hiện như: Văn phòng UBND thành phố, UBND quận Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, UBND huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông...
Mặc dù, các đơn vị đã cố gắng trong việc triển khai thực hiện Đề án ISO theo Quyết định số 1090/QĐ-UBND, nhưng do một số nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, dẫn đến kế hoạch đề ra vẫn chưa được đảm bảo đúng tiến độ. 13 đơn vị có Giấy chứng nhận đã hết giá trị cần được đánh giá chứng nhận lại (gồm: Văn phòng UBND thành phố, UBND quận Ninh Kiều, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Trường Chính trị, Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp, UBND phường Thới Bình và 12 phường thuộc UBND quận Ninh Kiều). Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 3 đơn vị thực hiện kịp tiến độ là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Y tế. Ngoài ra, trong năm 2011, thành phố có 20 đơn vị thực hiện mở rộng phạm vi áp dụng ISO theo kế hoạch, nhưng đến nay, chỉ có 10 đơn vị thuê tư vấn thực hiện; trong đó có 4 đơn vị tiến hành đánh giá mở rộng.
Ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, một số đơn vị thay đổi rất nhiều về nhân sự, có thay đổi bổ sung về chức năng nhiệm vụ cũng như cơ cấu tổ chức, dẫn đến việc phải điều chỉnh các quy trình thủ tục đã xây dựng và áp dụng ISO, làm ảnh hưởng nhiều đến việc vận hành của hệ thống. Sự thay đổi, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật và các thủ tục hành chính theo Đề án 30 cũng là một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến quá trình áp dụng ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Về kinh phí, một số điểm quy định tại Thông tư số 159/2010/TT-BCT ngày 15-10-2010 của Bộ Tài chính chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình áp dụng. Cụ thể, thủ tục, chứng từ thanh toán trong trường hợp cơ quan hành chính tự xây dựng HTQLCL không thuê tư vấn như quy định tại Điều 4, mục 3 của Thông tư, dẫn đến sự e ngại thực hiện mở rộng tại một số đơn vị”.
Qua quá trình thực hiện và khảo sát tình hình áp dụng ISO năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ; Ban Quản lý Đề án ISO, kiến nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo kết hợp thủ tục hành chính theo Đề án 30 và Đề án áp dụng ISO để phục vụ tốt cho công tác cải cách hành chính. Đồng thời, có chính sách khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân làm tốt công tác áp dụng ISO vào hoạt động của cơ quan, đơn vị cũng như thực hiện tốt công tác cải cách hành chính...