Kết quả cuộc tổng điều tra sẽ đánh giá lại tổng thể bức tranh của nền kinh tế, nhất là những ảnh hưởng của dịch Covid-19
Khắc phục khó khăn
Phường An Lưu là một trong những địa phương tập trung nhiều hộ kinh doanh nhất của thị xã Kinh Môn. Phường có 4 điều tra viên (ĐTV) thực hiện thu thập thông tin của gần 1.000 hộ kinh doanh cá thể. Địa bàn điều tra rộng, đối tượng điều tra đông nên việc thu thập thông tin ở khu vực này cũng khó khăn và vất vả hơn. Mặc dù Đài Phát thanh thị xã và Đài Truyền thanh phường thường xuyên tuyên truyền về cuộc TĐT kinh tế nhưng không phải hộ kinh doanh nào cũng nắm được. "Có những hộ tôi phải đến nhiều lần mới thu thập được thông tin. Một số câu hỏi người dân né tránh hoặc trả lời không chính xác. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi phải hỏi lại nhiều lần thì mới có thông tin chính xác", chị Thu, ĐTV phường An Lưu nói.
Trong TĐT kinh tế giai đoạnII, thị xã Kinh Môn có khoảng 7.600 hộ kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo ở 23 phường, xã. Ngoài 39 ĐTV theo quy định, thị xã bổ sung thêm 12 ĐTV. Tuy nhiên, đến ngày 14.7, thị xã mới thu thập được thông tin của 3.600 hộ kinh doanh, đạt 40,6%, chậm nhất tỉnh. Theo anh Nguyễn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê thị xã Kinh Môn, việc tuyển chọn ĐTV ở thị xã gặp nhiều khó khăn, phải gắn trách nhiệm cho từng đoàn thể ở địa phương. Thời gian đầu, hệ thống gặp lỗi nên việc thu thập thông tin bị chậm. Hiện Ban Chỉ đạo TĐT kinh tế của thị xã đôn đốc các ĐTV đẩy nhanh tiến độ. Nếu địa phương nào chậm sẽ tăng cường các ĐTV từ nơi khác đến hỗ trợ.
Trái ngược với thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách đang là địa phương dẫn đầu cuộc TĐT kinh tế giai đoạn II với tỷ lệ thu thập thông tin đạt hơn 60,5%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong TĐT giúp đẩy nhanh tiến độ, độ tin cậy. Ông Nguyễn Thành Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Nam Sách cho biết: "90% số ĐTV đã có kinh nghiệm trong nhiều cuộc điều tra của ngành thống kê, thành thạo sử dụng thiết bị điện tử thông minh, là một trong những thuận lợi lớn của huyện. Địa phương đang đẩy nhanh tiến độ điều tra bởi dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành phố khác diễn biến phức tạp. Nếu dịch bệnh xuất hiện trong tỉnh thì việc thu thập thông tin sẽ bị gián đoạn".
Các điều tra viên thu thập thông tin của hộ kinh doanh cá thể qua phiếu điện tử
Tổng điều tra quan trọng
TĐT kinh tế được thực hiện 4 năm một lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành thống kê. Đây là cuộc TĐT kinh tế lần thứ 6 tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin toàn diện về bức tranh kinh tế của cả nước. TĐT kinh tế năm 2021 được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn I (từ ngày 1.3 - 30.5.2021) thực hiện thu thập thông tin toàn bộ các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội. Giai đoạn II thực hiện trong tháng 7 sẽ thu thập thông tin của hơn 100.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong tỉnh.
TĐT kinh tế giai đoạn II lần này có một số điểm mới so với TĐT kinh tế năm 2017. Đối tượng của TĐT kinh tế năm 2021 bao gồm cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể không có địa điểm kinh doanh cố định (năm 2017 các cơ sở này chỉ được lập bảng kê mà không được điều tra thu thập thông tin). Do vậy, khối lượng các đơn vị điều tra trong TĐT kinh tế năm 2021 tăng hơn so với trước.
Bên cạnh đó, TĐT lần này cũng tiến hành thu thập thông tin của các cơ sở theo hướng tiếp cận ngành sản phẩm thay vì ngành kinh tế, do vậy việc xác định ngành và mã ngành kinh tế tương ứng bảo đảm chính xác hơn. Hơn nữa, do ứng dụng công nghệ thông tin nên ĐTV có thể xác định ngành sản phẩm dựa trên phần mềm tra cứu tự động, giúp việc ghi mã nhanh hơn, kịp thời phục vụ việc khai thác các thông tin chuyên sâu về từng chuyên ngành. Ngành thống kê cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn của TĐT từ rà soát, cập nhật bảng kê đến công tác kiểm tra, giám sát điều tra... giúp nâng cao chất lượng thông tin, rút ngắn thời gian điều tra và xử lý số liệu.
Theo Cục Thống kê, đến ngày 14.7, các ĐTV đã thu thập thông tin của hơn 57.500 hộ kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, đạt 56,8%. Các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu hoàn thành thu thập thông tin xong trước ngày 20.7. TĐT kinh tế lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020 và kéo dài sang năm 2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ kinh doanh. Thông tin từ cuộc TĐT này là cơ sở giúp địa phương và các ban, ngành có chính sách, giải pháp cụ thể, hữu hiệu giúp các thành phần kinh tế khôi phục sản xuất sau đại dịch để thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế trong thời gian tới.