Tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) tuyên truyền pháp luật cho đồng bào khu vực biên giới, tháng 7-2021.
Nghệ An có đường biên giới trên bộ dài hơn 468km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay.
Sinh sống ở khu vực biên giới của tỉnh Nghệ An chủ yếu là đồng bào các DTTS nên trong quá trình tổ chức PBGDPL, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh Nghệ An đã chủ động phối hợp với địa phương thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (đề án); triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, trong đó sử dụng cả tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào các DTTS, tùy vào đặc điểm dân cư của từng địa bàn.
Đồng chí Lương Văn Ngam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ giúp đồng bào các DTTS dễ hiểu, dễ nhớ và chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật”.
Một trong những hình thức tuyên truyền, PBGDPL mang lại hiệu quả thiết thực là mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Theo đó, bộ đội với các trang thiết bị gọn nhẹ, cơ động đến tận khu dân cư, len lỏi vào từng ngõ xóm để tuyên truyền, đưa kiến thức pháp luật và các thông tin cần thiết đến với mọi người, mọi nhà, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.
Việc tuyên truyền, PBGDPL còn được cán bộ, chiến sĩ BĐBP, quân sự, công an và các lực lượng đứng chân trên địa bàn khu vực biên giới kết hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; qua đội ngũ già làng, trưởng bản, các chức sắc, chức việc, những người có uy tín và lồng ghép trong hoạt động văn hóa-văn nghệ, xét xử lưu động các vụ án tại địa bàn.
Cùng với đó, hiện nay, trên địa bàn 61 xã, phường thuộc 11 huyện, thị xã biên giới, ven biển của tỉnh Nghệ An đều có câu lạc bộ pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoạt động khá nền nếp và hiệu quả.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện và tập huấn cho các đối tượng trực tiếp thực hiện đề án được gần 300 buổi. UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ kinh phí biên tập, in ấn, nhân bản, cấp phát cho các xã, phường biên giới, các đồn và hải đội biên phòng nhiều loại tờ rơi, tờ gấp với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và sát với từng tuyến biên giới trên địa bàn của tỉnh; mua sắm, trang cấp cho đồn biên phòng và các xã, phường biên giới nhiều thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL và nghiên cứu, học tập của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Từ đầu năm 2020 đến nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có BĐBP đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về phòng, chống dịch Covid-19, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép đến mọi người dân.
Ngoài việc thường xuyên làm tốt công tác PBGDPL, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, BĐBP còn đẩy mạnh các đợt tuyên truyền đặc biệt, đưa những đối tượng vi phạm pháp luật ra kiểm điểm trước dân, lập các hòm thư tố giác tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép và tội phạm tại các làng, bản, khu dân cư... tạo sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới.
Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An, Phó trưởng ban chỉ đạo đề án tỉnh Nghệ An, đánh giá: “Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị và địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của BĐBP, đề án được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm nội dung, kế hoạch đề ra; hình thức PBGDPL phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế tình hình của từng địa bàn và đối tượng. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào ở khu vực biên giới, hải đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội".