Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang theo dõi bài giảng của PGS, Tiến sĩ Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT
Ngày 19/10, Ban chỉ đạo (BCĐ) Chuyển đổi số tỉnh Hà Giang phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức khóa bồi dưỡng Nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Lớp bồi dưỡng được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Tập đoàn FPT (Hà Nội) tới tỉnh, huyện và các xã/thị trấn của Hà Giang.
Phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Việc tổ chức khoá bồi dưỡng trực tuyến cho các cấp lãnh đạo về chuyển đổi số là một cách làm mới, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt của BTV Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đồng hành, hỗ trợ của Tập đoàn FPT. Đây là dịp để cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh cập nhật kiến thức về chuyển đổi số; nắm bắt những khái niệm, kiến thức nền tảng căn bản và bức tranh tổng quan về chuyển đổi số; nhận diện những vấn đề mang tính chiến lược. Từ đó, giúp hình thành tầm nhìn dài hạn cho phát triển chuyển đổi số ở mỗi cơ quan, địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, những nội dung trình bày tại khoá bồi dưỡng nhằm thống nhất trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số, làm cơ sở để toàn hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, giúp hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đưa Hà Giang sớm trở thành một trong những tỉnh tiên phong, đi đầu cả nước về chuyển đổi số.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu quán triệt và trình bày bài giảng về vai trò lãnh đạo và giải pháp, nhiệm vụ đổi mới chương trình chuyển đổi số (Ảnh: Tuấn Duy) |
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chuyển đổi số
Tại khóa bồi dưỡng, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đã quán triệt, chỉ đạo và trình bày bài giảng về vai trò lãnh đạo và giải pháp, nhiệm vụ chương trình chuyển đổi số. Phân tích, chỉ rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nêu rõ: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện trong cách thức vận hành, tổ chức của một cơ quan, một đơn vị, một tập thể hay một bộ máy. Chính vì yêu cầu sự thay đổi nên trước hết, công tác Chuyển đổi số là việc của người lãnh đạo, người đứng đầu; người lãnh đạo cần mạnh dạn đi đầu trong thay đổi tư duy, ứng dụng Chuyển đổi số trong lãnh, chỉ đạo và thực hiện công việc hằng ngày.
Người đứng đầu các cấp ủy trực tiếp chủ trì, lãnh đạo và chịu trách nhiệm thực hiện Chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; lựa chọn mô hình thử nghiệm Chuyển đổi số toàn diện theo quy mô phù hợp. Chủ động, tiên phong, gương mẫu đi đầu, sáng tạo trong triển khai các giải pháp Chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị; trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát.
Chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp trải nghiệm mới, tạo ra các giá trị đột phá bằng cách ứng dụng các công nghệ số để mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện ba đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII. Các lĩnh vực cần tập trung Chuyển đổi số gồm: Y tế, Giáo dục, Du lịch, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, logistics và thương mại điện tử.
Huy động tối đa nguồn lực cho chuyển đổi số tổng thể và toàn diện
Để chuyển đổi số thành công, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định: Tỉnh sẽ huy động tối đa nguồn lực cho chuyển đổi số tổng thể và toàn diện. Trong đó, đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống chính quyền số để nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.
Đồng chí yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sớm hoàn thành dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số của BCH Đảng bộ tỉnh để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo chương trình, kế hoạch của các sở, ngành địa phương. Tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, thương mại, giao thông… Trong đó trọng tâm là chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP chất lượng của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử; chuyển đổi số cần thực hiện trong cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số...
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả tổ chức, cá nhân. Tỉnh Hà Giang có thể tận dụng cơ hội này để vươn lên, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
Khóa bồi dưỡng cũng được nghe PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT trình bày chuyên đề "Chuyển đổi số ứng dụng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19".
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu tại khóa bồi dưỡng (Ảnh: Tuấn Duy) |
Kết thúc khóa bồi dưỡng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp viết bài thu hoạch theo 2 nội dung: Nhận thức về vai trò của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý trong chương trình chuyển đối số như thế nào (liên hệ đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình). Liên hệ với điều kiện thực tiễn với cơ quan, đơn vị, địa phương mình về việc thực hiện chuyển đổi số trong phòng, chống dịch COVID-19; trong đó xác định rõ mục tiêu, dữ liệu, phương pháp tổ chức, thực hiện các mục tiêu.
Trong những năm qua, Hà Giang đã tập trung lãnh chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử và đạt được kết quả nổi bật. Mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT Index) ở mức khá so với các tỉnh/thành phố trên toàn quốc; tỷ lệ UBND cấp huyện, cấp xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, du lịch và dịch vụ với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân. Hạ tầng xã hội số có bước phát triển: 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm; Số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 2.418 trạm (783 trạm 2G, 932 trạm 3G, 703 trạm 4G); Tỷ lệ xã, phường thị trấn có mạng Internet băng rộng đạt 98%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%; Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%; Người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số. Tuy nhiên, quá trình Chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế do nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị chưa đầy đủ; nguồn lực dành cho đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số chưa theo kịp thực tiễn; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ. |