Dịch Covid-19 và cơ hội chuyển đổi số quốc gia

Thứ ba, 07/04/2020 13:23

Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tháng 3-2020 tăng vọt, đạt 24%, gấp đôi so với tỷ lệ 12% cùng kỳ năm 2019. Lưu lượng truy cập internet tháng 3-2020 cũng tăng gấp đôi. Rõ ràng, dịch Covid-19 đang tạo ra một “cú hích” cho chúng ta khởi tạo cuộc sống số. Đó là chia sẻ của Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng với phóng viên Báo Hànộimới về cơ hội chuyển đổi số quốc gia trong năm 2020.

20200407-l15.jpg

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sử dụng công nghệ để tổ chức dạy học trực tuyến. Ảnh: Thu Hương

 *PV: Dịch Covid-19 tạo ra thách thức cho toàn xã hội, nhưng lại là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

*Nguyễn Huy Dũng: Chúng ta đang sống trong thời đại số, với các thiết bị công nghệ, giao tiếp và trao đổi thông tin trên mạng nhiều hơn trong đời thực. Đã có lúc chúng ta cảnh báo về tình trạng quá lệ thuộc vào thiết bị công nghệ. Vậy nhưng, khi dịch Covid-19 ập tới chúng ta lại nhận ra, vẫn chưa có đủ công nghệ số như chúng ta nghĩ; đơn cử như vẫn thiếu phần mềm trợ giúp theo dõi sức khỏe cho mỗi người dân...
 
Cũng từ câu chuyện này, hóa ra năng lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vượt xa những gì chúng ta suy nghĩ. Thực tế, có những phần mềm phục vụ phòng, chống dịch bệnh được làm xong chỉ trong vòng 48 giờ. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả, đi trước so với thế giới.
 
Covid-19 không chỉ là thách thức cho mỗi cá nhân, mà còn là bài kiểm tra khắt khe về sức khỏe doanh nghiệp, tính thích ứng và phản ứng của mỗi quốc gia. Nhưng chính nó cũng tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển biến tích cực trong xã hội.
 
*PV: Có phải do dịch bệnh mà trong thời gian qua, tỷ lệ dùng các dịch vụ trực tuyến tăng nhanh hơn, thưa ông?
 
*Nguyễn Huy Dũng: Thực tế, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai phát triển chính phủ điện tử. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh, thể hiện ở sự gia tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến được các cơ quan nhà nước cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ còn thấp, hiệu quả đạt được chưa cao.
 
Khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân có tâm lý e ngại, hạn chế tập trung đông người. Cùng với đó, Chính phủ cũng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt... Từ đó, dẫn đến sự gia tăng người sử dụng các ứng dụng trực tuyến.
 
Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện. Do đó, việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến là biện pháp phòng dịch, đồng thời thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử.
 
*PV: Nhưng để thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến cần cả vai trò của cơ quan nhà nước?
 
*Nguyễn Huy Dũng: Trong đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước quý I-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu rõ, việc phát triển chính phủ điện tử của các bộ, ngành gần như không chịu ảnh hưởng xấu từ dịch Covid-19, thậm chí còn có xu hướng được đẩy nhanh hơn do phát sinh mạnh nhu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trực tuyến, họp trực tuyến giữa các cấp để ứng phó với dịch bệnh...
 
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 càng trở nên quan trọng và cấp bách. Thực tế, lượng người truy cập vào các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành đều tăng cao hơn.
 
Do vậy, thực hiện vai trò điều phối phát triển chính phủ điện tử nói chung, thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến nói riêng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều hành động thiết thực nhằm tuyên truyền, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Gần đây, Bộ đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Thời gian tới, Bộ sẽ sớm triển khai hệ thống giám sát về chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, bộ, ngành. Từ đó có được số liệu cụ thể, để biết được nơi nào làm tốt, nơi nào chưa tốt, mức độ hiệu quả ra sao...
 
*PV: Vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Là đơn vị chủ trì xây dựng, ông có thể cho biết những mục tiêu cơ bản mà chương trình đặt ra?
 
*Nguyễn Huy Dũng: Trong dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử. Kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội. Người dân được thụ hưởng, trải nghiệm nhiều dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, giao thông, môi trường, cung cấp điện năng. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ. Khi chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là bộ khung cho chuyển đổi số quốc gia, căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai chương trình 5 năm và kế hoạch hằng năm về chuyển đổi số dựa trên lợi thế, đặc thù của mình.
 
Khi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay thực hiện chuyển đổi số, các mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được đưa ra trong nội dung chương trình sẽ đạt được...
 
*PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo hanoimoi.com.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top