Đặt mục tiêu kiểm soát thuốc lá mới trên cơ sở bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Chủ nhật, 11/06/2023 09:04

Việc kiểm soát thuốc lá điếu 10 năm qua đã đạt được một số thành tựu kể từ khi áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, giúp giảm tỷ lệ người hút thuốc và ngăn chặn sự gia tăng của người hút mới.

20230614-A-65.jpg
ảnh minh họa
 
Đây cũng sẽ là kinh nghiệm cho việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá khác có cùng nguyên liệu thuốc lá và thuộc định nghĩa mà Luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu.
 
Giảm gánh nặng cho ngành Y tế khi kiểm soát thuốc lá mới bằng luật hiện hành
 
Hiện nay, việc đưa các sản phẩm thuốc lá mới có sử dụng nguyên liệu thuốc lá vào phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hiện hành đang được xem là phù hợp, nhằm kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này, bởi hành lang pháp lý đã có sẵn và bộ máy chức năng không phải phát sinh thêm con người, nguồn lực để nghiên cứu, quản lý. Ngoài ra, ngành Y tế cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường.
 
Được biết, các sản phẩm loại bỏ cơ chế đốt cháy thuốc lá như thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT), túi ngậm nicotine… đều được coi là thuốc lá mới, trong đó chỉ có TLLN được xác định là chứa nguyên liệu thuốc lá. Theo Quyết định số 3458/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan này cũng đã công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho TLLN.
 
Lý giải quyết định trên, TS Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sự khác biệt cơ bản giữa hai sản phẩm TLLN và TLĐT là nguyên liệu tạo ra nicotine. TLLN được coi là một dạng sản phẩm thuốc lá, trong đó điếu thuốc được chế biến từ thành phần cây thuốc lá và sử dụng kèm thiết bị làm nóng. Khi sử dụng, sẽ thải ra phần lớn hơi nước và lượng nicotine phát thải bằng hoặc thấp hơn thuốc lá điếu thông thường, đồng thời giảm hầu hết các chất phát thải nguy hại. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng không thể điều chỉnh thành phần nguyên liệu của sản phẩm này.
 
Tại Hội nghị lần thứ 8 (COP 8), WHO ghi nhận ý kiến các bên tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) rằng: “Hội nghị nhìn nhận TLLN là sản phẩm thuốc lá, và do đó cần phải áp dụng Công ước Khung FCTC (đối với mặt hàng này)”.
 
Nhằm làm rõ hơn định nghĩa thuốc lá mới, trong buổi tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý” diễn ra tháng 4 vừa qua, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhấn mạnh rằng, tên gọi “thuốc lá thế hệ mới" đã chứa từ “thuốc lá”. Theo định nghĩa về thuốc lá trong Luật PCTHTL, sản phẩm thuốc lá sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá - một phần hoặc toàn bộ - và có thể có dạng hút, nhai, ngửi, đồng thời có thêm quy định quét “và các dạng khác”. Được biết, bà Lan là một trong những đại biểu bấm nút thông qua Luật PCTHTL năm 2012.
 
Theo đó, bà Lan khẳng định: “Như vậy, đã có sự tiên liệu trước khi ban hành Luật. Cho nên, nếu nói về căn cứ pháp lý thì rõ ràng đã có sẵn Luật PCTHTL hiện hành, vấn đề còn lại là chúng ta phải mạnh dạn hơn trong việc áp dụng Luật này để quản lý tất cả các loại thuốc lá”.
 
Chỉ quản lý khi có giải pháp ngăn ngừa giới trẻ sử dụng
 
Việc hợp pháp hóa thuốc lá mới, đặc biệt là TLĐT hiện nay còn vướng một số quan ngại. Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ, WHO khuyến cáo các quốc gia có thể chủ động lựa chọn cấm hoặc quản lý các sản phẩm TLĐT. Tuy nhiên, nếu chọn quản lý, các quốc gia phải có giải pháp ngăn ngừa được sự bắt đầu sử dụng ở trẻ em và những người chưa từng sử dụng thuốc lá.
 
Trên cơ sở đó, nhiều đề xuất từ các bộ, ngành nhằm hỗ trợ ngành Y tế đã được đưa ra. Trong số đó, việc áp dụng nghiêm minh Luật PCTHTL hiện hành được nhắc đến nhiều nhất và được coi là khả thi, có thể triển khai ngay. Gần đây, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngày 23/5, Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) đã đề xuất Quốc hội nghiên cứu và áp dụng Luật PCTHTL hiện hành để sớm kiểm soát và hạn chế việc sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ.
Nhìn chung, chính sách quản lý thuốc lá mới đang có sự khác nhau tùy theo hệ thống luật hiện hành của từng quốc gia. Theo đó, đối với TLĐT thì Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore là các nước đang cấm mặt hàng này; Mỹ cho phép kinh doanh TLĐT nhưng cấm các loại tinh dầu có khả năng hấp dẫn giới trẻ; còn Nhật, Úc thì xem TLĐT như một loại dược phẩm và kiểm soát chặt chẽ.
 
Đối với TLLN, theo khuyến nghị của WHO tại Hội nghị COP 8, cho đến nay, đã có 184/193 quốc gia thành viên của Công ước FCTC ban hành chính sách kiểm soát TLLN theo luật hiện hành.
 
(Nguồn: baophapluat.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top