Học viện Drone miền Trung đặt tại Đại học Đà Nẵng là học viện giáo dục và đào tạo phi công lái máy bay không người lái
đầu tiên tại miền Trung
Vừa qua, Học viện Drone miền Trung được triển khai dựa trên sự hợp tác của Trung tâm Phát triển Phần mềm Đại học Đà Nẵng (SDC) và AGS Technologies (Công ty CP Sao Tháng Tám Việt Nam). Đây là học viện giáo dục và đào tạo người điều khiển Drone đầu tiên tại miền Trung, nhằm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực ứng dụng Drone trong thời kỳ chuyển đổi số.
TS Trịnh Công Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Phần mềm Đại học Đà Nẵng (SDC) cho rằng, chuyển đổi số có nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn số hóa là giai đoạn đầu tiên, là bước quan trọng nhất hiện nay. Trong giai đoạn làm dữ liệu, Drone giúp đơn vị thu thập được dữ liệu ở những vị trí mà con người không thể đi đến được. Ngoài việc đào tạo cho một người bình thường có thể vận hành chiếc máy bay không người lái và thu thập thông tin, học viện còn hướng đến mục tiêu là đào tạo ra đội ngũ phân tích, xử lý dữ liệu để đưa ra những giải pháp kịp thời.
“Ngoài việc thay đổi nhận thức, xây dựng hạ tầng số hóa là giai đoạn đóng vai trò quyết định, đầu tiên của chuyển đổi số. Sau khi chúng ta có dữ liệu số rồi thì chúng ta mới có thể thay đổi cách thức hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp hình thành những ngành nghề, lĩnh vực liên quan để chuyển đổi số”, TS Trịnh Công Duy nói.
Để đón đầu chuyển đổi số, ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, năm 2021, đơn vị sẽ mở thêm các ngành theo hình thức chuyển đổi số. Đây là những ngành được kết hợp giữa ngành truyền thống với công nghệ thông tin, nhằm thích ứng với thời đại số. Cụ thể như, công nghệ kỹ thuật kiến trúc; quản trị kinh doanh (chuyên ngành quản trị e-logistics); quản trị kinh doanh (chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số); công nghệ thông tin (chuyên ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo); công nghệ thông tin (chuyên ngành thiết kế mỹ thuật số).
“Những ngành này ở Việt Nam là mới, nhưng ở nhiều nước trên thế giới đã có từ cách đây khoảng 5 năm. Học sinh sau khi đào tạo các ngành này sẽ có thể dễ dàng tìm công việc tốt, phù hợp với chuyên ngành”, ông Lê Quang Sơn cho hay.
Đào tạo nhân lực chuyển đổi số cần sự chung tay quyết liệt của "ba nhà", gồm: nhà trường – nhà nước và doanh nghiệp với chương trình chuẩn. Theo TS. Nguyễn Quang Như Quỳnh, giảng viên khoa Khoa học tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cần tạo sự đột phá trong nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng cách gắn liền nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
“Với những chương trình liên kết, các công ty lớn sẽ trực tiếp tìm đến nhà trường để tuyển dụng ngay khi sinh viên chưa tốt nghiệp bằng các hình thức hỗ trợ tinh thần, vật chất, tri thức như cùng đồng hành trong việc hướng dẫn đề tài tốt nghiệp. Điều kiện tiên quyết, sinh viên có chứng chỉ TOEIC 450 (đối với hệ cử nhân) và 600 (hệ kỹ sư) và với những sản phẩm sáng tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...”, TS. Nguyễn Quang Như Quỳnh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP Đà Nẵng, Đà Nẵng có nhiều điểm thuận lợi để chuyển đổi số. Bên cạnh sự chủ động trong sự phát triển và hoàn thiện về hạ tầng chính quyền điện tử, Đà Nẵng còn sở hữu một lợi thế lớn về nguồn nhân lực. Theo đó, trên địa bàn Đà Nẵng có 25 trường đại học và cao đẳng có khoa ngành đào tạo về công nghệ thông tin. Nhờ đó, mỗi năm, lực lượng lao động thành phố lại được bổ sung thêm 5.000 nhân lực có trình độ công nghệ thông tin từ bậc đại học, cao đẳng trở lên.