Ảnh minh họa
Tan hoang sau mưa bão
Tương tự, tại bãi biển Mỹ Khê (khu vực nút giao Ngô Thì Sĩ - Võ Nguyên Giáp) 20 m đường kè biển cũng bị sụt lún nghiêm trọng. Những mảng lớn đất, đá, gạch lát bị “xé toạc” sau mưa lớn. Hàng trăm cây dừa, công trình bờ kè bằng bê tông và công trình công cộng cũng tan hoang. Rác theo sóng tấp vào bờ.
Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, sau đợt mưa lớn ngày 14/10, tổng cộng có 3 điểm sụt lún lớn, nghiêm trọng ở khu vực bờ biển. Ngoài ra, mưa lớn và ngập lụt cũng khiến nhiều đoạn vỉa hè, kè biển bị hư hỏng, gạch lát bị bóc lên ngổn ngang. Đối với những vị trí hư hỏng nhỏ, dễ khắc phục..., đơn vị đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai khắc phục cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, đơn vị đang phối hợp triển khai khắc phục hạ tầng tại khu vực bãi tắm Phước Mỹ và vỉa hè phía nam Công viên Biển Đông bị sạt lở nặng (diện tích sạt lở khoảng 2.000 m2).
Sau các đợt mưa lũ, tại các bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê và Liên Chiểu) lượng cát tấp vào bờ rất lớn, kèm theo là rác thải từ thượng nguồn đổ về. Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng liên tục bố trí người và phương tiện triển khai thu gom rác bằng các phương tiện cơ giới và nhân công để tổng dọn vệ sinh, để giữ cảnh quan, môi trường phục vụ du lịch.
Chi cục Biển và hải đảo (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng) cho biết, ngoài một số khu vực bị sạt lở tại vỉa hè như đã đề cập trên, các khu vực biển chủ yếu bị nhiều rác, cành cây, gỗ nhỏ... tấp vào. Trong mùa mưa bão năm nay, chi cục thường xuyên đi khảo sát tình hình sạt lở, xâm thực các khu vực biển để kiến nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị dọn dẹp, làm sạch bờ biển và khắc phục các đoạn bờ biển bị sạt lở; cắm biển cảnh báo các khu vực nguy hiểm có khả năng sạt lở...
Cần có giải pháp xây kè bảo vệ đường
Nhiều người dân trên địa bàn thành phố bày tỏ lo ngại trước diễn biến của khí hậu làm các cơn bão có cường độ mạnh hơn, tình trạng triều cường và nước biển dâng cao hơn trong những năm gần đây đã hất nhiều cát lên đường, làm sạt lở nhiều vị trí vỉa hè dọc đường Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp. Trong khi đó, một số đoạn vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp chưa được đầu tư xây dựng kè kiên cố để bảo vệ.
Ông Võ Văn Đăng (người dân ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, những năm qua, một số vị trí trên vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp đoạn từ đường Nguyễn Văn Thoại đến cửa xả Mỹ An đã bị sóng biển xâm thực gây hư hỏng. Có lúc sóng biển xâm thực tạo thành hàm ếch và độ cao chênh lệch giữa vỉa hè và bãi biển rất lớn, dễ gây tai nạn cho người dân, du khách đi dạo.
“Trước tình hình sóng biển xâm thực và triều cường, bão mạnh phát sinh nhiều, chúng tôi mong thành phố cần có giải pháp đầu tư xây dựng kè bảo vệ đường Võ Nguyên Giáp và nghiên cứu giải pháp bảo vệ bãi biển, tránh để hư hại nhiều để bảo đảm cảnh quan phục vụ du lịch, giảm thiểu thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân”- ông Đăng kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng) chia sẻ, BĐKH đang diễn ra khốc liệt trên phạm vi toàn cầu. Riêng tại Đà Nẵng, nhiệt độ trung bình đã gia tăng 0,7oC trong vòng 60 năm (1961- 2019); lượng mưa gia tăng; cường độ bão gia tăng... Đặc biệt là sự gia tăng về mực nước biển dâng tại thành phố hơn 3 mm/năm, gây ảnh hưởng đến hệ thống đê, kè khu vực ven biển.
Trước tình hình trên, Sở TN&MT đang tiếp tục thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và vùng bờ; tiếp tục phối hợp, xây dựng đề cương và dự toán nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu biển, đảo TP. Đà Nẵng. Hiện UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định phê duyệt và công bố danh mục các 21 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước tại các khu vực ven biển và góp phần quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên, môi trường vùng ven bờ./.