Sự cần thiết phải liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản
Trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất không phải sản xuất ra cái mình có mà phải sản xuất ra cái thị trường cần, tức là sản xuất cái gì, số lượng, chất lượng ra sao phải phụ thuộc vào thị trường. Do vậy, sản xuất phải gắn với tiêu thụ, cung phải gắn với cầu. Điều này càng đúng hơn với các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông sản có tính thời vụ, không tích trữ được như các mặt hàng công nghiệp. Chính vì vậy, khi đã sản xuất ra nông sản, nhà sản xuất phải tiêu thụ bằng mọi cách.
Ngành Nông nghiệp nước ta hiện nay đang rơi vào tình trạng “được mùa – rớt giá” và “giải cứu”. Điều này đã trở nên quen thuộc trong những năm gần đây, khi sản xuất hàng hóa phát triển, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngay cả khi không có dịch bệnh bất thường, khi vào mùa vụ, hằng năm, chúng ta lại thấy nông sản “kêu cứu” do không thông quan được sang Trung Quốc, dẫn đến giá nông sản giảm mạnh.
Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, lệch pha cung – cầu. Người sản xuất chỉ biết đến sản xuất, không nắm bắt được nhu cầu của thị trường, chạy theo số lượng dẫn đến dư cung, nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được, giá cả giảm mạnh dẫn đến hệ quả người nông dân luôn bị thua lỗ.
Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản (TTNS) là một đòi hỏi tất yếu, khách quan, phải đưa ra được câu hỏi: “Trước khi chúng ta đặt một hạt giống xuống thì phải hỏi tiêu thụ ở đâu, ở thị trường nào chứ không thể sản xuất một sản phẩm mà thị trường không cần”1. Chỉ có như vậy, chúng ta mới sản xuất bền vững được khi mà cung – cầu phù hợp, ăn khớp với nhau, sản xuất và tiêu thụ cùng thúc đẩy nhau phát triển. Do đó, tư duy của người làm nông nghiệp phải thay đổi từ người sản xuất đến người làm chính sách sao cho hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất và TTNS, giữa cung và cầu, sản xuất phải gắn liền với nhu cầu thị trường để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.
Chuyển đổi số để tăng cường liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản
Trong thời kỳ cách mạng 4.0 hiện nay, chúng ta đã tích cực chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp. Thực trạng quá trình CĐS trong nông nghiệp để sản xuất liên kết với TTNS ở nước ta được thể hiện trên các phương diện như:
Một là, đối với việc truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng thương hiệu.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại được đặt lên hàng đầu. Người tiêu dùng chỉ an tâm tiêu thụ sản phẩm khi có nguồn gốc rõ ràng, có thể nhanh chóng truy xuất được nguồn gốc, quy trình canh tác, bảo đảm được vệ sinh, an toàn thực phẩm. Do vậy, trong thời kỳ cách mạng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, để tiêu thụ được nông sản, sản xuất và tiêu thụ liên kết được với nhau thì khâu sản xuất phải chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ số. Điều này giúp minh bạch trong sản xuất, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng sản phẩm khi có mã vùng trồng, tem, nhãn mác, mã QR, tạo ra thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam trên trường quốc tế và sự an tâm của người tiêu dùng. “Hiện nay, một số sản phẩm nông sản Việt có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu như: CheViet, Gạo Việt Nam (cấp quốc gia); vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh) (cấp địa phương và doanh nghiệp)… Còn lại, hầu hết nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, thậm chí, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Tương tự, ở trong nước, cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu”2. Vì vậy, số hóa sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản và liên kết sản xuất với tiêu thụ được chặt chẽ, thuận lợi hơn.
Hai là, ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) liên kết sản xuất với TTNS.
Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với các nước trên thế giới (FTA với Hàn Quốc, FTA với Liên minh châu Âu, TPP, FTA Cộng đồng kinh tế ASEAN…). Trong nền kinh tế mở sống chung với đại dịch Covid-19, một trong những giải pháp giúp tiêu thụ nông sản trong nước cũng như quốc tế đó là phát triển TMĐT. Bởi lẽ, so với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT có nhiều ưu điểm như: giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên mọi miền đất nước và quốc tế không bị giới hạn về địa lý, hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá.
Trong thời gian qua, đã có một số tỉnh, thành phố ứng dụng TMĐT và thu được kết quả tích cực trong TTNS. Chẳng hạn, tỉnh Bắc Giang đã triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên các sàn TMĐT, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn như: Alibaba, 24h, Sendo, Postmart, Vỏ Sò…, với tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ năm 2021 đạt hơn 215.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay. Thị trường được mở rộng và có dư địa lớn để phát triển, trong đó tiêu thụ trên các sàn TMĐT trên 8.000 tấn3.
Do vậy, rất cần các sàn TMĐT, các cấp chính quyền có cơ chế, chính sách đào tạo người nông dân trong CĐS để gắn kết sản xuất với TTNS cũng như mở rộng thị trường cho nông sản ở nước ta. Việc đẩy mạnh đưa nông sản lên các sàn TMĐT cũng gặp không ít khó khăn bởi đây là phương thức tiêu thụ khá mới mẻ với bà con nông dân, nhất là đồng bào ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng số còn kém.
Ba là, việc nắm bắt thông tin trên thị trường để liên kết cung – cầu.
Để sản xuất nông sản gắn với thị trường, chúng ta phải nắm bắt nhu cầu của thị trường. Nhu cầu của thị trường là động lực cho sản xuất phát triển, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “được mùa – rớt giá”, “giải cứu” nông sản là vì chúng ta không có được dữ liệu chính xác về nguồn cung trên thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng, dẫn đến tình trạng sản xuất “mù mờ”, khi sản xuất quá nhiều, cung vượt cầu thì tình trạng “giải cứu”, “chữa cháy” cho nông sản lại tái diễn.
Để giải quyết được bài toán này, tất yếu cần CĐS, số hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhờ số hóa chúng ta có dược dữ liệu lớn chính xác về nhu cầu thị trường, cũng như khả năng cung cấp hàng hóa trên thị trường. Thông qua việc số hóa, chúng ta có dữ liệu đầy đủ hơn, chính xác hơn về nhu cầu TTNS qua các kênh phân phối, như: cửa hàng, trung tâm thương mại, sàn TMĐT…, với số liệu lớn, thường xuyên qua các năm. Thông qua số hóa, từ nhà sản xuất, nông dân cũng như người tiêu dùng có dữ liệu về các nơi cung cấp nông sản trên thị trường, từ đó sẽ có kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn hiện đại, cũng như khắc phục tình trạng ùn ứ hàng nghìn container tại các cửa khẩu. Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch có hợp đồng, có địa chỉ sản xuất tức là có dữ liệu được số hóa về đầu vào và đầu ra, thay vì sản xuất tự phát không có thông tin thị trường là rất cần thiết để tránh tình trạng bị đối tác ép giá và sản xuất không bền vững, gây ra nhiều tổn thất cho người nông dân như hiện nay.
Bốn là, số hóa để hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Trong nền kinh tế mở cửa hội nhập như hiện nay, nông sản Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn cao của các thị trường, như: EU, Mỹ, Nhật Bản…, đồng thời, phải giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này chỉ có thể thực hiện thành công khi chúng ta ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất, số hóa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thông qua số hóa, người nông dân có thể kiểm soát được dư lượng thuốc bản vệ thực vật, giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất đáp ứng được nhu cầu của thị trường khó tính.
Hiện nay, chúng ta đã hình thành các vùng chuyên canh để đáp ứng nhu cầu thị trường, như: vải thiều Bắc Giang, cà phê Buôn Mê Thuột, chè Thái Nguyên… Tuy nhiên, phần lớn giá trị các mặt hàng nông nghiệp nước ta còn chưa cao, chủ yếu vẫn xuất khẩu thô, chế biến và số hóa chưa nhiều, do vậy cần phải nâng cao giá trị cho nông sản Việt, áp dụng khoa học – công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.
Một số giải pháp cơ bản chuyển đổi số để liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản
Thứ nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu trong sản xuất và TTNS.
Việc liên kết sản xuất với tiêu thụ, khắc phụ tình trạng lệch pha cung – cầu thì người sản xuất phải có đầy đủ dữ liệu về nguồn cung và nhu cầu trên thị trường. Chúng ta phải xây dựng được nguồn dữ liệu tập trung, thống nhất, minh bạch làm cơ sở cho sản xuất và TTNS. Khi dữ liệu cung và cầu còn thiếu thì sẽ vẫn còn rủi ro mùa vụ, rủi ro cho người sản xuất, rủi ro cho thương lái, doanh nghiệp và rủi ro cho cả nền kinh tế.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho nông sản.
CĐS trong nông nghiệp phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, như: hệ thống các camera giám sát, các thiết bị đo thông số về thuốc tồn dư thực vật và công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc, xuất sứ được minh bạch rõ ràng. Hiện nay, các hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng CĐS còn chưa nhiều do hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ… Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giúp người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông sản tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất – kinh doanh, xây dựng các sàn TMĐT, các trang web chuyên cho nông sản Việt để giới thiệu TTNS được thuận lợi.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cho hạ tầng số trong nông nghiệp.
TMĐT là một trong những giải pháp để thúc đẩy TTNS gắn kết cung – cầu, đưa nông sản Việt ra thị trường không thông qua các khâu trung gian, giảm chi phí…, do vậy, cần phải đẩy mạnh TMĐT bán hàng nông sản trên các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Instagram…
Tuy nhiên, việc áp dụng bán hàng trực tuyến còn hạn chế là do hạ tầng công nghệ số, công nghệ thông tin còn yếu kém, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số với trình độ dân trí còn thấp. Vì vậy, để đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong TTNS, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng số ở các nơi sản xuất ra nông sản, các vùng chuyên canh, vùng sâu, vùng xa với đường truyền internet được truy cập với tốc độ cao, ổn định, không bị mất tín hiệu ngắt quãng, xây dựng các trang web, kênh bán hàng riêng cho nông sản Việt.
Thứ tư, tăng cường đào tạo khoa học – công nghệ cho người nông dân trong CĐS.
Cần tập huấn cho nông dân về việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, như: kỹ thuật chụp ảnh, quay video, giới thiệu sản phẩm, quy trình canh tác… Trong lĩnh vực sản xuất, người nông dân cần được tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình sản xuất, như: tưới tiêu, phun thuốc bảo vệ thực vật, quy trình bảo quản, đóng gói…, chỉ có như vậy mới tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng “khó tính”.