Kênh hiệu quả kết nối cung cầu
Chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP là xu thế tất yếu trong nền công nghiệp 4.0 hiện nay. Để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, mở rộng thị trường, thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển, ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP địa phương tham gia các sàn TMĐT như postmart.vn, sanphamdiaphuong.com.vn... Đồng thời, tập huấn TMĐT, phát hành sổ tay về TMĐT cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, qua đó, giúp họ nắm bắt các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng về TMĐT trong kinh doanh online. Ngoài ra, hỗ trợ cho 2 đơn vị là HTX thanh long Hàm Đức, Công ty TNHH Cá Đen thực hiện đề án Hỗ trợ xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến. Hiện sở đang triển khai thực hiện các đề án năm 2022 về: “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận” thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển TMĐT.
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn TMĐT
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá nhất trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT hiện nay cũng gặp không ít khó khăn vì đây là phương thức bán hàng mới với nhiều hộ sản xuất, HTX. Do vậy, để việc tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các sàn TMĐT tiếp tục mang lại hiệu quả, thời gian tới, cơ quan chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết để đưa hàng hóa lên các sàn TMĐT. Đồng thời, nâng cao ý thức của chủ thể chú trọng hơn nữa trong khâu nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và các khách hàng khi giao dịch, mua bán sản phẩm qua sàn TMĐT. Cùng với đó, cần tiếp tục kết nối, tăng số lượng các sàn TMĐT để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Đến nay, toàn tỉnh có 70 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao). Mục tiêu Chương trình OCOP phấn đấu đến năm 2025, tỉnh ta có 156 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; 100 chủ thể có sản phẩm công nhận OCOP 3 sao trở lên; Số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định là 30%.