Bức tranh tình hình Biển Đông
Liên quan đến tình hình Biển Đông, trao đổi với PV, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an đã nêu lại những điểm đáng chú ý:
Trong 6 tháng đầu năm vừa qua, các nước trong khu vực và thế giới đang gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc đáng lẽ phải tích cực giúp các nước chống đại dịch, nhưng họ đã lợi dụng tình hình để gia tăng những hoạt động xâm phạm chủ quyền của các nước trên Biển Đông, biển Hoa Đông (Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc có hoạt động xâm phạm chủ quyền hải ở Hoa Đông).
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Tháng 3/2020, Malaysia đã tố Trung Quốc cho khoảng 100 tàu xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này. Truyền thông của Indonesia cho biết, có nhiều tàu hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại vùng biển Natuna. Philippines tố tàu của Trung Quốc chĩa radar hỏa lực khóa mục tiêu tàu hộ vệ của nước này (cách bờ biển Philippines khoảng 200 km).
Đối với Việt Nam, tháng 4/2020, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối thì phía Trung Quốc có hàng trăm bài báo đồng loạt tung lên hệ thống báo chí của họ nói 600 tàu cá của Việt Nam đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Có thể nói đây là sự vu cáo cực kỳ trắng trợn, lố bịch, sự lừa dối, đổi trắng thay đen. Đây là điều các nước trên thế giới, đặc biệt lớn nước không ai làm như vậy.
Bộ Dân chính Trung Quốc thể hiện sự ngang ngược khi tự tiện công bố cái gọi là 'danh xưng tiêu chuẩn' của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Rồi Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" thuộc "thành phố Tam Sa"...
Có thể nói, 6 tháng đầu năm vừa qua, Trung Quốc có những hành động dồn dập, trắng trợn, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Những phản ứng đáng chú ý
Trước hành động như vậy của Trung Quốc, các quốc gia liên quan đã phản ứng thế nào, có điều gì đáng chú ý thưa ông?
- Trước sự ngang ngược của Trung Quốc thì cộng đồng quốc tế chưa bao giờ lại có phản ứng mạnh mẽ như thời gian vừa qua.
Về phía Việt Nam, chúng ta đã có những phản đối mạnh mẽ trước những tuyên bố, hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, yêu cầu nước này tôn trọng luật pháp quốc tế, không được xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Còn chính quyền của Tổng thống Duterte (Philippines) sau 4 năm với chủ trương "bắt tay" với Trung Quốc, tạm gạt phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (năm 2016) sang một bên thì đến ngày 12/7 vừa qua đã tuyên bố:
Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc (12/7/2016) có nguyên giá trị, không ai có quyền bác bỏ, Philippines yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện theo phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế; yêu cầu Trung Quốc phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Như vậy có thể thấy thái độ của Philippines đã thay đổi.
Tàu sân bay Liêu Ninh (giữa) cùng các tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Đối với Indonesia, một quốc gia trụ cột của khối ASEAN, thời gian dài vừa qua, trong các vấn đề về Biển Đông, họ thường giữ thái độ và có tuyên bố mang tính trung lập nhưng 26/5/2020, lần đầu tiên Indonesia gửi công hàm cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phản đối toàn bộ yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với đường 9 đoạn ở Biển Đông…
Đầu tháng 6/2020, Chính phủ Trung Quốc trong công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã thừa nhận họ không có tranh chấp lãnh thổ với Indonesia nhưng hai nước có các yêu sách chồng chéo về quyền hàng hải ở một số vùng trên Biển Đông; đề nghị đàm phán song phương.
Ngay lập tức, Indonesia gửi công hàm cho Liên Hợp Quốc nói rằng, Indonesia không có vùng chồng lấn với Trung Quốc nên không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán vào về phân định ranh giới với Trung Quốc. Ngoại trưởng của Indonesia tuyên bố, nhắc lại quan điểm này vào ngày 18/6/2020.
- Bên cạnh đó phản ứng của Mỹ trước Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông được xem là có sự ảnh hưởng lớn, ông nghĩ sao?
- Đối với Mỹ, ngày 1/6/2020, Mỹ gửi công hàm cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, vì không phù hợp với luật pháp quốc tế theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Đặc biệt đến ngày 13/7/2020, Ngoại trưởng Mỹ có bài phát biểu rất quan trọng, trong đó có nêu: Mỹ bác bỏ toàn bộ yêu sách phi lý của Trung Quốc về đường 9 đoạn ở Biển Đông; Mỹ phản đối những hành động mang tính cưỡng bức của Trung Quốc đối với Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia; phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các nước trên Biển Đông; yêu cầu Trung Quốc chấp hành phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.
Có thể nói, chưa bao giờ Trung Quốc lại hung hăng gây hấn với các nước trong khu vực Biển Đông mạnh như trong hơn 6 tháng đầu năm 2020, nhưng ở chiều ngược lại, chưa bao giờ Trung Quốc lại bị phản ứng gay gắt, quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và của cộng đồng quốc tế nói chung như thời gian vừa qua.
Với những diễn biến như vậy có thể thấy chưa bao giờ Trung Quốc lại bị cô lập và mất uy tín về vấn đề Biển Đông như hiện nay. Đó là điểm mới nhất về tình hình Biển Đông trong 6 tháng đầu năm 2020.
Với vị trí là cường quốc số 1, với tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn, Mỹ sẽ đóng vai trò rất quan trọng về vấn đề Biển Đông, tuy nhiên các quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải phải có thái độ kiên quyết, mạnh mẽ.
Bản chất của Trung Quốc sẽ không thay đổi
Phản ứng của quốc tế, đặc biệt Mỹ cho tàu sân bay, tàu chiến, máy bay vào vùng Biển Đông tập trận khiến cho tình hình khu vực thêm căng thẳng. Theo ông, để khu vực ổn định Trung Quốc phải điều chỉnh hành động?
- Trung Quốc sẽ không có sự điều chỉnh hành động của mình. Trước phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế thì họ chỉ tạm dừng các hành động ngang ngược lại, họ phải tính toán, cân nhắc hơn về sự hơn thiệt trong hành động, còn bản chất sẽ không thay đổi.
Tình hình Biển Đông từ lâu đã nóng, còn có dẫn đến đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ hay không, có thể nói là không (mặc dù không loại trừ). Vì Trung Quốc cần ổn định với Mỹ, để thực hiện giấc mơ Trung Hoa, Trung Quốc không muốn quan hệ với Mỹ bị sụp đổ, thành đối đầu.
Trước tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực cần giữ nguyên tắc gì, thưa ông?
- Trước hết các quốc gia trong khối ASEAN phải đoàn kết và có phản ứng tích cực trước hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 26/6/2020, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã ra Tuyên bố: "Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng".
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đảm bảo Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng; nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Lo ngại về việc cải tạo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc thực hiện mọi hoạt động của các bên yêu sách và tất cả các quốc gia khác có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở khu vực Biển Đông.
Toàn bộ nội dung của Tuyên bố chung đã được cộng đồng quốc tế và Mỹ ủng hộ và đánh giá cao.
Xin cảm ơn Thiếu tướng (!)