Tuyên truyền cho người dân đi làm nương rẫy chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép
Cơn mưa rừng đổ xuống trong buổi chiều khiến khu vực điểm chốt chặn số 3 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt thêm lầy lội. Mọi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ tại lán trại càng khó khăn hơn.
Trung úy Hồ Văn Tài, trinh sát viên Đồn BPCK A Đớt được phân công làm tổ trưởng tổ chốt chặn kiểm soát số 3 cắm tại thôn Tru – Chai, xã Đông Sơn (A Lưới), tâm sự: Nhiều đêm trời mưa tầm tã, nước thấm dột xuống những tấm ván anh em kê nằm dưới đất khiến chăn gối ướt nhẹp, anh em phải dầm mưa cả đêm.
Lều dã chiến được dựng trên bãi đất trống, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu, xung quanh không có nhà dân, không điện, nước. Các anh phải xuống con suối cách lều khoảng 2km để tắm giặt, lấy nước về dùng.
Điểm chốt số 5 của Đồn BPCK A Đớt đóng tại thôn La Tưng, xã A Đớt (A Lưới) cũng chung hoàn cảnh. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và ngăn ngừa các hoạt động tội phạm trên biên giới, các anh phải trèo đèo, lội suối, vượt núi, băng rừng và dầm mình trong mưa gió hằng tháng trời nay trên tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Sêkông (Lào).
Thượng úy Hồ Ánh Ngọc, trợ lý Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường làm tổ trưởng điểm chốt chặn số 5 chia sẻ: Các thành viên trong mỗi tổ chốt chặn kiểm soát bám trụ ròng rã trên biên giới, nằm lán tạm giữa rừng, bữa ăn có khi chỉ có mì tôm, củ rừng, rau rừng…để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Trung tá Alieng Hà, Chính trị viên Đồn BPCK A Đớt, đơn vị thành lập 7 tổ chốt chặn, tuần tra kiểm soát biên giới luân phiên 24/24 giờ. Trong đó, 5 tổ chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên biên giới, 1 tổ tại trạm cửa khẩu và 1 tổ công tác cơ động thường xuyên tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn.
Từ đầu tháng 3 đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặn tại các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới, Đồn BPCK A Đớt đã kịp thời phát hiện 22 công dân nhập cảnh trái phép từ Lào về Việt Nam qua địa bàn biên giới do đồn quản lý. Đơn vị đã phối hợp với lực lượng y tế địa phương tiến hành kiểm tra thân nhiệt, phun tiêu độc khử trùng, lấy lời khai ban đầu và đưa các công dân này về khu cách ly tập trung của huyện A Lưới.
Đồn Biên phòng Nhâm dù quản lý địa bàn không có cửa khẩu nhưng có nhiều đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới, Ban chỉ huy đơn vị đã lập các chốt chặn với mỗi chốt gồm 5 cán bộ, chiến sĩ cùng phối hợp với lực lượng công an, dân quân các xã kiểm soát 24/24 giờ. Ở các chốt chặn đơn vị cũng phân công cán bộ quân y túc trực đo thân nhiệt, kiểm tra y tế nhằm kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra. Theo Thiếu tá Hồ Văn Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm, đơn vị tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Chống dịch như chống giặc”
Để đảm bảo chống “giặc” COVID - 19 ngay từ tuyến đầu biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới đất liền xây dựng kế hoạch, triển khai công tác phòng, chống dịch đến toàn bộ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, thực hiện nghiêm túc, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”.
Đại tá Tôn Thất Nguyên Đạt, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh thông tin: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó tăng cường lực lượng lên biên giới, lập các chốt ở đường mòn, lối mở, khu vực cánh gà, khu vực cửa khẩu để phát hiện, ngăn chặn triệt để các trường hợp xuất nhập cảnh, vượt biên trái phép qua biên giới. Các chốt chặn còn chú trọng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là cảnh giác, đấu tranh với các hành vi lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật.
Cũng theo Đại tá Tôn Thất Nguyên Đạt, Bộ Chỉ huy sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị bổ sung phương án phòng, chống dịch bệnh triệt để. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thường xuyên bám địa bàn phụ trách để tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu và nắm được thông tin, các biện pháp phòng, chống dịch cũng như thực hiện nghiêm quy chế qua lại trên biên giới.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động trên 600 cán bộ, chiến sĩ tăng cường kiểm soát ở tất cả các đường mòn, lối mở và tại các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền. Tổ chức 26 tổ chốt chặn, trong đó có 11 tổ cố định và 15 tổ cơ động. Mỗi tổ từ 10-12 người gồm cán bộ, chiến sĩ biên phòng phối hợp cùng công an, dân quân và nhân viên y tế địa phương. |