Tang vật cơ quan Công an thu giữ khi triệt phá đường dây mua bán phần mềm gián điệp điện thoại di động.
1. "Để mua và cài đặt sử dụng phần mềm gián điệp hiện nay không hề khó" - Phan Thanh Q., trưởng một văn phòng thám tử tư ở Hà Nội khẳng định khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này.
Theo Q., chỉ cần có một chút hiểu biết về công nghệ thông tin là người dùng có thể lên mạng Internet để tải hàng chục các phần mềm khác nhau đều có chức năng là định vị, nghe lén, hoặc sao chép nội dung tin nhắn… về cho chủ nhân.
Sau khi đã tải về và cài đặt thành công, cho dù chiếc điện thoại đang lưu lạc ở bất kỳ chỗ nào thì chỉ cần có một chiếc máy tính (hoặc một chiếc smartphone khác) người ta có thể giám sát điện thoại kia 24/24 giờ, miễn là thiết bị có bật 3-4G hoặc kết nối wifi. Những thông tin thuộc dạng bí mật sẽ được tải lên một tài khoản riêng trên mạng Internet. Tài khoản này sẽ được kiểm tra từ các trình duyệt web. Các thông tin thường được thu thập gồm: các cuộc gọi đến và đi, thời gian của mỗi cuộc gọi…
Thậm chí nó có thể ghi âm lại từng cuộc gọi và gửi về tài khoản cho chủ sở hữu dưới dạng file mp3. Nếu bỏ ra thêm một chút phí thì người chủ tài khoản còn có thể nhìn thấy màn hình của điện thoại và địa điểm thực sự của chiếc điện thoại trên bản đồ.
Tuy nhiên, nhược điểm của một số phần mềm "miễn phí" này là sự hoạt động kém ổn định, và hạn chế về dung lượng được sử dụng của tài khoản.
Nắm bắt được nhu cầu theo dõi điện thoại của người sử dụng, hàng loạt các công ty viễn thông, đặc biệt là các dịch vụ "thám tử" đã mua các phần mềm gián điệp của nước ngoài rồi thêm một số tính năng khác và chào hàng rộng rãi trên mạng.
Một trong số đó là chủ của website và fanpage cùng mang tên "theo…com". Người quản trị website này cho biết, chỉ cần cài đặt phần mềm của họ vào một máy điện thoại bất kỳ chạy hệ điều hành android, sau đó thông qua một máy tính (hoặc điện thoại khác) có thể thực hiện rất nhiều thao tác "thám tử" như: theo dõi tin nhắn và cuộc gọi; Ghi âm cuộc gọi, ghi âm môi trường xung quanh; Theo dõi tin nhắn Facebook, Messenger, Zalo; Đọc thông báo từ Facebook, Whatsapp, Viber, Line; Theo dõi vị trí điện thoại, định vị điện thoại; Xem hình ảnh, ảnh chụp trên điện thoại mục tiêu; Gửi lệnh để lấy vị trí, ghi âm môi trường; Chụp ảnh hiện trường; Giám sát hệ thống, thay đổi SIM card…
Chủ website trên khẳng định bất kỳ ai cũng có thể tải và cài phần mềm này, được sử dụng miễn phí trong 3 ngày. Tuy nhiên bản dùng thử bị hạn chế rất nhiều tính năng. Họ khuyến cáo khách hàng nên mua bản "full" công nghệ với mức phí là 2,4 triệu đồng/năm sử dụng. Quá trình cài đặt, hướng dẫn sử dụng và giao dịch hoàn toàn qua môi trường Internet.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài website "theo…com", trên mạng Internet hiện có rất nhiều trang mạng khác rao bán các thiết bị dùng để theo dõi, định vị điện thoại (còn gọi là chip gián điệp) với giá cả cũng rất đa dạng.
2. Nếu như việc cài đặt phần mềm gián điệp vào smartphones có khả năng giúp chủ nhân khai thác một số tính năng như định vị điện thoại, nghe các cuộc gọi, sao chép tin nhắn, thậm chí kích hoạt việc quay video bí mật… thì trên "thế giới mạng" hiện còn tồn tại một loại "chip" gián điệp.
Theo các thương gia quảng cáo thì chỉ cần gắn loại chip này vào điện thoại cần theo dõi là có thể tha hồ đọc trộm được toàn bộ tin nhắn, danh bạ số điện thoại liên lạc của đối tượng, thậm chí là toàn bộ nội dung chat, hình ảnh trên các ứng dụng Messenger hay Zalo của người đó đều được gửi về máy của khách hàng…
Chúng tôi thử truy cập vào Fanpage "Thiet….". Đập vào mắt là những cảnh báo nghe rất mùi mẫn như: "Bạn đang cảm thấy người bạn đời của mình dành thời gian ít hơn cho bạn và gia đình, ít nói chuyện, thường xuyên ra ngoài và có thể nói dối là ra ngoài gặp bạn bè, đối tác?" hay "Chồng (vợ) của bạn thường xuyên lén lút dùng điện thoại một mình, thường xuyên xóa hết tin nhắn hoặc xóa hết lịch sử cuộc gọi…
Đó là tất cả dấu hiệu của ngoại tình mà theo như ông bà ta nói là đang "ăn chả" hoặc "ăn nem" đấy! Tuy nhiên, đó chỉ là điều mà bạn đang lo lắng, còn sự thật thì bạn chưa chắc chắn 100%, mọi thứ có thể chỉ do bạn quá đa nghi và tưởng tượng ra. Vậy làm sao để xác minh được những nghi vấn này?
Cách đơn giản và hiệu quả hãy sử dụng ngay thiết bị định vị theo dõi vợ, chồng ngoại tình của chúng tôi. Đảm bảo hiệu quả 100% giúp bạn làm sáng tỏ mọi vấn đề đang thắc mắc khiến bạn "mất ăn mất ngủ" bấy lâu nay!"
Tiếp đến là lời quảng cáo thiết bị: "Với giải pháp này, bạn chẳng cần phải mất thời gian để bám theo "rình rập" tìm chứng cớ hoặc mất tiền cho dịch vụ thám tử điều tra với giá đắt đỏ. Ngay lúc này hãy gắn chip gián điệp vào máy điện thoại của anh ta. Nó sẽ giúp bạn xác định vị trí GPS, xem camera, nghe âm thanh, cuộc gọi, tin nhắn SMS".
Tương tự, Fanpage "Tham…" cũng thường xuyên đăng tải thông tin về các vụ ngoại tình, những hình ảnh ăn chơi trác táng trong quán karaoke… để khẳng định các bà vợ cần phải… mua ngay "chip gián điệp" để cầm cương "đức lang quân".
Cũng theo nhân viên của fanpage này quảng cáo, loại "chip gián điệp" này tuyệt vời ở chỗ khách hàng chỉ cần cung cấp số điện thoại và loại máy mà đối tượng đang sử dụng cho bên bán để các kỹ thuật viên thêm vào chip. Sau đó, khách hàng sẽ lắp chip dưới sim điện thoại của họ. Vì sim này rất bé nên sẽ không có ảnh hưởng gì. Từ đó về sau, chiếc điện thoại của đối tượng sẽ bị theo dõi 24/24 giờ.
Hỏi về giá cả, tôi được người bán hàng báo rằng một chíp như vậy có giá là 1,5 triệu đồng cùng một tháng sử dụng. Nếu sử dụng 6 tháng thì giá sẽ là 2,2 triệu và nếu sử dụng trong vòng 1 năm thì giá chỉ còn là 2,7 triệu đồng!
Tuy nhiên, đây là một trò lừa đảo rất tinh vi! Chị Hoàng Phương (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) kể lại câu chuyện của mình. Do nghi ngờ chồng có quan hệ "ngoài luồng", chị đã liên hệ với fanpage "Thiet…" để hỏi mua. Người bán hàng nhanh chóng tư vấn nhận hàng xong sẽ có chỉ dẫn cụ thể. Hơn nữa, trang này còn quảng cáo là không cần cầm máy đối tượng mà vẫn có thể theo dõi.
Khi đã chuyển tiền và nhận hàng, chị Phương nhận được một thiết bị hình chữ nhật. Chị loay hoay mãi mới lắp được vào điện thoại nhưng chờ mãi mà không thấy có hiện tượng gì xảy ra! Làm theo hướng dẫn cũng chỉ thấy màn hình nhảy ra một website vô bổ. Thấy sản phẩm đó không có hiệu quả như quảng cáo, chị Phương đã liên hệ với phía cung cấp. Tuy nhiên, trả lời chị Phương chỉ là những cái tút dài…
Tháng 1/2020, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng phá một đường dây chuyên buôn bán, cài đặt phần mềm gián điệp điện thoại di động trên mạng Internet. Các trinh sát đồng loạt tấn công truy bắt các đối tượng tại Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh và Sơn La.
Tại Lâm Đồng, cơ quan Công an đã tiến hành khám xét bắt khẩn cấp đối tượng Trần Ngọc Đức (SN 1990, thường trú tại đường Hoàng Văn Thụ, Phường 4, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây mua bán phần mềm gián điệp điện thoại di động trên website https://xxxdong.com, https://xxxdoi.app. Qua khám xét đã thu giữ được: 07 thẻ tài khoản ngân hàng, 01 máy tính xách tay, 06 điện thoại di động, 01 xe mô tô phân khối lớn, 01 xe ôtô.
Tính đến thời điểm bị bắt, Đức đã thực hiện giao dịch mua bán phần mềm với hơn 1.200 khách hàng. Thủ đoạn của đối tượng là lập Fanpage Facebook thu hút hơn 4.610 lượt thích, hơn 5.350 người theo dõi và lập kênh Youtube với 14 videos, có hơn 488.313 lượt xem để quảng cáo, mua bán phần mềm gián điệp điện thoại di động.
Qua đấu tranh khai thác, Đức khai nhận đã đăng ký là đại lý của 02 website http://www.cell...com/, https://ti...net/ để khai thác lượng khách hàng mua phần mềm nghe lén tại Việt Nam. Phần mềm này khi được cài đặt vào điện thoại di động có thể đánh cắp thông tin cá nhân như: Tài khoản ngân hàng, tài khoản Email, Viber, Zalo, Facebook; các giao dịch internet banking có thể bị kiểm soát mà chủ thể không hề hay biết.
Ngoài ra, phần mềm này còn ghi âm bí mật nội dung cuộc đàm thoại nghe, gọi. Đáng lo ngại, toàn bộ thông tin, dữ liệu của các máy điện thoại bị cài đặt phần mềm nghe lén này được chuyển đến máy chủ lưu trữ tại nước ngoài. Hiện Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
|
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cảnh cáo: Hành vi, mua bán, cài đặt phần mềm gián điệp vào máy điện thoại của người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền riêng tư của công dân.
Hành vi này vi phạm vào Điều 289 Bộ luật Hình sự, Tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác", người phạm tội có thể bị phạt tù mức cao nhất từ 7 đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo: Người sử dụng điện thoại di động khi thấy những dấu hiệu bất thường như: Máy điện thoại nóng, xử lý chậm; tốc độ tiêu thụ dữ liệu lớn; thời lượng pin sử dụng giảm xuống bất thường; tự động khởi động lại máy; các chức năng định vị GPS, Wifi tự động bật thì phải kiểm tra các ứng dụng đã cài đặt trong máy hoặc đến cửa hàng điện thoại đề nghị hỗ trợ để không bị là nạn nhân của tội phạm này.
|