Theo đó, cùng với các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, nhiều địa phương đã tích cực khai thác tiềm năng của kênh xúc tiến thương mại mới, đó là các sàn thương mại điện tử nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP. Tại một hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hữu Dực - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh rất chú trọng tới việc kết nối xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh bởi kênh này giúp tăng hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng chính quyền tỉnh, bà con ở Hà Tĩnh đã từng bước chuyển đổi số thông qua các nền tảng số, giúp tăng hiệu quả quản lý quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, gắn với thương mại điện tử”. Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn cũng đánh giá rất cao hiệu quả của việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm OCOP của địa phương được nhanh chóng đưa lên các sàn Vỏ Sò (Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel), Postmart (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Sen Đỏ (Tập đoàn FPT)…
Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Quyết định số 350 về Kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022”. Theo đó, đặt ra mục tiêu đến hết năm 2022, 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên sẽ được đưa lên hai sàn Postmart và Vỏ Sò. Thế nhưng, nhiều địa phương đã hoàn thành sớm mục tiêu này. “Tính đến nay, 25 địa phương đã đưa 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên các sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò. Cụ thể gồm: An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Nam, TP.HCM, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Long An, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Huế, Cà Mau, Hậu Giang. Như vậy là các địa phương này đã “về đích” sớm hơn rất nhiều so với mục tiêu Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra”, ông Dương Tôn Bảo, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Tổ phó Tổ Công tác 1034 - Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Điển hình như tỉnh Thái Nguyên, 129 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã sẵn sàng tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế thông qua sàn thương mại điện tử. Để có được kết quả này, phải kể đến nỗ lực của hai doanh nghiệp bưu chính vận hành sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò. Ông Nguyễn Quốc Trường - Giám đốc Chi nhánh Viettel Post Thái Nguyên bày tỏ: “Cán bộ, nhân viên Viettel Post đã thường xuyên phối hợp tập huấn cho bà con cách thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử theo cả hình thức online và offline, đến tận cấp xã, thôn để cầm tay chỉ việc.
Sắp tới, chúng tôi muốn có thêm những buổi làm việc chuyên đề cùng với các hộ sản xuất ngồi lại với nhau, giải quyết các bài toán một cách kỹ hơn, giúp cho việc đưa sản phẩm lên sàn Vỏ Sò có nhiều người mua hơn và thanh toán được nhanh gọn hơn”. Bà Nguyễn Thúy Ngọc - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Trong năm 2022, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá, kinh doanh các sản phẩm OCOP Thái Nguyên trên sàn Postmart. Đồng thời, tiếp tục mở rộng các hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn để đưa được nhiều nông sản hơn nữa lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ nông dân trong việc thực hiện kinh tế số”