Khai thác thủy sản đạt khoảng 79% kế hoạch
Tính đến ngày 30-9-2021, toàn tỉnh Cà Mau có tổng số 4.582 tàu cá (trong đó, có 1.517 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên), với nhiều tàu cá được trang bị các thiết bị hiện đại và bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, sản lượng khai thác trong 9 tháng của năm 2021 đạt 180.718 tấn, bằng 101,74% so với cùng kỳ năm trước, đạt 78,57% kế hoạch. Số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,27%.
Hiện tại, tỉnh Cà Mau có 2 cảng cá là Sông Đốc và Rạch Gốc được Bộ NN&PTNT chỉ định đủ điều kiện, tiêu chí để bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa phục vụ cho truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại 2 cảng cá này chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa của các đội tàu khai thác trong tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau đã cấp 163 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, với khối lượng chứng nhận trên 3.500 tấn sản phẩm (tăng 132 trường hợp với gần 3.000 tấn so với cùng kỳ).
Trước tác động của làn sóng dịch bệnh Covid-19, công tác quản lý, kiểm soát hoạt động bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa tại cảng cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau gặp nhiều khó khăn do vừa phải thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh, vừa phải đảm bảo nắm chặt thông tin, số liệu về sản lượng, thành phần loài thủy sản từ khai thác được bốc dỡ, đáp ứng theo các quy định. Trong khi đó, tình trạng ngư dân vi phạm các quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vẫn còn diễn ra, đặc biệt vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản.
Khai thác hiệu quả, thích ứng với phòng, chống dịch
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương đã tổ chức kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên tại 2 cảng cá được chỉ định. Đồng thời, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên tàu cá, tại các cảng cá và các cơ sở thu mua, chế biến hải sản, lưu thông hàng hóa.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã ban hành Hướng dẫn tạm thời quản lý, kiểm soát người, phương tiện hoạt động trên biển và bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa tại cảng cá, bến cá trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, tất cả phương tiện khi hoạt động trên biển phải kê khai lịch trình hoạt động trên biển. Chủ phương tiện phải thông báo thời gian phương tiện của mình vào bờ, số lượng người, hoạt động tiếp xúc trên biển trước khi vào bờ, để lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương phân nhóm và chủ động trong xử lý, thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Tỉnh Cà Mau cũng khuyến khích chủ tàu tổ chức cho phương tiện của mình hoạt động dài ngày trên biển. Khuyến khích các cơ sở thu mua, dịch vụ hậu cần tổ chức thực hiện chuỗi liên kết, cung ứng nhu yếu phẩm, ngư cụ, trang thiết bị và thu mua, chuyển tải sản phẩm đảm bảo cho hoạt động sản xuất của phương tiện dài ngày.
Nhằm nâng cao năng lực bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa, tránh tập trung đông người tại các cảng cá, tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra, thẩm định và tham mưu cho cấp có thẩm quyền cho phép các bến cá tư nhân cơ bản đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để thực hiện bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa... trong điều kiện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục tăng cường giám sát tàu cá hoạt động trên biển thông qua hệ thống giám sát tàu cá, kịp thời phát hiện những tàu cá cập các cảng cá ngoài tỉnh, vượt ranh giới cho phép trên biển... để có phương án quản lý, xử lý về phòng, chống dịch theo quy định. Các cơ quan chức năng tổ chức xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của các nước nhập khẩu các sản phẩm hải sản khai thác ở vùng biển Việt Nam, đảm bảo rõ ràng, chính xác và minh bạch.
Để tổ chức khai thác thủy sản hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, xem xét đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản; cho cơ chế đặc thù để tỉnh Cà Mau xây dựng phương án tổ chức lại các bến cá tư nhân đã được đầu tư, xây dựng cơ bản đáp ứng các điều kiện bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa theo hướng là các bến cá vệ tinh của cảng cá chỉ định để đáp ứng được nhu cầu của địa phương hiện nay.
Theo ông Lê Văn Sử, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thì mới thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng trong khai thác thủy sản. Nếu đầu tư cảng cá để kinh doanh thì rất khó thu hồi vốn. Chỉ có thể từ nguồn vốn ngân sách cộng với sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp thì quản lý mới hiệu quả.
Ngoài ra, cần có thêm chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, hỗ trợ khắc phục khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, có kế hoạch hành động cụ thể nâng cao hiệu quả phòng chống khai thác bất hợp pháp, tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.