Chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ vải
Trước những diễn biến phức tạp dịch Covid-19, UBND tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch số 2099/KH-UBND ngày 13/5/2021 nhằm bảo vệ vùng sản xuất vải thiều tập trung với phương châm “Vải thiều Bắc Giang chất lượng vượt trội được sản xuất tại các vùng không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19”. Các giải pháp đảm bảo sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ vải thiều an toàn trước dịch Covid19 được thực hiện đồng bộ như: đưa đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao (F1) và lây nghiễm (F0) ra khỏi địa bàn vùng trồng vải, thiết lập các chốt chặn, kiểm soát người và phương tiện ra vào, lấy mẫu xét nghiệm, test nhanh và cấp giấy chứng nhận người, phương tiện, vải thiều an toàn cho các chủ hàng, người điều khiển phương tiện chuyên chở vải đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; tuyên truyền đến từng hộ gia đình, nêu cao ý thức chấp hành của người dân trong công tác phòng, chống dịch và chủ động kế hoạch thu hái, tiêu thụ.
Vải thiều sớm Tân Yên chất lượng cao đã được xuất đi Nhật Bản
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 29/4/2021 về tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021, kích hoạt, điều hành linh hoạt 03 kịch bản, phương án tiêu thụ phù hợp với những diễn biến về dịch Covid-19, với từng thị trường, từng kênh phân phối, tiêu thụ. Tỉnh đã chủ động mời các Tập đoàn bán lẻ, chuỗi các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài nước: Aoen, Central Retail, Mega Market, Lotte, Big C, Saigon.coop, Vinmart, Hapro…; đại diện các chợ đầu mối nông sản của Hà Nội (chợ ĐMNS Phía Nam, Bắc Thăng Long, Phùng Khoang, Long Biên), của thành phố Hồ Chí Minh (chợ ĐMNS Thủ Đức, Bình Điền), chợ đầu mối Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai), chợ đầu mối nông sản Hòa Cường (thành phố Đà Nẵng)…; các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như: công ty TNHH Chánh Thu, Ameii, Rồng Đỏ, Đồng Giao, Bambo… tham gia hợp tác, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng bao tiêu sản phẩm tại các mã vùng trồng với trên 50 hợp đồng tiêu thụ. Tất cả các cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài đã hỗ trợ thực hiện quảng bá, giới thiệu, xúc tiến và thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều tại các nước trên thế giới, đặc biệt là cơ quan Thương vụ tại Quảng Tây, Vân Nam - Trung Quốc, tại Nhật Bản, Úc, Singapore...
Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, tiêu thụ vải thiều
Ngày 08/6/2021, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành Trung ương tổ chức thành công hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021. Hội nghị được tổ chức có quy mô quốc tế với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế (22 điểm cầu trong nước và 08 điểm cầu quốc tế: Trung Quốc 04 điểm cầu, Nhật Bản 02 điểm cầu và 01 điểm cầu tại Singapore và Úc). Tại hội nghị, vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên được chính thức khai trương tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất của cả nước và sàn thương mại điện tử lớn của thế giới. Các sự kiện quảng bá, bán hàng với các chương trình livestream bán vải thiều trực tiếp trên mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng (NSƯT Xuân Bắc, diễn viên Hà Hương…) và các hoạt động, hình thức tự nguyện quảng bá, giới thiệu vải thiều Bắc Giang trên mạng xã hội đã góp phần làm sinh động các hoạt động quảng bá, giới thiệu trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên các trang mạng xã hội và hạ tầng không gian mạng Internet; xây dựng hồ sơ “luồng xanh” an toàn cho vải trong điều kiện Bắc Giang là tâm dịch Covid-19. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và các địa phương vùng trồng vải thực hiện các quy trình, thủ tục xác nhận, cấp giấy chứng nhận an toàn không Covid-19 cho các lô hàng vải thiều và phương tiện vận chuyển đảm bảo điều kiện an toàn. Sở Công Thương đã thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều thường trực tại cửa khẩu Kim Thành tỉnh Lào Cai và cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn để phối hợp với các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu: Biên phòng, Ban Quản lý cửa khẩu, Hải quan... kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc của thương nhân và doanh nghiệp trong quá trình thông quan xuất khẩu vải thiều.
Vải thiều Bắc Giang lên sàn thương mại điện tử
Việc tiêu thụ trong nước, thị trường nội địa được quan tâm, mở rộng với tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được tiêu thụ khắp cả nước và có mặt tại hầu hết các siêu thị (BigC, Mega Market, Saigon Coop, Hapro, Aeon, Lotte, Vinmart…), Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn - TPHCM, Dầu Giây - Đồng Nai, Hòa Cường - Đà Nẵng…) và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.... Vải thiều Bắc Giang có “luồng xanh” được thuận lợi thông qua các chốt kiểm soát dịch đường bộ; hầu hết các hãng hàng không nội địa (VietNam Airline, Bamboo Airways, Vietjet Air) có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để quả vải được vận chuyển bằng đường hàng không đến với người tiêu dùng các tỉnh phía Nam. Vải thiều được bán trực tuyến trên nền tảng online (facebook, zalo, Youtube …), hạ tầng Internet trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba…) với số lượng lớn nhất từ trước tới nay (sản lượng tiêu thụ đạt khoảng trên 6.000 tấn).
Năm nay thị trường xuất khẩu được ổn định, quả vải đã khẳng định được thương hiệu, định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được người tiêu dùng tại các nước đón nhận và đánh giá cao. Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang đã được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là nông sản đầu tiên của Việt Nam được phía Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021 đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông, … trong đó thị trường Nhật Bản, EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan…) đã xuất khẩu với sản lượng gấp hàng chục lần so với năm 2020; khu vực Đông Nam Á cũng được mở rộng xuất khẩu với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay với gần 5.000 tấn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ những diễn biến bất lợi do dịch Covid-19, song năm 2021, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn (tăng trên 50.850 tấn, tương đương tăng 30,8% sản lượng so với năm 2020). Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng. Đây thực sự là một mùa vụ thành công trên mọi phương diện, là minh chứng sinh động, khẳng định Bắc Giang đã và đang cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa không ngừng phát triển kinh tế./.